MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung tuần tháng 11, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

19-09-2014 - 22:52 PM | Xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 13, khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11 tại Thủ đô Hà Nội.

Đây là thông tin được Văn phòng Quốc hội chuyển đến tất cả các vị đại biểu trong ngày 19/9, kèm theo dự kiến nội dung và chương trình làm việc của kỳ họp để xin ý kiến.

Văn phòng Quốc hội cũng cho biết một số điều chỉnh so với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đã được Quốc hội quyết định.

Theo đó, chưa bố trí trong dự kiến chương trình việc xem xét, thông qua nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.

Đồng thời không trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt.

Hai nghị quyết được bổ sung trình Quốc hội xem xét, thông qua là nghị quyết phê chuẩn Công ước chống tra tấn và nghị quyết phê chuẩn Công ước quyền của người khuyết tật.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 17 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết. Trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)....

Trong 12 dự án luật Quốc hội cho ý kiến có Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)...

Một nội dung đáng chú ý tại kỳ họp là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Theo nghị trình dự kiến, vào cuối phiên làm việc sáng 12/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm, Sau đó Quốc hội biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Như kỳ trước, Quốc hội cũng vẫn sẽ thảo luận ở đoàn về nội dung này.

Sáng 13/11, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận nói trên, trước khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu.

Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chiều cùng ngày, sau đó Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Lần lấy phiếu tín nhiệm này về cơ bản vẫn được tiến hành như lần đầu (giữa năm 2013) với việc giữ nguyên ba mức tín nhiệm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

Vào cuối kỳ họp, Quốc hội lại tiếp tục xem xét dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đây là công việc lẽ ra đã đượchoàn thành từ kỳ họp Quốc hội thứ 7,do còn nhiều ý kiến khác nhau nên đã được lùi sang kỳ họp thứ 8.

hangnt

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên