MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

05-05-2014 - 17:09 PM | Xã hội

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, giai đoạn 2008 – 2013 Bộ đã trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định phê duyệt các Chương trình, Dự án lớn

Chiều 5.5 tại Hà Nội, Đoàn công tác Trung ương Ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) do GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn công tác làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Nghị quyết.

Báo cáo với Đoàn công tác Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết:

Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết, Ban Cán sự Đảng bộ đã tổ chức quán triệt tinh thần, nội dung của Nghị quyết đến các tổ chức cơ sở Đảng, Thủ trưởng các đơn vị, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Bộ, ngành và toàn thể Đảng viên sinh hoạt trực tiếp tại Đảng bộ cơ quan Bộ và cán bộ, công chức của Bộ.

Trong đó quán triệt, phổ biến cụ thể về mục tiêu, quan điểm của Đảng cũng như các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Thông qua đó đã thống nhất nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung và bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - một nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa chịu sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, hệ thống Luật pháp, chính sách về lao động, người có công và xã hội đã ban hành đồng bộ, kịp thời, thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với nhận thức mới, tư duy mới phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với sự công bằng và tiến bộ xã hội và hội nhập quốc tế…

Trong khu vực doanh nghiệp chính sách tiền lương, tiền công từng bước được điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường, hình thành trên cơ sở thỏa thuận; mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định tiền lương, hình thức trả lương trên cơ sở bảo đảm gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hài hòa giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước ban hành mức lương tối thiểu để bảo vệ người lao động, đồng thời là cơ sở để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận các mức tiền lương khác đối với từng vị trí công việc, bảo đảm mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Trong giai đoạn 2010 - 2013, tiền lương bình quân trong doanh nghiệp dân doanh tăng khoảng 13%/năm; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng khoảng 10%/năm; khu vực nhà nước tăng khoảng 15%...

3 năm (2011 - 2013) tuyển mới dạy nghề trên 4.998 nghìn người, trong đó: tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề trên 650 nghìn người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng trên 4.348 nghìn người. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển theo hướng xã hội hoá, tính đến nay cả nước có 1.339 cơ sở dạy nghề. Cả nước tạo việc làm cho trên 4.601 nghìn người, đạt 57,52% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra. Tạo việc làm trong nước 3 năm (2011 - 2013) cho 4.345 nghìn người (trong đó: số chỗ làm việc mới tăng thêm 3.350 ngàn; việc làm thay thế cho người hết tuổi lao động không tiếp tục làm việc và lao động chuyển dịch từ khu vưc nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ 985 ngàn người), đạt 57,5% kế hoạch 5 năm.

Xuất khẩu lao động 3 năm cả nước đã đưa được trên 256 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 56,9% kế hoạch 5 năm. Đưa tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài (trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên khoảng 500.000 người. Hầu hết lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động tín nhiệm và đánh giá cao nên có việc làm với thu nhập khá cao, ổn định (trong đó có những lao động đạt mức tiền lương và thu nhập lên tới vài chục triệu đồng một tháng như ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…). Hiện nay, mỗi năm người lao động gửi về cho gia đình khoảng 1,6 - 2,0 tỷ đôla Mỹ. Quý I năm 2014, tạo việc làm cho 346.277 người, trong đó: tạo việc làm trong nước cho 323.000 người; xuất khẩu lao động 23.277 người.


Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, giai đoạn 2008 – 2013 Bộ đã trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định phê duyệt các Chương trình, Dự án lớn liên quan đến giảm nghèo, cùng với những chính sách đã ban hành trước đó hướng tới mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững.

Với hiệu quả từ nguồn lực đầu tư của các chính sách, chương trình, dự án, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 xuống còn 7,8% cuối năm 2013, giảm bình quân 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo đã giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 38,2% cuối năm 2013, bình quân giảm trên 5%/năm. Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương đến cuối năm 2013 có 96% số xã, phường cả nước được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; 97% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Công tác trợ giúp xã hội tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp, với mức trợ cấp xã hội được điều chỉnh phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Đến cuối năm 2013 có khoảng 2,6 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2010; 15 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách đã chủ động nâng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ, các tỉnh nghèo được bổ sung ngân sách đảm bảo xã hội để đảm bảo chi trả đầy đủ cho đối tượng theo quy định. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được phát triển, với quy mô nuôi dưỡng đối tượng tập trung trên 42 nghìn người.

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng: số lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cuối năm 2013 tăng 13,5% so với cuối năm 2010, đạt 10,9 triệu người; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 2,3 lần, đạt trên 173,5 nghìn người; số người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hiện nay là 2,5 triệu người. Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ năm 2009, đến cuối năm 2013 có gần 9 triệu người tham gia.

Trong 3 năm (2011-2013) có trên 1.291 nghìn người lao động đăng ký thất nghiệp, trên 1.165 nghìn người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng; trên 955 nghìn người được tư vấn giới thiệu việc làm mới.

Các quyền và môi trường sống của trẻ em được thực hiện ngày càng đầy đủ, rộng rãi hơn; trẻ em khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm sóc tốt hơn và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng: 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,6%; 65% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 67% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền tại cơ sở y tế công lập. Chính sách về bình đẳng giới đã được tổ chức thực hiện đồng bộ trên tất c các hoạt động trong đời sống xã hội và đạt được nhiều sự tiến bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ biểu dương những nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ông Huệ nhấn mạnh, báo cáo của Bộ rất đầy đủ, phụ lục kèm theo báo cáo cho thấy Bộ đã ban hành được rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về lao động – việc làm, dạy nghề, giảm nghèo và an sinh xã hội đã ban hành từ năm 2008 đến hết quý I/2014, đồng thời đồng chí cũng đánh đánh giá cao các ý kiến phát biểu từ các cục, vụ, viện thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đây là tư liệu quý để phục vụ sơ kết, là cơ sở để Ban Chỉ đạo kiến nghị tới Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Thanh Liêm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên