MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tùy tiện cắt giảm khi tăng lương cơ bản năm 2016

11-01-2016 - 09:41 AM | Xã hội

Khi thực hiện việc tăng lương tối thiểu, một số doanh nghiệp đã cắt giảm các khoản phụ cấp khiến người lao động bức xúc..

Từ ngày 1.1.2016, việc tăng lương cơ bản tại các doanh nghiệp sẽ được áp dụng theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng của người lao động sẽ được áp dụng từ 2.400.000 đồng đến 3.500.000 đồng/tháng (tăng 12,4% so với năm 2015). Tuy nhiên, khi thực hiện việc tăng lương tối thiểu, một số doanh nghiệp đã cắt giảm các khoản phụ cấp khiến người lao động bức xúc.

Nguyên nhân xảy ra tranh chấp

Trong các ngày 31.12.2015 và ngày 4.1, đông đảo công nhân làm việc tại công ty TNHH Triumph (100% vốn của Đức, đóng tại KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương) đã ngừng việc, kéo về chi nhánh ở số 218, đường Võ Văn Ngân, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TPHCM để phản đối chính sách tăng lương cơ bản 2016 của công ty.

Theo đó, đối với việc tăng lương cơ bản năm 2016, công ty vẫn sẽ tăng 400.000 đồng/tháng theo đúng quy định về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Tuy nhiên, công ty sẽ sẽ giảm 2,5% trong tổng số 5% mức tăng lương hàng năm của công nhân. Khi nhận được thông báo này, công nhân công ty đã phản ứng, ban giám đốc công ty hứa ngày 31.12.2015 sẽ thông báo chính thức nhưng lại không thực hiện. Không đồng tình, từ ngày 31.12.2015,công nhân đã đình công.

Ngày làm việc đầu năm 2016, công ty vẫn chưa có thông báo chính thức, các công nhân làm việc ở trụ sở chính tại Bình Dương đã ngừng việc và kéo về chi nhánh ở TPHCM đình công, yêu cầu công ty giữ nguyên chính sách tăng lương hàng năm khi tăng lương cơ bản năm 2016.

Lý do được công nhân đưa ra là 5% mức tăng lương hàng năm chính là lương thâm niên của công nhân, khuyến khích công nhân gắn bó với công ty. Đối với những công nhân làm việc lâu năm, giảm 2,5% lương thâm niên thì khi tăng lương cơ bản, thực chất họ chỉ nhận được 50%. Như vậy là không công bằng. Trước áp lực của công nhân, phía công ty cam kết sẽ giữ nguyên mức tăng lương hàng năm 5% khi tăng 400.000 đồng lương cơ bản năm 2016, công ty cũng không trừ ngày lương 4.1 của công nhân mà sẽ tính vào tiền phép năm. Trước câu trả lời của công ty, công nhân đã giải tán, chấm dứt cuộc ngừng việc.

Công đoàn tăng cường giám sát việc tăng lương

Nghị định 122/2015/NĐ-CP nêu rõ, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Tại nhiều DN, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tổ chức CĐ đã chủ động thương lượng với chủ doanh nghiệp, trên cơ sở tham khảo ý kiến của công nhân để đưa ra mức tăng lương phù hợp, đặc biệt các khoản phụ cấp, thưởng tết của công nhân được quy định rõ trong thỏa ước lao động tập thể, doanh nghiệp không được cắt giảm.

Ông Bùi Vũ Thanh Phương - Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH US Pharma USA - cho biết, ban chấp hành công đoàn sẽ làm việc với ban giám đốc để đưa ra phương án tăng lương cơ bản cho năm 2016. Theo ông Phương, việc tăng lương phải đảm bảo tôn trọng đề xuất của công nhân, không cắt giảm các khoản phụ cấp và doanh nghiệp vẫn chịu đựng được.

Ông Huỳnh Tấn Tài - Chủ tịch CĐCS Cty Hong IK Vina - chia sẻ thêm: “Ban chấp hành công đoàn công ty sẽ giám sát, đảm bảo mức tăng đúng với mức tăng lương tối thiểu mà Nhà nước quy định. Đặc biệt, công đoàn sẽ giám sát, yêu cầu ban giám đốc công ty không được cắt giảm các khoản phụ cấp trước đó của công nhân.

Không để xảy ra tranh chấp lao động khi tăng lương tối thiểu 2016

Liên quan đến việc tăng lương tối thiểu năm 2016, LĐLĐ TPHCM cũng có hướng dẫn các cấp công đoàn giám sát việc thực hiện lương tối thiểu vùng năm 2016. LĐLĐ TPHCM yêu cầu công đoàn cấp trên phân công cán bộ công đoàn giám sát thực hiện lương tối thiểu vùng cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác tại doanh nghiệp để tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp thực hiện không đúng. Ở những doanh nghiệp đông công nhân, thường xảy ra tranh chấp thì cử cán bộ nắm tình hình, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong quá trình điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho phù hợp, không để xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể.

Theo Lê An Nhiên

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên