Ứng phó với nạn nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng
Hiện tượng này đã thành thông lệ và theo thứ trưởng Trương Minh Tuấn, việc tung tin xuyên tạc, bôi nhọ này là nhằm gây rối, nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng.
- 11-01-2016Văn phòng Chính phủ đang bị mạo danh
- 19-12-2015Kỳ vọng về sự chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng
- 10-06-2013Đề phòng thông tin nhiễu loạn khi lấy phiếu tín nhiệm
Phải ứng phó ra sao trước tình trạng xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về tình hình nội bộ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên tin nhắn, mạng xã hội?
Ghi nhận ý kiến của thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn và các chuyên gia, luật sư về vấn đề này.
* Ông Trương Minh Tuấn - thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông:
Nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp trước, trong và sau khi diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, của dân tộc như Đại hội Đảng, nhiều đối tượng chống phá lại tung ra đủ loại thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây rối, làm nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng.
Bộ Thông tin - truyền thông đã chỉ đạo Cục An toàn thông tin và các nhà mạng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Bộ Công an dùng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ truy tìm những đối tượng lợi dụng mạng Internet để phát tán thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật để xử lý theo quy định tại điểm e, khoản 1, điều 5 của nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Song song đó, bộ thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các nhà mạng kịp thời có biện pháp kỹ thuật xử lý các nguồn phát tán thông tin sai phạm.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động phải chủ động rà soát, có phương án xử lý đối với hành vi lợi dụng hệ thống thông tin di động (tin nhắn sms, dịch vụ 3G) để phát tán thông tin chống phá Đảng, Nhà nước.
Việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng Internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, danh dự của người khác là hành vi phạm pháp dù ở bất cứ quốc gia nào.
Về mặt đạo đức thì cũng không một xã hội nào chấp nhận hành vi đó. Con người phải hướng đến sự tốt đẹp, tính nhân văn thì xã hội mới văn minh và phát triển bền vững được.
* Ông Nguyễn Tiến Quỳnh (phó giám đốc Trung tâm đào tạo NetPro):
Không nên dẫn lại thông tin chưa được kiểm chứng
Để người sử dụng Internet có sự sàng lọc thông tin, tự bảo vệ bản thân trước các thông tin xấu, độc hại cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía: đơn vị cung cấp thông tin chính thống: cung cấp thông tin kịp thời; đơn vị quản lý: sàng lọc để quảng bá những đơn vị cung cấp thông tin chính thống...
Về phía người sử dụng Internet: cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định để nâng cao nhận thức, biết sàng lọc thông tin, ví dụ như: cần có cái nhìn đa chiều với mỗi thông tin; tránh bị hút theo các thông tin giật gân...
Đặc biệt, không chia sẻ, đưa lại thông tin mà bản thân không kiểm chứng được.
Đồng thời, người sử dụng Internet cũng phải lưu ý để không vô tình vi phạm Luật an ninh mạng. Luật an ninh mạng mới được Quốc hội thông qua nên để người sử dụng Internet không vô tình phạm luật cần có tác động từ hai phía:
1. Từ phía cơ quan quản lý (Bộ Thông tin - truyền thông): cần thực hiện truyền thông tốt tới người sử dụng về nội dung của luật.
2. Từ phía người sử dụng: cần cân nhắc khi chia sẻ thông tin lên Internet, đặc biệt là các thông tin không phải do tự bản thân đưa ra thì cần kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc thông tin.
* Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):
Đủ nhận thức để loại bỏ thông tin xuyên tạc
Lâu nay các trang mạng xã hội viết nhiều thông tin về chuyện nhân sự của Đại hội Đảng mang tính chất bôi nhọ, xúc phạm, vu khống đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Khía cạnh nào đó cũng giống như các nước, cuộc sống gia đình Nhật hoàng, tổng thống Mỹ, hoàng gia Anh... những thông tin này luôn gây tò mò cho người đọc.
Tôi đọc nhưng không quan tâm. Và tôi tin rằng bạn đọc cũng đủ nhận thức để phân biệt và loại bỏ những thông tin xấu, độc hại, mang tính xuyên tạc.
Tôi tin rằng lực lượng an ninh của Việt Nam đủ khả năng tìm ra những kẻ xúc phạm, vu khống, gây chia rẽ nội bộ Đảng và Nhà nước trước Đại hội Đảng.
* Một chuyên gia quản lý truyền thông:
Nên thông tin chính thống kịp thời cho người dân
Có thể thấy mục đích của những trang web đưa thông tin sai lệch, không có thật liên quan tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ và gây mất niềm tin của người dân vào Đảng, vào cá nhân các lãnh đạo.
Những người đưa thông tin lên mạng như trên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam.
Nếu lực lượng chức năng thu thập được các tài liệu, chứng cứ chứng minh cá nhân, tổ chức nào thực hiện hành vi này, truy tìm được đúng người thực hiện thì có thể khởi tố họ về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân.
Trước hết người dân cần tin tưởng vào thông tin chính thống trên hệ thống báo chí, trang web chính thức của Việt Nam, không nên tìm kiếm những trang web có nội dung xuyên tạc, nói xấu và không bình luận, chia sẻ đường dẫn các thông tin này trên trang cá nhân của mình.
* Ông Ngô Tuấn Anh (phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của BKAV):
Không vô tình tiếp tay cho các thông tin xấu
Có thể nhận định tình hình thông tin xấu, thông tin độc hại trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội hiện nay đang ở trạng thái “ô nhiễm nặng”.
Người sử dụng thường xuyên gặp phiền toái với tin nhắn rác, nội dung đồi trụy hay liên kết giả mạo có cài mã độc.
Không chỉ quấy rối, “rác” trên mạng xã hội còn mang theo nguy cơ “móc túi” người dùng với các nội dung lừa đảo như trúng thưởng khủng, khuyến mãi hấp dẫn...
Với tình hình an ninh mạng như hiện nay, khi các thông tin xấu, độc hại đã trở thành chuyện thường ngày thì ý thức của người dùng cần tiếp tục được cải thiện hơn nữa.
Để bảo vệ an toàn thông tin, phòng tránh nguy cơ bị truy cập trái phép vào máy tính, người dùng cần cẩn trọng khi mở các file đính kèm trong email, lưu ý khóa máy khi không trực tiếp ngồi trước máy tính và đặt mật khẩu mạnh.
Quan trọng nhất, cần trang bị phần mềm diệt virút thường trực cho cả máy tính và điện thoại.
Để không vô tình tiếp tay cho các thông tin xấu, độc hại, người sử dụng cần lưu ý xác minh các thông tin nhận được qua mạng, không dễ dàng tin và thực hiện chia sẻ các thông tin khi chưa có xác thực rõ ràng.
Tuổi Trẻ