MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban VH, GD, TN&NĐ của Quốc hội: “Đẩy nhanh tiến độ Asiad 18”

31-03-2014 - 07:22 AM | Xã hội

Việc đầu tư các công trình thể thao phục vụ Asiad 18 phải có trọng tâm, trọng điểm; chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có đáp ứng yêu cầu thi đấu của Đại hội.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) vừa có Công văn số 1090/UBVHGDTTN13 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ý kiến về việc tổ chức Asiad 18.

Công văn nêu rõ, từ kết quả Phiên giải trình ngày 18.3 vừa qua, Ủy ban kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ “Đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể chuẩn bị tổ chức Asiad 18 vào năm 2019. Việc đầu tư các công trình thể thao phục vụ Asiad 18 phải có trọng tâm, trọng điểm; chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có đáp ứng yêu cầu thi đấu của Đại hội”.

Kêu gọi trả lại Asiad: “Tư duy làm ăn manh mún”

Trong mấy ngày qua, một vài thông tin về kinh phí cho công tác tổ chức Asian Games 18 - 2019 (ASIAD 18) không đúng sự thật, có thông tin còn kêu gọi không đăng cai Asiad 18 nữa.

Về việc này Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa và Luật sư Trần Văn Đức – Đoàn Luật sư Hà Nội đều cho rằng việc đăng cai Asian Games là thực hiện đường lối của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của cả Thành ủy Hà Nội, địa phương đăng cai chính.

Chúng ta đã ký kết việc đăng cai Asian Games với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) rồi thì không thể nào đơn phương rút lui được. OCA đã quy định rằng nước đăng cai không thể đơn phương bỏ cuộc trừ khi có hiểm họa chiến tranh hoặc bị thiệt hại trầm trọng do thiên tai, động đất trong khi nước ta đang phát triển, lại ổn định về hệ thống chính trị. Với góc độ là doanh nghiệp, Ông Trần Viết Hưng bình luận “Đến giờ này người nào nghĩ ra chuyện kêu gọi trả lại Asiad 18 thì đó là tư duy làm ăn manh mún”.

Trong cuộc trao đổi với báo Thanh Niên mới đây, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình theo tinh thần: “Đăng cai ASIAD 18 là cơ hội để tôn vinh VN, khẳng định vị thế của VN trên trường quốc tế. Vì khẳng định chúng ta có điều kiện đăng cai được nên Đảng và Nhà nước đã hoàn toàn nhất trí. Vì thế vào lúc này không nên đặt vấn đề là nên hay không nên nữa”.

Ông Tiến phân tích: “Trình độ VĐV, HLV và các nhà quản lý nhờ có sự kiện này mà có điều kiện trưởng thành, trình độ sẽ chạm tới đấu trường châu lục. Chúng ta được lợi không chỉ thể thao mà còn có cơ hội đón tiếp hàng trăm ngàn người từ các nước trong khu vực, châu lục. Nhờ đó phát triển du lịch, phát triển hàng không, nâng cao dịch vụ ngân hàng, khách sạn đi kèm”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UBTDTT, ông Đoàn Thao, người luôn gắn bó với chặng đường phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm qua bày tỏ “Việc đăng cai Asian Games 2019 đã được Chính phủ đồng ý và trên thực tế đó cũng là ý nguyện của toàn dân nên giờ đừng nói chuyện thoái thác nữa, trừ khi đất nước có sự cố, thiên tai, chiến tranh. Việc rút lui là hạ sách bởi nó ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hình ảnh, uy tín đến vị thế của đất nước sau bao nhiêu nỗ lực mới có được. Tổ chức Asian Games trên tinh thần tiết kiệm vừa thúc đẩy sự phát triển của đất nước, vừa tạo sức bật cho thể thao VN vươn lên như điều chúng ta đã làm được sau SEA Games 22. Đến giờ này đừng bàn tới chuyện rút lui không đăng cai Asian Games mà hãy chọn việc nào tốt cho dân, cho nước thì làm”

Trăn trở trước một số ý kiến còn trái chiều trong việc đăng cai Asian Games 18 – 2019, GS.TS Dương Nghiệp Chí – người từng phục vụ 8 đời thủ trưởng Ngành TDTT (các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng) phân tích “Giờ chúng ta đã nhận đăng cai Đại hội rồi thì cũng không nên nói tới việc rút lui nữa, bởi như thế chúng ta sẽ đẩy các nước khác trong châu lục vào thế bị động trong việc chuẩn bị cho Đại hội, vì thời gian bây giờ không còn nhiều.

Chúng ta luôn muốn hội nhập với thế giới thì cũng phải có trách nhiệm với phong trào chung, đừng xem việc đăng cai Asian Games là một gánh nặng rồi tìm cách đẩy gánh nặng đấy cho các nước khác. Nếu giờ chúng ta rút lui thì bạn bè châu lục sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt như thế nào, uy tín của đất nước sẽ ra sao?

Còn những lo lắng về chuyện lãng phí, tôi cho rằng nếu chúng ta làm bài bản, căn cơ trên tinh thần tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí, tránh tham nhũng, thì dân người ta sẽ hiểu. Mà như tôi đã nói đầu tư cho thể thao là đầu tư cho con người, nó có mất đi đâu, những công trình thì còn đó với thời gian, cho con cháu chúng ta sử dụng, còn những giá trị về tinh thần, về việc chấn hưng sức mạnh tinh thần của một dân tộc thì không thể lượng hóa được”, ông Chí nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trong phiên giải trình ngày 18.3 cho rằng, nếu xin rút lui trong hoàn cảnh này sẽ gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là quan hệ ngoại giao và hình ảnh đất nước. Việc tổ chức Đại hội làm được nhưng cần đảm bảo phương án triển khai tiết kiệm và tận dụng triệt để những điều kiện cơ sở vật chất sẵn có và phải chấp nhận một tỷ lệ tốn kém nhất định.

Kinh phí tổ chức bị đội lên gấp đôi: Đâu là sự thật?

Thông tin kinh phí cho công tác tổ chức Asian Games 18 - 2019 (ASIAD 18) đã tăng gấp hai lần so với con số 150 triệu USD đã được công bố trước đó khiến cho ngay cả những người soạn dự thảo Đề án cũng phải ngạc nhiên, bởi thông tin đó không đúng sự thật.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết, Bộ VHTTDL đã có tờ trình (số 125/TTr-BVHTTDL, ngày 29.6.2012) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động đăng cai Asian Games 18-2019. Trong đó ghi rõ: Tổng kinh phí dự kiến chi cho công tác tổ chức ASIAD 18 là 4.162.749.999.000 đồng, trong đó dự toán tổng số kinh phí chi từ ngân sách nhà nước cho công tác tổ chức ASIAD 18 là 3.149.790.000.000 đồng, chưa đến 150 triệu USD.

Từ đó cho tới nay, qua nhiều lần soạn thảo, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, các địa phương đăng cai Đại hội, các đại biểu Quốc hội... con số 150 triệu USD từ ngân sách nhà nước chi cho công tác tổ chức Đại hội, chưa hề thay đổi.

Sở dĩ cần 150 triệu USD cho công tác tổ chức Đại hội là do Bộ VHTTDL đã xây dựng dự thảo đề án trên phương án tiết kiệm tối đa, đảm bảo hiệu quả tổ chức song vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết của một đại hội thể thao cấp châu lục. Phương án được lựa chọn trong đề án là tận dụng tối đa các công trình thể thao đã và đang được xây dựng tại Hà Nội và các địa phương lân cận.

Qua quá trình khảo sát, hiện tại ngoài Khu Liên hợp thể thao QG Mỹ Đình, Trung tâm HLTTQG HN, trên địa bàn thủ đô có tới 34 công trình thể thao khác và một số công trình thể thao thuộc sự quản lý của các Bộ, ngành và tư nhân, có thể được bố trí để thi đấu hoặc sử dụng làm địa điểm tập luyện. Tại các tỉnh, thành khác như Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... đều có sẵn cơ sở vật chất, chỉ cần nâng cấp là có thể phục vụ cho công tác tổ chức Đại hội.

Trên cơ sở tiết kiệm tối đa kinh phí, nếu đăng cai, chúng ta cũng chỉ xây mới một số công trình để đáp ứng được yêu cầu tổ chức ASIAD như sân đua xe đạp lòng chảo, nhà thi đấu đa năng, 1 cụm sân tennis, Làng VĐV, 1 trường bắn súng. Hầu hết các công trình này đều được xây dựng theo phương thức xã hội hóa và hiện đã có các nhà đầu tư. Ngoài ra chúng ta chỉ cần cải tạo, thay đổi công năng của một số công trình thể thao để tổ chức các môn mà VN chưa có công trình tương ứng như là trường bắn cung, sân thi đấu và sân tập môn Hockey, sân thi đấu và sân tập môn Bóng bầu dục...

Các công trình này sẽ xây dựng theo phương án tiết kiệm để mặt sân đảm bảo được trồng cỏ hoặc san cát đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng sử dụng khán đài lắp ghép, thuê khung kho, lều bạt tạm cao cấp làm các phòng chức năng, sau khi kết thúc Đại hội sẽ tháo gỡ.

Cũng cần phải nói rõ sở dĩ kinh phí dự kiến tổ chức Asian Games 18 thấp hơn SEA Games 22 là bởi SEA Games 22 chúng ta xây mới toàn bộ các công trình, trong đó đáng kể nhất là Khu Liên hợp thể thao QG. Còn khi đăng cai tổ chức Asian Games 18, chúng ta tận dụng tới 80% các công trình cũ và nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các công trình này đã có trong kế hoạch của các địa phương...

Cũng do “ăn theo” Quy hoạch về cơ sở vật chất của TP Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt nên kinh phí tổ chức ASIAD 18 tại VN dự kiến thấp hơn rất nhiều so với kinh phí tổ chức của các kỳ ASIAD gần đây. Chẳng hạn như tại ASIAD 15 - Qatar 2006, BTC chi khoảng 2,8 tỉ USD; tại ASIAD 16 - Quảng Châu, Trung Quốc 2010, BTC chi 17 tỉ USD, bao gồm cả việc xây dựng một thành phố mới, hệ thống tàu điện ngầm và hoàn thiện mạng lưới giao thông; tại ASIAD 17 Incheon, Hàn Quốc 2014, BTC dự kiến chi khoảng 1,62 tỉ USD cho công tác tổ chức Đại hội. Incheon xây mới tới 23 công trình phục vụ Đại hội, trong đó SVĐ chính sẽ khánh thành vào tháng 4 tới với sức chứa 61.000 chỗ ngồi.

Muốn phát triển, cần tư duy tỷ đô

Quốc vụ khanh Vương quốc Anh, ngài Grant Shapps phát biểu tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai chính phủ (Việt – Anh) về hợp tác trong công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Châu Á 2019 cho biết, Thế vận hội Thể thao Olympics London 2012 là một thành công vượt bậc và đã đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho nước Anh với gần 10 tỷ bảng Anh về giá trị thương mại và đầu tư. Nước Anh mong muốn đóng vai trò quan trọng, chủ động vào sự hợp tác với Việt Nam trong công tác chuẩn bị Asiad 2019 để góp phần tổ chức Thế vận hội thành công bền vững, ngài Quốc vụ khanh cũng đã bày tỏ mong muốn chia sẻ kinh nghiệm tổ chức với Việt Nam.

Theo GS.TS Dương Nghiệp Chí thì “trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các nước lớn trên thế giới đều mong muốn đăng cai các kỳ đại hội thể thao lớn. Không phải vì họ thừa tiền mà vì đăng cai các đại hội thể thao lớn sẽ mang lại nhiều cơ hội và nhiều lợi ích cho các quốc gia chủ nhà. Chúng ta phải đặt thể thao vào đúng vị trí của nó, vì đầu tư cho thể thao là đầu tư cho con người, cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tăng tuổi thọ của người VN theo tinh thần vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh, hội nhập và phát triển, như mục tiêu mà Chiến lược phát triển thể thao VN đã đặt ra.

GS.TS Dương Nghiệp Chí nói: “Tôi đã từng đọc nhiều tài liệu nước ngoài trong đó sách giáo khoa của Trung Quốc và báo chí phương Tây có nói về kinh nghiệm của nước Nga. Tổng thống Nga Putin lên nắm quyền, trước những bộn bề khó khăn của một đất nước bị suy thoái nặng nề bởi hậu quả của Chiến tranh lạnh, ông đã vạch ra kế hoạch ưu tiên phát triển thể thao nhằm mục đích chấn hưng tinh thần dân tộc, xem đây là tiền đề cho công cuộc cải cách nền kinh tế cũng như phục hồi vị thế của nước Nga trên trường quốc tế.

Vậy thì tại sao chúng ta không dùng việc tổ chức Asian Games để chấn hưng tinh thần dân tộc nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là đến năm 2020, đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, như mục tiêu mà Đảng đã đề ra?. Từ đó việc đăng cai Asian Games chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của phong trào thể thao cho mọi người. Và nếu không có việc đăng cai Asian Games thì chúng ta vẫn phải đầu tư cho thể thao để phát triển về mặt thể chất của con người.”

Nguyên Phó Chủ nhiệm UBTDTT, ông Đoàn Thao phân tích, “Đăng cai Asian Games chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều vất vả nhưng những cái lợi mang lại thì không thể đong đếm được. Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hóa lâu đời và là một quốc gia không hề nhỏ của khu vực Đông Nam Á, Châu Á nên tổ chức Đại hội là dịp tốt để 45 quốc gia trong khu vực biết và hiểu thêm về Việt Nam. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch”...

Ông Wei Ji Zhong, Phó Chủ tịch danh dự Hội đồng Olympic châu Á (OCA) cho rằng đăng cai ASIAD là cơ hội không chỉ cho thể thao Việt Nammà cả sự phát triển của đất nước. Theo kinh nghiệm của bản thân, ông thấy rằng nếu việc đăng cai ASIAD đã được người dân đồng tình, ủng hộ thì bất kỳ chính sách phát triển gì sau đó do Chính phủ đưa ra cũng tạo được uy tín. Chính vì vậy, chính phủ nên nắm lấy cơ hội đăng cai ASIAD để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác trong đời sống của đất nước.Cũng với lý do này, ông Wei cho rằng Chính phủ nên đưa dự toán kinh phí cho việc đăng cai ASIAD từ rất sớm để người dân nhìn thấy những ích lợi họ được hưởng sớm từ những công trình phúc lợi này. Người xưa nói thời cơ chỉ đến một lần. Khó khăn mấy cũng chỉ là tạm thời. Cái đạt được là lợi nhuận lâu dài cho cả những thế hệ mai sau.

Là một chuyên gia về Marketing, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn phân tích, ông cảm thấy đáng tiếc vì trước khi vận động đăng cai Asian Games 2019, chúng ta đã không có một chiến dịch truyền thông đúng mực để cho mỗi người dân nhận thức được đúng về Đại hội, để khi giành được quyền đăng cai, họ có thể vỡ òa sung sướng giống như người dân Tokyo khi nghe tin giành được quyền đăng cai Olympic 2020, dù họ vừa trải qua thảm họa rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, chỉ cách Tokyo 150km về phía bắc. Hay như trước đó thành phố Incheon, Hàn Quốc đã phải làm mọi cách để giành quyền đăng cai Asian Games 2014 như đưa ra gói hỗ trợ 20 triệu USD cho các quốc gia có huy chương ở Asian Games 2014 và miễn phí vé máy bay cũng như nơi ăn chốn ở cho các đoàn tham gia. Nói tóm lại, muốn phát triển thể thao Việt Nam cần phải có những tư duy tỷ đô.

Trả lời câu hỏi, Asian Games có làm cho dân ta nghèo đi hay không? Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang thẳng thắn nói, thật khó nói ở thời điểm này vì có một cách tiếp cận khác là Asian Games giúp cho huy động tiềm năng đất nước một cách tổng lực, nâng cao vị thế của đất nước, giúp phát triển,thu hút đầu tư, du lịch.quảng bá về nhiều mặt như kinh tế, du lịch giúp Việt Nam được nổi tiếng hơn về đất nước con người. Tôi cho rằng người dân sẽ có cơ hội được hưởng thụ nhiều hơn về mặt tinh thần, được tự hào hơn về quê hương đất nước, về truyền thống lịch sử và chắc rằng việc đăng cai Asian Games không làm người dân nghèo đói vì những chi phí dùng cho ASIAD không biến mất hết mà phần lớn còn để lại cho thế hệ sau đó là những cơ sở để sử dụng nhằm nâng cao sức khoẻ toàn dân vì mục tiêu "dân cường thì nước thịnh", như lời Bác Hồ dạy.

Nguyễn Thanh Liêm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên