Vì sao chưa cấp GPLX quốc tế từ 1/10?
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục và các sở GTVT chưa thể thực hiện cấp Giấy phép lái xe quốc tế cho công dân Việt Nam từ 1/10 theo hiệu lực của Thông tư 29/2015/TT-BGTVT.
- 25-09-2015Giấy phép lái xe quốc tế: Người dân háo hức chờ đợi!
- 17-09-2015Trong tháng 10-2015, cấp giấy phép lái xe quốc tế
- 21-04-2015Đề xuất quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế
- 06-03-2015Từ tháng 8: Giấy phép lái xe quốc tế sẽ được cấp tại Việt Nam
- 26-12-2014Việt Nam sẽ cấp giấy phép lái xe quốc tế
Theo quy định của Thông tư 29/2015/TT-BGTVT, bắt đầu từ 1/10, Giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế sẽ chính thức được cấp cho người dân có nhu cầu.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) - đơn vị chịu trách nhiệm chính, cho biết do công tác chuẩn bị vẫn chưa hoàn thành và còn đợi khâu thẩm định giá để có cơ sở đề xuất sang Bộ Tài chính ban hành Thông tư về phí và lệ phí cấp GPLX quốc tế, nên chưa thể thực hiện cấp Giấy phép lái xe quốc tế cho công dân Việt Nam từ 1/10.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tính đến thời điểm này, Tổng cục đã chuẩn bị các bước thực hiện việc tổ chức để đấu thầu các phần liên quan như thiết bị, phần mềm quản lý cấp và phôi ấn chỉ, in GPLX quốc tế và thực hiện công tác tổ chức tập huấn cho cán bộ các sở GTVT địa phương.
Tuy nhiên, hiện Tổng cục mới đang triển khai đấu thầu đơn vị cung ứng phôi bằng lái xe, sau đó mới đưa ra quy trình thực hiện. Trên cơ sở đó, Tổng cục sẽ tính toán để đưa ra phí cấp GPLX, rồi đến khâu thẩm định giá… từ đó có cơ sở đề xuất sang Bộ Tài chính để Bộ này ban hành Thông tư về phí và lệ phí, rồi mới bắt đầu triển khai thực hiện cấp GPLX quốc tế.
Theo ông Võ Minh Tuấn, trước mắt, khâu kỹ thuật sẽ được hoàn thành trong tháng 10 và chờ thiết bị của nhà thầu cung cấp để tập huấn cho các sở GTVT.
“Việc cấp GPLX quốc tế được triển khai trước tại Hà Nội và TPHCM và một số thành phố lớn, sau đó mới đến các tỉnh khác vì phụ thuộc vào trang thiết bị, cũng như nhu cầu của người dân”, ông Võ Minh Tuấn cho biết.
Thời gian cấp GPLX quốc tế là 5 ngày
Theo Thông tư 29/2015, GPLX quốc tế là một quyển sổ có kích thước A6 (148 x 105cm), có ký hiệu bảo mật, bìa màu xám. Số GPLX quốc tế được sử dụng dãy số tự nhiên gồm 15 chữ số, 3 chữ số đầu là mã quốc gia (084), 12 chữ số sau là số GPLX quốc gia.
Các trang đầu ghi thông tin cơ bản, phạm vi sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Các trang sau là phần khai về người lái và phân hạng xe bằng các thứ tiếng Nga, Pháp, Tây Ban Nha. Hạng xe được phép điều khiển của GPLX quốc tế tương ứng với các hạng xe của GPLX quốc gia do Việt Nam cấp.
Người được cấp GPLX quốc tế là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng.
Thông tư 29 cũng quy định, không cấp GPLX quốc tế đối với các trường hợp: GPLX quốc gia do Việt Nam cấp có biểu hiện tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; có dấu hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp mà không được xác minh.
Người có GPLX quốc tế phải mang theo người khi lái xe và xuất trình cùng GPLX quốc gia trên lãnh thổ của các nước tham gia Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và công ước về biển báo-tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna), đồng thời tuân thủ pháp luật của nước sở tại.
GPLX quốc tế có thể bị tước quyền sử dụng có thời hạn khi vi phạm quy định luật hiện hành nước sở tại, nhưng không quá thời gian người lái xe rời khỏi nước đó.
Người có GPLX quốc tế do các nước tham gia Công ước Vienna cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo GPLX và GPLX quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển.
GPLX quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam do đã có bằng lái quốc gia.
Về quy trình cấp, người dân chỉ cần làm đơn theo mẫu và mang GPLX, hộ chiếu thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị để kiểm tra, đối chiếu đến các điểm cấp đổi làm thủ tục, nộp lệ phí.
Sau khoảng 5 ngày, người dân sẽ lấy được GPLX quốc tế với thời hạn không quá 3 năm và được sử dụng tại 73 nước theo quy định của Công ước Vienna.