Vì sao “đại gia Sài Gòn” không được nhập 100 tàu cá “nghĩa địa”?
Ngư dân cần tàu cá vỏ sắt để bám biển, nhưng nhập khẩu tàu cá đã quá “date” thì chẳng khác nào biến ngư trường Việt Nam thành bãi rác tàu cũ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản chỉ rõ việc nhập khẩu tàu cá đã qua sử dụng của Công ty cổ phần Đức Khải (TP.HCM) không đủ điều kiện do quá tuổi quy định, có những tàu đến 30 năm tuổi, sản xuất từ năm 1978. Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông pháp luật Việt Nam) giải thích, luật đã có những quy định rất rõ ràng về nhập khẩu tàu cá.
Thưa ông, hiện văn bản nào quy định cụ thể điều kiện nhập khẩu tàu cá?
Điều kiện nhập khẩu tàu cá hiện nay đang được điều chỉnh bởi Nghị định 52/2010/NĐ-CP về nhập khẩu tàu cá (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 53/2012/NĐ-CP).
Các hình thức nhập khẩu tàu cá?
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2010/NĐ-CP quy định: “Nhập khẩu tàu cá bao gồm các hình thức: mua tàu cá của nước ngoài; tiếp nhận tàu cá của Chính phủ hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam”.
Khái niệm tàu cá nhập khẩu?
“Tàu cá nhập khẩu là tàu cá đăng ký tại nước ngoài; bao gồm các loại: tàu khai thác thủy sản; tàu dịch vụ khai thác thủy sản; tàu kiểm ngư; tàu điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản”. (Khoản 2 Điều 2 Nghị định 52/2010/NĐ-CP).
Thế nào là tàu cá đã qua sử dụng?
“Tàu cá đã qua sử dụng là tàu cá đã được đăng ký tại nước ngoài”. (Khoản 3 Điều 2 Nghị định 52/2010/NĐ-CP).
Luật có phân biệt điều kiện nhập khẩu đối với tàu cá đã qua sử dụng và tàu cá nhập khẩu đóng mới?
Hiện tàu cá đã qua sử dụng và tàu cá nhập khẩu đóng mới đều chung điều kiện nhập khẩu như nhau. Cụ thể, Điều 4 Nghị định 52/2010/NĐ-CP quy định các điều kiện đối với tàu cá nhập khẩu như sau:
“1. Có nguồn gốc hợp pháp.
2. Là tàu vỏ thép, tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
3. Tuổi của tàu không quá tám (08) tuổi (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu); máy chính của tàu (tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu) không quá hai (02) năm so với tuổi tàu (đối với tàu cá đã qua sử dụng).
4. Được cơ quan đăng kiểm tàu cá Việt Nam đăng kiểm trước khi đưa tàu về Việt Nam (đối với tàu cá đã qua sử dụng).
Các điều kiện này không áp dụng đối với trường hợp tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam."
Ông có thể giải thích rõ hơn về điều kiện tàu cá nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp và máy chính của tàu và tổng công suất máy chính?
“Tàu cá nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp là tàu cá không vi phạm pháp luật; có hồ sơ đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, rõ ràng (đối với tàu cá đã qua sử dụng); có hồ sơ xuất xưởng và lý lịch máy tàu và các trang thiết bị (đối với tàu cá đóng mới)”. (Khoản 5 Điều 2 Nghị định 52/2010/NĐ-CP).
“Máy chính của tàu là máy có bệ máy cố định, có lắp hệ trục chân vịt và chân vịt để đẩy tàu”. (Khoản 8 Điều 2 Nghị định 52/2010/NĐ-CP).
“Tổng công suất máy chính của tàu là tổng công suất của các máy chính được lắp đặt cho tàu” (Khoản 9 Điều 2 Nghị định 52/2010/NĐ-CP).
Trình tự, thủ tục nhập khẩu tàu cá?
Trình tự, thủ tục nhập khẩu tàu cá được Điều 7 Nghị định 52/2010/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu cá phải có đơn đề nghị nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 52/2010/NĐ-CP), kèm theo hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi tổ chức đặt trụ sở, văn phòng đại diện hoặc nơi cá nhân đề nghị nhập khẩu tàu cá có hộ khẩu thường trú. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị nhập khẩu tàu cá để bổ sung hồ sơ.
2. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có ý kiến và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản.
3. Sau năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản xem xét và có văn bản cho phép nhập khẩu tàu cá. Trường hợp không cho phép nhập khẩu tàu cá, trong thời gian (03) ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Văn bản cho phép nhập khẩu tàu cá gửi cho tổ chức, cá nhân xin nhập khẩu tàu cá, đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi chủ tàu cá đăng ký hộ khẩu thường trú, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan."
Hồ sơ nhập khẩu tàu cá đã qua sử dụng?
Điều 8 Nghị định 52/2010/NĐ-CP quy định hồ sơ nhập khẩu tàu cá đã qua sử dụng bao gồm:
“1. Hợp đồng nhập khẩu tàu cá (bản chính).
2. Biên bản giám định tình trạng kỹ thuật và trang thiết bị phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu cá xin nhập khẩu, do cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam cấp (bản chính).
Trường hợp có Biên bản giám định tình trạng kỹ thuật của tàu do cơ quan đăng kiểm nước ngoài cấp (bản chính) thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt (có công chứng)”.
Thẩm quyền quyết định nhập khẩu tàu cá?
“Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc nhập khẩu tàu cá". (Điều 15 Nghị định 52/2010/NĐ-CP)
Tàu cá nhập khẩu, trước khi đưa vào hoạt động, phải thực hiện việc đăng ký tàu cá. Vậy điều kiện để đăng ký tàu cá nhập khẩu?
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 52/2010/NĐ-CP, thì điều kiện đăng ký tàu cá nhập khẩu gồm:
“1. Tàu cá đã được đưa về Việt Nam
2. Người nhập khẩu đã hoàn tất thủ tục nhập khẩu.
3. Người nhập khẩu đã nộp đầy đủ các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp tàu cá được đăng ký tạm thời).
4. Tàu cá đã được cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam có thẩm quyền cấp Sổ đăng kiểm và các Biên bản kiểm tra an toàn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Thẩm quyền đăng ký tàu cá nhập khẩu?
“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng ký tàu cá và đăng ký thuyền viên đối với tàu cá nhập khẩu; tổng hợp, thống kê tàu cá nhập khẩu tại địa phương, báo cáo định kỳ về Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn." (Điều 16 Nghị định 52/2010/NĐ-CP).
Hiện nay, đăng ký tàu cá nhập khẩu được chia làm 2 loại: Đăng ký tàu cá không thời hạn và đăng ký tàu cá tạm thời. Tiêu chí phân biệt hai loại hình đăng ký này?
Theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 12 Nghị định 52/2010/NĐ-CP thì:
Đăng ký tàu cá không thời hạn là đăng ký chính thức và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá Việt Nam, không quy định thời hạn.
Đăng ký tàu cá tạm thời là việc đăng ký chưa chính thức và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời của Việt Nam theo thời hạn quy định. Đăng ký tàu cá tạm thời được áp dụng trong trường hợp tàu cá nhập khẩu đã đưa về Việt Nam, nhưng chưa nộp đủ các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam; Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời không quá 90 ngày; Muốn chuyển sang đăng ký chính thức, chủ tàu chỉ cần bổ sung các hồ sơ còn thiếu theo quy định của đăng ký chính thức.
Hồ sơ đăng ký tàu cá không thời hạn?
Điều 13 Nghị định 52/2010/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký tàu cá không thời hạn như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký tàu cá tại cơ quan đăng ký tàu cá, nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở hoặc đăng ký hộ khẩu thường trú:
a) Tờ khai đăng ký tàu cá theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 52/2010/NĐ-CP;
b) Văn bản cho phép nhập khẩu tàu cá của cơ quan có thẩm quyền (bản sao chứng thực);
c) Giấy chứng nhận xóa đăng ký (bản chính) kèm theo bản dịch tiếng Việt (bản sao chứng thực) đối với tàu cá đã qua sử dụng;
d) Tờ khai Hải quan có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan (bản sao chứng thực);
đ) Biên lai nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam (bản sao chứng thực);
e) Ảnh của tàu cá nhập khẩu (02 ảnh màu cỡ 9 x 12), chụp theo hướng dọc hai bên mạn tàu.
2. Hồ sơ xuất trình tại cơ quan đăng ký tàu cá, bao gồm: Hồ sơ xuất xưởng của cơ sở đóng tàu đối với tàu cá đóng mới."
Hồ sơ đăng ký tàu cá tạm thời?
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 52/2010/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký tàu cá tạm thời thực hiện như hồ sơ đăng ký tàu cá không thời hạn, trừ nội dung Biên lai nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam (bản sao chứng thực).
Xin cảm ơn ông!
Theo Hưng Hà