MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao phải “cấm cửa” taxi ngoại tỉnh?

20-04-2014 - 11:10 AM | Xã hội

Sở Giao thông - Vận tải TP. Hà Nội vừa đề xuất cấp phù hiệu taxi mới, taxi được cấp phù hiệu ở tỉnh nào thì kinh doanh ở tỉnh đó

Đề xuất này đã làm dấy lên những tranh cãi: Liệu đó có phải là “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng tới người dân sử dụng dịch vụ taxi…?

Lỗ hổng quản lý taxi ngoại tỉnh

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GT-VT TP. Hà Nội cho biết, con số quản lý taxi trên địa bàn thành phố chỉ có 17.000 xe taxi, nhưng thực tế số xe taxi đang hoạt động vượt xa con số này.

Theo ông Mạnh, nhiều doanh nghiệp, HTX đăng ký kinh doanh, cấp phù hiệu xe taxi ở các tỉnh lân cận, sau đó quay ngược trở lại Hà Nội để kinh doanh khiến lượng xe taxi trên địa bàn thành phố tăng đột biến.

Qua rà soát của lực lượng thanh tra cho thấy, các hãng taxi như: Sông Hồng, Xuân Thành, Vietnamnet, Hà Anh… đăng ký hoạt động kinh doanh, cấp phù hiệu taxi tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình nhưng lại hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Theo Thông tư 18 của Bộ GT-VT, địa phương nào cấp phép phải có trách nhiệm kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp taxi.

Bởi vậy, lực lượng thanh tra GT-VT Hà Nội không thể kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp taxi ngoại tỉnh.

Không chịu sự quản lý của lực lượng chức năng sở tại, taxi ngoại tỉnh vô tư đón khách, trả khách trên địa bàn TP. Hà Nội, khiến tình trạng cạnh tranh giữa các hãng taxi ngày càng méo mó.

Đã không ít lần xe của các hãng taxi ngoại tỉnh gây rối, thu cước quá giá của khách tại Hà Nội, lực lượng thanh tra đã phải vào cuộc truy tìm và xử lý.

Gần đây nhất là vụ việc liên quan tới taxi Hà Anh. Trên một quãng đường ngắn chỉ gần 3km, lái xe đã thu của 2 du khách người Anh 1 triệu đồng. Còn taxi Sông Hồng liên quan tới vụ cướp tài sản của một du khách người Hàn Quốc…

Cấm vì quản không nổi!

Để quản lý chặt chẽ hoạt động taxi, taxi ngoại tỉnh, mới đây, Sở GT-VT đề xuất: Cấp phù hiệu taxi mới ở Hà Nội. Quy định taxi đăng ký ở tỉnh nào thì hoạt động ở tỉnh đó. Lý giải đề xuất này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết: “Nhằm hạn chế các đơn vị xin cấp phù hiệu tại các Sở GT-VT ở tỉnh lân cận, sau đó lại đưa xe về Hà Nội hoạt động làm tăng số lượng xe taxi, gây khó khăn cho kiểm soát, mất trật tự an ninh trên địa bàn Thủ đô”.

Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến phản đối như: Quy định taxi đăng ký ở tỉnh nào thì hoạt động ở tỉnh đó, khác gì “ngăn sông cấm chợ” các doanh nghiệp (DN) taxi? Lại có ý kiến, quy định trên là thiếu khả thi, gây phiền hà cho người dân mỗi lần tới địa phận Thủ đô phải đổi sang xe taxi của Hà Nội?...

Về những vấn đề này, một quan chức ngành giao thông Hà Nội khẳng định, đề xuất trên không cấm taxi ngoại tỉnh đi vào địa bàn thành phố để trả khách mà chỉ cấm taxi ngoại tỉnh kinh doanh, tức là bắt khách rồi trả khách trên địa bàn TP. Hà Nội.

Vị quan chức này khẳng định, việc cho rằng cấm taxi ngoại tỉnh là “ngăn sông cấm chợ” DN taxi, thực chất là để gây áp lực cho cơ quan quản lý Nhà nước. Ngay từ năm 2012, số lượng taxi phát triển quá nhanh, gây những hệ lụy về an ninh trật tự, ùn tắc giao thông… TP. Hà Nội đã có chủ trương không cấp đăng ký kinh doanh taxi.

Thời điểm đó, các DN taxi không có ý kiến phản đối quyết định này. Tuy nhiên, vì hám lợi, một số DN “lách luật” bằng cách đưa xe về các tỉnh để đăng ký phù hiệu, rồi quay ngược trở lại Hà Nội kinh doanh.

Hệ quả là cạnh tranh không lành mạnh, “chặt chém” khách hàng… Bởi vậy, có thể hiểu những ý kiến phản đối đề xuất của ngành giao thông Hà Nội là để bảo vệ lợi ích cục bộ của một số DN, HTX, chứ không phải bảo vệ lợi ích tiêu dùng của người dân sử dụng dịch vụ taxi.

Theo Tấn Lực

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên