Viện phí sẽ “gánh” thêm lương bác sĩ
Cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12-2015 sẽ đưa tất cả chi phí khám chữa bệnh trực tiếp cho người bệnh và một loạt phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí.
- 07-08-2015Về chuyện tăng viện phí
- 05-08-2015Viện phí sắp tăng mạnh
- 14-07-2015Hàng loạt trường đại học, bệnh viện thu phí vượt quy định
- 05-06-2015Tăng viện phí, tăng nỗi lo!
- 26-05-2015Nhà nước phải kiểm soát giá học phí, viện phí
Cũng theo lộ trình vừa công bố của Bộ Y tế, thì đến 1-3-2016 sẽ đưa thêm lương bác sĩ, y tá... vào viện phí.
Với cách tính viện phí này, dự kiến khoảng 1.800 dịch vụ y tế cơ bản sẽ tăng, ước tính tối thiểu tăng 20% so với hiện hành. Trước mắt, sẽ áp dụng ở nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế, trong năm 2016 áp dụng với nhóm chi trả viện phí trực tiếp.
Viện phí tăng bao nhiêu?
Tại hội thảo về viện phí và các vấn đề y tế với báo chí, được Bộ Y tế tổ chức ngày 9-10 ở Hải Phòng, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết với việc tính thêm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, chi phí giường bệnh sẽ tăng 10.000 - 20.000 đồng/ngày, phí phẫu thuật hoặc thủ thuật sẽ tăng 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca.
Từ 1-3-2016 khi tính lương vào viện phí thì ước tính trong tổng chi phí điều trị một ca bệnh 6 triệu đồng, sẽ có 350.000 - 400.000 đồng để trả lương cho cán bộ y tế.
Điểm khác biệt là lương, phụ cấp này trước đây do Nhà nước trả, từ thời điểm kể trên do người bệnh trực tiếp chi trả hoặc trả thông qua quỹ bảo hiểm y tế.
Theo ông Liên, sau khi thực hiện các khoản thu mới thì khoản phụ cấp và lương lâu nay do Nhà nước cấp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng bằng cách cấp bảo hiểm y tế.
“Tổng phần hỗ trợ sẽ chuyển này chưa chính xác là bao nhiêu, nhưng ví dụ mỗi năm Nhà nước chi 15.000 - 16.000 tỉ đồng lương cho cán bộ y tế, nếu trừ đi 5.000 - 6.000 tỉ đồng là lương của cán bộ các bệnh viện lao, phong, tâm thần, y tế dự phòng...
Nhà nước tiếp tục cấp, còn lại ít nhất mỗi năm có 10.000 tỉ đồng được chuyển sang hỗ trợ hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, hộ gia đình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình hoặc điều chỉnh mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế lên mức cao hơn để nâng chất lượng dịch vụ...” - ông Liên giải thích.
Giải thích về việc lo ngại viện phí tăng sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân chưa có bảo hiểm y tế (hiện chiếm gần 29% dân số, xấp xỉ 30 triệu người), ông Liên cho biết “cách làm mới” thận trọng hơn.
Nghĩa là năm nay áp dụng trước ở nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế, năm 2016 mới áp dụng với bệnh nhân chi trả viện phí trực tiếp.
Người dân đóng tiền khám bệnh tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Chất lượng dịch vụ có tăng?
Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều trong thời điểm chuẩn bị tăng viện phí này. Theo bà Phạm Thu Xanh - giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, hiện Hải Phòng đang áp dụng mức viện phí bằng 73% khung đã được liên bộ Y tế - Tài chính phê duyệt năm 2012.
Với mức viện phí này thì khó khăn vẫn còn, đến nỗi có lúc Bệnh viện Việt Tiệp - bệnh viện lớn nhất Hải Phòng - phải nợ đến 50 tỉ đồng, càng mổ càng lỗ do viện phí quá thấp.
“Chúng tôi đang chờ thông tư mới về đưa chi phí trực tiếp, phụ cấp, lương vào viện phí, nếu được áp dụng mức 100% trong khung hiện hành, chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ tăng” - bà Xanh nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Liên đánh giá không phải giá tăng là chất lượng dịch vụ sẽ tăng mức tương ứng, “bởi phần thu trước đây các chi phí đó được Nhà nước chi trả, nay phần chi ấy chuyển cho người bệnh chi trả, còn tổng giá trị gói dịch vụ không tăng”.
Ông Liên còn nói đang có hàng loạt chủ trương để nâng chất lượng dịch vụ, chẳng hạn như từ năm 2020 sẽ bắt buộc tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, lúc đó giá khám chữa bệnh viện công và bệnh viện tư là tương đương nhau, chỉ còn cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bệnh viện nào tốt bệnh nhân mới đến.
Viện phí tăng, người bệnh có ảnh hưởng?
Dù cách triển khai trong đợt tăng viện phí lần này có vẻ thận trọng nhưng vẫn có những nhóm bệnh nhân bị ảnh hưởng.
Trong số này, có khoảng 20 triệu người là thành viên các hộ gia đình làm nghề nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, đang được hỗ trợ 30% phí bảo hiểm y tế, nhưng các địa phương vẫn chưa có danh sách gia đình nào là gia đình có mức sống trung bình, như vậy chưa có hộ nào được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.
Tại hội thảo, đại diện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết có rất nhiều bệnh nhân từ vùng sâu vùng xa, rất nhiều người thuộc diện nghèo nhưng chưa có thẻ bảo hiểm y tế, thậm chí có thẻ bảo hiểm rồi thì lại có nhiều loại thuốc và vật tư y tế ngoài phạm vi quỹ bảo hiểm chi trả, bệnh nhân nghèo không thể trả được.
* Ông Cao Văn Sang (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):
Người không có BHYT bị ảnh hưởng nhiều
Viện phí tăng chắc chắn có ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là người chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Dựa trên chi phí thanh toán viện phí cho người bệnh trong năm 2014 (5.000 tỉ đồng) và cách tính giá viện phí mới sẽ tăng đầu năm 2016, Bảo hiểm xã hội TP tính sơ bộ tiền chi phí khám chữa bệnh của người dân phải tăng thêm ít nhất 1.600 tỉ đồng, tức tăng gần 30%.
Còn tăng viện phí có giúp tăng chất lượng khám chữa bệnh hay không cũng hết sức khó nói. Suy cho cùng đây là việc thay tiền nhà nước bao cấp bằng tiền người bệnh hay quỹ BHYT chi trả cho bệnh viện.
Với mức tăng viện phí của năm 2016 chưa đủ để các bệnh viện tự chủ hoàn toàn để đầu tư trang thiết bị, mở rộng bệnh viện.
Theo tôi, có thể tăng chất lượng dịch vụ nhưng không đáng kể, nhưng chắc chắn sẽ giảm bớt phân biệt đối xử giữa bệnh nhân dịch vụ và bệnh nhân BHYT.
Để không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc tăng viện phí theo lộ trình trong thời gian tới, người dân nên tham gia BHYT ngay từ bây giờ.
* PGS.TS Nguyễn Trường Sơn (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy):
Thách thức lớn đối với các bệnh viện
Nếu tăng viện phí mà chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ không tăng là đi ngược với mục tiêu của ngành y tế.
Khi tăng viện phí thì phải làm sao cho tất cả các vấn đề liên quan đến việc cung ứng dịch vụ y tế, trong đó có thu nhập của nhân viên y tế, được tốt hơn.
Cơ sở vật chất của bệnh viện sẽ được xây mới, cải thiện tốt hơn, đầu tư thêm trang thiết bị mới phục vụ người bệnh. Nhờ đó chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ y tế mới được tốt hơn.
Nói một cách ngắn gọn, tăng viện phí phải đi đôi với tăng chất lượng khám chữa bệnh, đây là một thách thức rất lớn cho các nhà quản lý bệnh viện.
LÊ THANH HÀ thực hiện