Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ
Sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (ngày 27/3/2013)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; bà Ameerah Haq, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Cục trưởng Cục Hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình tại thực địa; cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các vị Đại sứ, Tùy viên quân sự các nước đến dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhân dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm tàn khốc nên Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình nhưng cũng luôn phấn đấu và hành động vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.
Cùng với các đại biểu tham dự buổi lễ, Phó Thủ tướng khẳng định: “Hòa bình, hạnh phúc luôn là mục tiêu cao cả của nhân loại. Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo trên thế giới nhưng nguy cơ xung đột, chiến tranh vẫn chưa được hoàn toàn loại bỏ, còn tiềm ẩn ở nhiều nơi trên thế giới. Hòa bình chỉ có thể được kiến tạo khi những hoạt động đơn phương, trái với luật pháp quốc tế phải được đấu tranh loại bỏ.
Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, đều cùng sẻ chia trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bằng những hành động thiết thực, cụ thể”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trao Quyết định cho hai sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Rồi đây, những sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mang trên đầu những chiếc mũ nồi xanh của hòa bình sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống “Anh bộ đội Cụ Hồ”, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Dòng máu Lạc Hồng, truyền thống bốn ngàn năm văn hiến sẽ luôn chảy trong tất cả mọi con tim, khối óc của những người lính “vai mang gươm, tay mềm mại bút hoa”, “đi dân nhớ, ở dân thương”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Phó Thủ tướng tin tưởng hai sỹ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Phái bộ Nam Sudan của LHQ sẽ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo đúng mục đích và quy định của LHQ, đóng góp xứng đáng và chia sẻ kinh nghiệm cùng lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; đại diện của LHQ, cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao... tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết để chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, Bộ Quốc phòng đã cử gần 200 cán bộ công binh và quân y ra nước ngoài đào tạo tiếng Anh, kiến thức và quy trình cần thiết.
Theo lộ trình của Đề án, Việt Nam sẽ triển khai 1 bệnh viện dã chiến cấp 2 và 1 đại đội công binh đến Phái bộ Nam Sudan trong năm 2015. Trước mắt, Bộ Quốc phòng sẽ cử 2 cán bộ làm nhiệm vụ sỹ quan liên lạc.
Hai sỹ quan quân đội được cử đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ của LHQ tại Nam Sudan là Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn, thuộc Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng). Nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan là làm cầu nối giữa Sở chỉ huy phái bộ với các đơn vị của LHQ, với các tổ chức quốc tế, chính quyền nước sở tại và các phe phái chính trị, quân sự tại địa phương.
Sự tham gia của các sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là minh chứng rõ nét nhất cho khát vọng của Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hết lòng vì đại nghĩa, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân và nhân loại; là sự tiếp nối của chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ hòa bình ủng hộ các mục tiêu cao cả của LHQ, khẳng định cam kết, cũng như khả năng của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Theo Đình Nam