MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có nhiều đóng góp tại Diễn đàn biển ASEAN

28-08-2014 - 09:33 AM | Xã hội

Các nước đặc biệt đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) cũng như những cam kết thỏa thuận khu vực như DOC

Trong khuôn khổ Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng được tổ chức tại Đà Nẵng từ 27-28/8, ngày 27/8, Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) đã được tổ chức với sự tham gia của cả 10 nước thành viên ASEAN.

Trên cơ sở mục tiêu chung của AMF được nêu trong Tài liệu Khái niệm về thành lập AMF, Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ năm hướng tới một số mục tiêu cụ thể đẩy mạnh hợp tác biển trong ASEAN thông qua đối thoại và tham vấn mang tính xây dựng về các vấn đề biển cùng quan tâm và có lợi ích.

AMF-5 tăng cường các cơ chế, thể chế của ASEAN, tạo khuôn khổ phù hợp để trao đổi rộng rãi các vấn đề liên quan đến an ninh và hợp tác trên biển. Thúc đẩy các sáng kiến và hoạt động hợp tác khả thi trên biển được để tạo dựng lòng tin, xây dựng môi trường thuận lợi cho bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực. Trên tinh thần đó, chủ đề của AMF-5 lần này là “Tăng cường xây dựng lòng tin và hợp tác biển vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực," bao gồm các phiên thảo luận mở, toàn thể, mang tính tương tác.

Trên cơ sở chủ đề nêu trên, các nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn là tình hình hợp tác biển trong ASEAN và kiểm điểm các sáng kiến đã và đang được tiến hành trong AMF; tăng cường hợp tác khu vực ASEAN về cứu trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai; quản lý và bảo vệ hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khai thác các nguồn lợi thủy sản; thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực, trong đó có Biển Đông thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như các công cụ, cơ chế khu vực nhằm ngăn chặn và quản lý xung đột và định hướng tương lai cho Diễn đàn.

Đại diện các nước nhấn mạnh, sau năm năm đi vào hoạt động, AMF đã từng bước tạo lập được cơ chế đối thoại mang tính tương tác cao giữa các nước thành viên ASEAN, tạo dựng lòng tin, đưa ra được một số khuyến nghị giúp thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN trong hợp tác biển, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Một trong những thành công của AMF là đã tạo được sức thu hút và quan tâm lớn của các nước đối tác của ASEAN, từ đó thành lập Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác ngày càng tăng của không chỉ ASEAN mà cả các đối tác trong khu vực nhằm ứng phó với các thách thức liên quan đến biển.

Trong lĩnh vực hợp tác ứng phó thiên tai và cứu trợ nhân đạo, các nước đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm thu được của ASEAN thông qua ứng phó với cơn bão Hải Yến tại Philippines năm 2013, nhất là trong việc nâng cao năng lực ứng phó kịp thời của các cơ chế điều phối cũng như các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, thu hút và điều phối hỗ trợ nhân đạo của các nước thành viên cũng như các nước ngoài khu vực trong ứng phó với siêu bão Hải Yến.

Về những diễn biến hiện nay ở Biển Đông, các nước đặc biệt đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) cũng như những cam kết thỏa thuận khu vực như DOC, nhất là việc thực hiện đầy đủ các quy định của DOC. Trong ứng xử của mình, các nước phải thực sự kiềm chế, không được làm phức tạp thêm tình hình và phải xây dựng được lòng tin. Đồng thời, các nước cũng tích cực thúc đẩy các lĩnh hợp tác như phòng chống thiên tai, cứu trợ nhân đạo với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn và các lĩnh vực an ninh phi truyền thống trên biển khác.

Đoàn Việt Nam tham gia Diễn đàn gồm nhiều bộ, ngành liên quan. Ông Nguyễn Vũ Tú, Phó Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, tham gia điều hành các phiên họp AMF-5. Đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp và tham gia tại tất cả các nội dung thảo luận của Diễn đàn. Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác biển nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải của khu vực.

Trong quá trình đó, các nước cần đặc biệt đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS và DOC, thực sự kiềm chế, không được có những hành động làm phức tạp tình hình. Trong các lĩnh vực hợp tác trên biển, nhấn mạnh vào các hoạt động cứu trợ thiên tai, người đi biển gặp nạn và nhất phải hỗ trợ và đối xử nhân đạo với ngư dân, đồng thời tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển và các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, buôn bán người bằng đường biển.

Ngày 28/8, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ ba (EAMF-3)sẽ diễn ra. Dự kiến ASEAN sẽ đối thoại với tám nước đối tác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.

AMF được các nước ASEAN thành lập năm 2010, thuộc khuôn khổ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC Blue Print) nhằm thúc đẩy các nội dung ưu tiên trong hợp tác biển của ASEAN. Ngay sau AMF lần thứ tư vào năm 2013, ASEAN và các đối tác đã tín nhiệm và đề xuất Việt Nam đăng cai AMF-5 và EAMF-3. Việt Nam đã đăng cai và chủ trì các Diễn đàn Biển lần này./.

thunm

Theo Vietnamplus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên