MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ hỗ trợ người đóng bảo hiểm tự nguyện

24-04-2015 - 06:48 AM | Xã hội

Mục tiêu cuối cùng là để cải tổ hệ thống quỹ hưu trí, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện và từ đó giúp giảm gánh nặng cho quỹ BHXH.

Tóm tắt nội dung:

- Dự kiến trong luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, chính phủ sẽ hỗ trợ, đóng góp từ 10% đến 30% số tiền người lao động phải đóng nhằm tăng tính hấp dẫn.

- Ông Alan Pham - chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ đầu tư VinaCapital - cho rằng việc chính phủ hỗ trợ người đóng bảo hiểm là rất quan trọng. Tuy nhiên, ông nhận định tỷ lệ 10 - 30% là khá tham vọng. Theo ông, chỉ nên khởi đầu với tỷ lệ 3 - 5%.


Việt Nam đang xem xét các phương án củng cố hệ thống hưu trí sau khi hàng chục nghìn công nhân của công ty Pouyuen đình công phản đối sửa đổi luật bảo hiểm.

Trao đổi với Bloomberg, ông Bùi Sỹ Lợi, phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết Việt Nam sẽ nới lỏng một số quy định, mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tự nguyện và hỗ trợ người lao động trong phần đóng góp. Mục tiêu cuối cùng là để cải tổ hệ thống quỹ hưu trí, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện và từ đó giúp giảm gánh nặng cho quỹ BHXH.

Theo ông Lợi, dự kiến trong luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 sẽ có những thay đổi như hạ mức yêu cầu về thu nhập tối thiểu để giúp tăng số người được phép tham gia, đồng thời chính phủ sẽ hỗ trợ, đóng góp từ 10% đến 30% số tiền người lao động phải đóng nhằm tăng tính hấp dẫn. Trước đây, những kiến nghị về việc chính phủ đóng góp đã không được thông qua vì lo ngại thâm hụt ngân sách.

“Chúng tôi muốn khuyến khích nhiều người tham gia hơn, từ người bán hàng rong trên phố cho tới những người nông dân, đều có thể có khoản tiết kiệm tốt hơn khi về già”, ông Lợi nói. Dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến quỹ hưu trí tự nguyện sẽ được trình lên Thủ tướng trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Alan Pham - chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ đầu tư VinaCapital - cho rằng việc chính phủ hỗ trợ người đóng bảo hiểm là rất quan trọng vì tạo nên lợi thế khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, ông nhận định tỷ lệ 10 - 30% là khá tham vọng. Theo ông, chỉ nên khởi đầu với tỷ lệ 3 - 5% và sau đó nâng dần lên. Thêm vào đó, minh bạch cũng là nhân tố quan trọng.

Việt Nam đang nhắm vào khoảng 37 triệu người lao động trong khu vực phi chính thức - tương đương 2/3 lực lượng lao động cả nước, khi đưa ra các chính sách khuyết khích người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện.

Tính đến năm 2010, chương trình bảo hiểm xã hội bắt buộc đã có sự tham gia của 9,3 triệu người, tương đương 20% lực lượng lao động, theo ước tính của ADB. Chương trình tự nguyện có 62.000 người tham gia.

Việt Nam không phải là nước duy nhất đối mặt với nguy cơ khủng hoảng quỹ hưu trí. Hàn Quốc, quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất ở OECD, đã yêu cầu các chủ sử dụng lao động bắt đầu cung cấp kế hoạch hưu trí cho nhân viên từ năm 2016, sau khi nhận ra rằng quỹ hưu trí của nước này có thể vỡ vào năm 2060, khi số dân trên 65 tuổi tăng gấp ba.

Đức và Anh cũng có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi, trong khi Australia muốn nâng lên mức 70 tuổi (cao nhất thế giới).

Chính phủ Singapore cũng buộc các công ty phải đưa ra lựa chọn làm việc thêm 3 năm nữa đối với những người 62 tuổi (là độ tuổi nghỉ hưu chính thức). Đến năm 2017 con số có thể được nâng lên 5 năm.

Thu Hương

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên