Việt Nam sẽ là nước có dân số già trong 20 năm tới
Việt Nam hiện là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Các chuyên gia dự báo, Việt Nam sẽ là nước có dân số già chỉ trong khoảng 15 đến 20 năm tới.
- 09-09-201595% người dân Việt Nam lo mức lương hưu không đủ sống
- 24-12-2013Phát huy được dân số vàng, chúng ta có khả năng “giàu trước khi già”
- 02-10-2009Dân số Việt Nam bắt đầu già hóa
Vấn đề già hóa dân số sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong vài thập kỷ tới. Theo các chuyên gia, do mức sinh giảm và tuổi thọ của người dân tăng cao hơn, Việt Nam đã bước vào thời kiỳ già hóa dân số từ năm 2012, với hơn 10% dân số có độ tuổi hơn 65.
Làm thế nào để đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện chế độ hưu trí đối với người cao tuổi tại Việt Nam. Những giải pháp kết hợp công - tư, cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực đã được bàn thảo tại hội thảo "Tương lai hưu trí - thách thức và cơ hội" do Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Viện Lão hóa toàn cầu tổ chức tại Hà Nội.
Theo kết quả khảo sát do Viện Lão hóa toàn cầu vừa thực hiện tại 10 nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, hầu hết người dân hiện đang trong độ tuổi lao động lo lắng về tương lai hưu trí của họ. Tại Việt Nam, nếu như năm 2013, một người già có 10,7 người hỗ trợ thì đến năm 2030 tỉ lệ này giảm xuống 5,4 và đến năm 2050, chỉ có 2,7 người hỗ trợ một người già.
Tiến sĩ Richard Jackson, Chủ tịch Viện Lão hóa toàn cầu (GAI) nhận định: ''Trong xã hội hiện đại, mô hình gia đình truyền thống suy yếu đi. Tại Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Á khác, tỉ lệ người trẻ tuổi có khả năng hỗ trợ người già giảm xuống. Vì thế, chính sách hưu trí và tiết kiệm cá nhân có vai trò ngày càng quan trọng”.
Việt Nam hiện là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Các chuyên gia dự báo, Việt Nam sẽ là nước có dân số già chỉ trong khoảng 15 đến 20 năm tới. Tuổi thọ người dân tăng cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thì thấp, trung bình mỗi người dân Việt Nam có đến 9 năm ốm yếu trong đời, điều đó đặt gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội.
Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách đã chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc đối mặt với những thách thức của già hóa dân số. Theo đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, để đảm bảo an sinh hưu trí cho người già đòi hỏi các giải pháp công tư kết hợp.
Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nói: “So với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, Việt Nam có lợi thế quan trọng là các bạn vẫn còn thời gian để chủ động chuẩn bị và đối mặt với thách thức của già hóa dân số. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước này. Quỹ dân số LHQ UNFPA sẽ tích cực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong hoạch định chính sách an sinh hưu trí đối với người già, đặc biệt là ở vùng nông thôn, người lao động tự do và những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Việt Nam hiện có hơn 5,6 triệu người cao tuổi nhưng chỉ 20% trong số này có lương hưu từ bảo hiểm xã hội. Theo dự báo, thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ rất tiềm năng khi có khoảng 3,5 triệu người lao động cần chế độ hưu trí trong tương lai.