MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam và Peru thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực thế mạnh

27-07-2014 - 16:06 PM | Xã hội

Nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Peru (ngày 28/7) và kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Peru, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngài Luis Tsuboyama,Đại biện lâm thời Cộng hòa Peru tại Việt Nam

Về những kết quả hợp tác trong 20 năm qua và những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trong thời gian tới, nhất là hợp tác về kinh tế, thương mại.

- Sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Peru (14/11/1994-14/11/2014), ông có đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa hai nước?

Ngài Luis Tsuboyama: Cộng hòa Peru và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 14/11/1994.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ song phương giữa hai nước đã có những bước tiến tích cực, không chỉ phát triển theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu, trên hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và khoa học kỹ thuật. Nhiều hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước đã được ký kết.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng Peru và Việt Nam có rất nhiều điểm chung trên các lĩnh vực song phương và đa phương. Hai bên tăng cường trao đổi đoàn chính thức ở các cấp, các ngành.

Có thể nói, thành quả quan trọng sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính là sự hiện diện của Đại sứ quán Peru tại Hà Nội. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện bước tiến lớn trong quan hệ song phương giữa hai nước và tiếp đó là sự phát triển theo chiều sâu trong quan hệ thương mại, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ chính trị ngoại giao và giúp nhân dân hai nước gần nhau hơn.

- Được biết, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Peru chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Theo ông, hai bên cần có biện pháp gì để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Peru?

Ngài Luis Tsuboyama: Thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của Peru.

Thời gian qua, chính phủ hai nước đã thống nhất quan điểm, tập trung nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực thế mạnh của nhau như về nông nghiệp, công-nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác mỏ...

Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông, Việt Nam có Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel với nhiều kinh nghiệm, trong lĩnh vực năng lượng có Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã đầu tư khai thác ở Peru.

Về phía Peru, chúng tôi có sự đầu tư của công ty nước giải khát tại Bình Dương, đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của doanh nghiệp Peru tại Việt Nam.

Chúng tôi vui mừng thông báo rằng một công ty khác của Peru sắp tới đây sẽ chính thức vận hành dịch vụ nghỉ dưỡng trên du thuyền cao cấp chạy dọc sông Mekong, khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng tôi nhận thấy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Peru và Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn giữa hai nước. Mối quan hệ kinh tế giữa Peru và Việt Nam vẫn chưa đạt đến tầm mà hai bên mong muốn.

Một trong những thách thức chính là khoảng cách địa lý xa xôi giữa hai nước khiến giá thành trao đổi thương mại tăng cao. Hai bên thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ của nhau.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Peru và Việt Nam, Đại sứ quán Peru tại Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ các biện pháp, kế hoạch và chương trình hợp tác giữa hai nước, khuyến khích các chuyến thăm của các đoàn doanh nghiệp hai nước.

Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm đưa các doanh nghiệp Việt Nam tới Peru và tất nhiên là cả các doanh nghiệp Peru tới Việt Nam nhằm tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, thiết lập quan hệ đối tác bạn hàng trực tiếp.

Cá nhân tôi tin rằng Việt Nam với thị trường 90 triệu dân cùng với một nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh là một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Peru và Đại sứ quán Peru tại Việt Nam có nhiệm vụ hỗ trợ các mục tiêu trên.

- Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Nguyễn Hồng Hiệp

cucpth

TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên