Vụ vỡ nợ trên 70 tỉ đồng ở Bình Phước: Hàng chục nạn nhân vô vọng
Ngày 20.2, ông Nguyễn Văn Trăm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước (BP) – đã họp với Ban chỉ đạo thi hành án (THA) dân sự, nhằm tìm giải pháp THA vụ vợ chồng Phan Tấn Sơn – Huỳnh Thị Lý (hộ khẩu tại 1127 Phú Riềng Đỏ, P.Tân Bình, TX.Đồng Xoài) huy động hàng chục tỉ đồng của người dân vào năm 2009, rồi tuyên bố vỡ nợ... Vụ việc đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
“Mồi” lãi suất cao
Năm 2000 – 2010, với bình phong bán hàng tạp hóa và cầm đồ, có chồng từng làm ngân hàng, bà Lý đã huy động hàng chục tỉ đồng của người dân ở TX.Đồng Xoài. Bà N.T.X cho biết: “Bà Lý trả lãi suất 3 - 4%/tháng, nên nhiều người ham, gom tiền giao cho bà Lý”.
Đầu năm 2010, khi vụ việc vỡ lở, gần 10 nạn nhân đã gặp chúng tôi kêu cứu. Trong đó, có những người đã trót gửi bà Lý tiền tỉ như: Bà L.T.S (7,9 tỉ đồng), ông D (2 tỉ đồng), vợ chồng bà S (2,5 tỉ đồng)... Nước mắt vắn dài, bà S kể: “Tích góp cả đời, vay thêm từ người em rể 450 triệu đồng, tôi trao hết cho bà Lý gần 8 tỉ đồng. Tích tắc, bà Lý tuyên bố vỡ nợ; tôi chạy tới xiết được 2 chiếc ôtô.
Trớ trêu, cả 2 ôtô đều mua... trả góp, vợ chồng bà Lý còn trả nợ ngân hàng tới ¾, nên dù có lấy được xe, tôi cũng không cấn trừ được là bao...”. Ngày vợ chồng Lý – Sơn vỡ nợ, cũng là ngày, “có tới hàng chục người ngất, xỉu, vì bị “sốc”, khi hàng chục tỉ đồng đã... bốc hơi theo vợ chồng Lý - Sơn” - bà S nói.
Tháng 3.2010, công an tỉnh khởi tố bị can đối với bà Lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhưng Viện KSND tỉnh lại hủy quyết định khởi tố, vì cho rằng “quan hệ dân sự”. Hàng chục nạn nhân chỉ biết cắn răng chịu đựng, hy vọng mong manh bà Lý bán tài sản trả nợ...
Vì vậy, suốt 3 năm qua, dù có hơn 40 người bị bà Lý chiếm dụng gần 70 tỉ đồng, nhưng chỉ có gần 10 người nộp đơn khởi kiện bà Lý ra tòa. Ngay sau khi thoát trách nhiệm hình sự, vợ chồng, con cái bà Lý đã... biến mất khỏi địa phương. Cuối năm 2010, sau khi bán đấu giá tài sản của vợ chồng bà Lý được 12,5 tỉ đồng, cơ quan THA quyết định “THA theo đơn yêu cầu”, chỉ trả nợ cho 7 người.
Nhiều người phản ứng, cho rằng vợ chồng bà Lý nợ trên 40 người, thì tiền bán tài sản phải trả cho tất cả nạn nhân mới công bằng. Chi cục THA dân sự TX.Đồng Xoài cho biết, những người làm đơn kiện vợ chồng bà Lý ở những thời điểm khác nhau, tài sản kê biên tới đâu, sẽ giải quyết trả cho những người nộp đơn tới đó...
Nhưng cũng có ý kiến,THA làm theo bản án, chỉ cá nhân, tổ chức có tên trong bản án của tòa án mới có quyền yêu cầu THA... Song, nhiều cơ quan chức năng khác ở BP lại cho rằng, giải quyết kẻ trước người sau, càng tăng thêm khiếu nại, mất an ninh - trật tự địa phương...
Tại cuộc họp với Chủ tịch UBND tỉnh, cơ quan THA dân sự báo cáo: Số tiền thu được từ xử lý tài sản của vợ chồng bà Lý sau khi trả nợ 2 ngân hàng, trừ các khoản chi phí cưỡng chế... số tiến chỉ còn lại 4,7 tỉ đồng đang được gửi tại ngân hàng theo quy định. Trong khi đó, 44 nạn nhân, với món nợ phải trả trên 70 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh BP – cho rằng: “Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản quá ít, trong khi chủ nợ thì nhiều. Nếu lấy số tiền này đưa ra chi trả thì không được bao nhiêu. Sau khi chia xong, số nợ còn lại phải tính ra sao?
Vợ chồng Lý- Sơn phải chịu trách nhiệm như thế nào với hàng chục nạn nhân? Số tiền vợ chồng Lý- Sơn huy động đã đi đâu? Chúng ta phải giải quyết tận gốc vấn đề, không thể “đánh bùn sang ao” là vô hình trung tiếp tay cho những việc làm sai”.
Các câu hỏi mà Chủ tịch tỉnh BP đặt ra là xác đáng; tuy nhiên, sẽ xác đáng và nghiêm minh hơn, nếu ngay bây giờ, lãnh đạo tỉnh BP chỉ đạo truy tìm vợ chồng Sơn – Lý hiện ở đâu, để phối hợp giải quyết hậu quả với cơ quan chức năng. Bằng không, 44 nạn nhân của ông Sơn, bà Lý sẽ tiếp tục vô vọng.
Theo Hoàng Hưng