Xác định 2 nguyên nhân gây sập giàn giáo Cát Linh - Hà Đông
Liên quan đến sự cố sập giàn giáo đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngày 28/12, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
- 29-12-2014Điểm lại những sự cố của dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
- 28-12-2014Đình chỉ một loạt tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố sập giàn giáo
- 28-12-2014Đình chỉ một Phó Tổng giám đốc vì sự cố sập giàn giáo ở Hà Đông
- 28-12-2014Hiện trường vụ sập giàn giáo công trình tại Hà Đông
- 28-12-2014Bộ GTVT lên tiếng về sự cố tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sáng 28/12
- 28-12-2014Sập giàn giáo công trình tại Hà Đông, 1 xe taxi bị đè nát
Thưa Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, ông có thể cho biết nguyên nhân ban đầu của vụ việc?
- Sau khi vụ sập giàn giáo xảy ra, Bộ GTVT đã cử ngay một đoàn thị sát và tìm ra nguyên nhân. Sơ bộ, chúng tôi thấy có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do thi công cao, đà giáo cao nên ngoài việc sức chịu tải của đà giáo thì sự ổn định của đà giáo là rất quan trọng.
Chúng tôi thấy rằng, sự ổn định của đà giáo chưa được tốt. Thứ hai, đổ bê tông trên cao thì tác động của quy trình đổ bê tông rất lớn nên nếu sai quy trình đẫn đến mất ổn định đà giáo và có thể sập cả đà giáo. Quy trình đổ bê tông đối với dự án này có những vấn đề cần xem xét lại.
Những sự việc vừa qua cho thấy điều người dân khi đi qua tuyến đường này sẽ cảm thấy rất lo lắng bởi cái chết có thể ập xuống bất cứ lúc nào, nếu như không đảm bảo an toàn. Vậy để đảm bảo an toàn tại những công trình thi công giao thông thì Bộ GTVT có những chỉ đạo và biện pháp như thế nào?
- Trong quy trình thi công nói chung và đặc biệt thi công các công trình giao thông đô thị, về mặt quy định chúng ta đã có đầy đủ quy định. Tuy nhiên, qua sự việc ngày 28/12, chúng tôi thấy rằng cần phải tổ chức tốt một số việc như sau:
Trước khi tư vấn giám sát, phê duyệt các phương án tổ chức thi công cần có sự thẩm định của cấp trên đó là cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, cùng với thẩm định của chính quyền sở tại về phương án tổ chức thi công, đảm bảo giao thông, vệ sinh môi trường.
Thứ hai, cần thành lập tổ liên ngành để định kỳ kiểm tra việc thực hiện của chủ đầu tư cũng như của nhà thầu. Nếu phát hiện ra các sai sót kiên quyết đình chỉ và thậm chí thay thế nhà thầu.
Thứ ba, thông qua các dự án thi công có những đánh giá về tổ chức, về giao thông an toàn cũng như môi trường để các dự án sau thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Vậy trách nhiệm của các bên liên quan cụ thể trong vụ sập giàn giáo ngày 28/12 như thế nào?
- Trách nhiệm liên quan lớn nhất đầu tiên là trách nhiệm của tổng thầu và sau đó là của tư vấn giám sát. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã đình chỉ ngay tư vấn trưởng của tư vấn giám sát, đồng thời, yêu cầu tổng thầu phải xử lý ngay những việc liên quan.
Chúng tôi tiến hành tạm đình chỉ công tác của một Phó Tổng giám đốc của ban tư vấn giám sát để làm rõ nguyên nhân. Sau cuộc họp sáng 28/12, chúng tôi cũng yêu cầu ban quản lý giám sát làm kiểm điểm, đồng thời nêu rõ các giải pháp và chúng tôi sẽ có những xử lý kịp thời đối với những cá nhân, tổ chức liên quan.
Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!