MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Xét xử Dương Chí Dũng]: Mang bãi rác về Việt Nam, đất nước này sẽ đi về đâu?

24-04-2014 - 15:40 PM | Xã hội

“ Không thể mang bãi rác của thế giới về Việt nam với một số tiền lớn như thế mà chỉ cần qua cái công ước HS. Đất nước này sẽ đi đến đâu?- Viện Kiếm sát phát biểu tại phiên xử chiều 24/4

Chiều 24/04/2014, phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục diễn ra.
Trong sáng nay, các luật sư đã trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo. Trong phiên chiều, Viện kiểm sát đã nêu quan điểm của mình.

Quan điểm của VKS trong việc bồi thường: tiền bồi thường 366 tỷ (trừ đi tiền tham ô chia cho các bị cáo) là một số tiền không đổi. Hầu như các bị cáo đều thắc mắc, nhất là nhóm bị cáo hải quan, nhưng đây là quy định chung.

Luật sư Phúc cho rằng việc giải quyết bồi thường dân sự khi chưa có đơn xin giải quyết, VKS trả lời đây là vi phạm dân sự trong hình sự, phải có trách nhiệm bồi thường do hành vi phạm tội của mình gây ra, không phải cần Vinalines yêu cầu bồi thường thì mới giải quyết.

Nhiều Luật sư cũng cho rằng tòa chưa xem xét đánh giá đúng hậu quả của hành vi cố ý làm trái (do chưa định giá ụ nổi hiện tại) mà đã bắt các bị cáo bồi thường, VKS cho biết tổng thiệt hại (tổng chi phí bỏ ra từ việc mua đến đưa về đến ngày 17/5/2012) mà nhà nước đã phải bỏ ra là trên 500 tỷ chứ không phải 366 tỷ, sau khi trừ đi các khoản chi phí mua ụ, trừ đi các khoản các bị cáo chiếm đoạt. Việc xác định thiệt hại đã được các cơ quan tiến hành giám định.

Về việc ụ có phải tàu biển không, căn cứ vào luật Hàng Hải và tên ghi trong hợp đồng, cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận tạm thời là tàu biển nên nó tạm thời nằm trong các quy chế quản lý của tàu biển. VKS thấy rằng có đủ căn cứ để xác định để “nó” được quản lý theo các căn cứ của một chiếc TÀU BIỂN. Về việc vốn để mua tàu biển này có phải từ NSNN không, VKS trả lời Vinalines là Tổng công ty nhà nước nên những thiệt hại ở đây là thiệt hại cho Ngân sách nhà nước.

Trong việc bào chữa cho hành vi phạm tội của các bị cáo, nhất là nhóm bị cáo hải quan, các luật sư cho rằng công ước HS có thể phủ nhận tất cả các quy định khác nhưng VKS cho rằng công ước này là một cố gắng của thế giới để mã hóa hàng hóa, chủ yếu là để áp thuế. Việc áp thuế thì VKS không ý kiến gì cả nhưng quản lý nhà nước không phải đơn giản 3 cái giấy như thế.

“ Không thể mang bãi rác của thế giới về Việt nam với một số tiền lớn như thế mà chỉ cần qua cái công ước HS. Đất nước này sẽ đi đến đâu?”
– Đại diện VKS phát biểu.

Công ước HS không mâu thuẫn với Luật Hàng hải, phải áp dụng cả 2 trong việc xuất nhập hàng hóa chứ không chỉ áp dụng một văn bản. Căn cứ để kết tội các bị cáo là đầy đủ. VKS giữ nguyên quan điểm.

15h00, sau phần tranh luận của VKS, luật sư Ngô Ngọc Thủy yêu cầu VKS trả lời 3 vấn đề:
- Căn cứ cơ sở pháp lý nào để nói 1,66 triệu USD mà AP gửi cho Phú Hà là tài sản của Vinalines? Bản án sơ thẩm đã kết luận đây không phải là tài sản của Vinalines, nếu không phải rồi thì sao nói là các bị cáo tham ô tài sản của Vinalines.

- 1,66 triệu USD là tiền của ai? Của phía Nga hay của AP? Ai chỉ đạo chuyển vào tài khoản của Phú Hà? Số tiền 1,66 triệu USD được xác định là tiền tham ô từ thời điểm nào, trên cơ sở văn bản nào, giữa những ai?

- Bản tuyên thệ trước pháp luật tại Singapore của ông Goh mà các LS đã thu thập được, có giá trị trong bản án này không?

Đại diện VKS trả lời toàn bộ tài sản của Vinalines thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu, chủ tịch HĐQT, TGĐ tức Dương Chí Dũng. Căn cứ để nói 1,66 triệu USD là tài sản nhà nước: khoản tiền này được trích, nằm trong tổng số 9 triệu mà Vinalines chuyển cho AP, là tiền ký quỹ của Vinalines tại Citibank cho khoản vay 150 triệu USD vay tại ngân hàng này. Tài sản đảm bảo cho khoản vay của Vinalines tại Citibank là tổng tài sản của Vinalines. Do đó, đây là tiền của nhà nước.

Về câu hỏi thứ 3 của luật sư, VSK trả lời: hành vi phạm tội từ 2008 nhưng cuối 2012 mới phát hiện ra. Tội phạm là những người có chức quyền trong bộ máy nhà nước, thực hiện hành vi một cách khép kín. Không có bị cáo nào tự thú về hành vi của mình, bắt buộc cơ quan điều trả phải tiến hành xác minh trên các tài liệu thu thập được. Trong suốt quá trình điều tra, chỉ có 2/4 người thừa nhận, riêng Dũng và Phúc không thừa nhận. Quá trình điều tra trung thực khách quan không bức, mớm cung. Trên cơ sở đánh giá lời khai của Sơn, vị trí hành chính của Dũng, Phúc, Sơn, Chiều…

 VKS cho rằng có căn cứ cho kết luận của mình. Tài liệu được cho là mới (bản tuyên thệ của ông Goh) đã được nghiên cứu. Nội dung thứ 4 cho biết có thỏa thuận giao dịch trước, họ biết giá chào là 5 triệu, giá trị thực là 2,3 triệu. Có thêm AP thì ụ nổi mới được bán với giá 9 triệu.

Ông Goh khẳng định việc thanh toán ụ nổi là theo hình thức L/C. Hợp đồng 0107 không hề có thủ tục hải quan, hồ sơ chuẩn bị xin giấy phép. Ông Goh mặc nhiên hợp thức hóa việc chuyển 1,66 triệu USD về cho Phú Hà. Sau khi nhận được thông tin cung cấp của Sơn, Goh đã chuyển hết số tiền này về.

Luật sư Trần Đình Triển đặt câu hỏi: đánh giá của VKS như thế nào về những tài liệu mà các LS đã cung cấp trong đó có văn bản của phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tại sao VKS không hề đề cập đến.

Sơn trả lời không hề liên hệ với ông Goh nhưng LS đã cung cấp 4 văn bản cho tòa và VKS cho thấy Sơn có liên hệ, VKS trả lời như thế nào? LS cho rằng mình có đủ căn cứ chứng minh Sơn đã chiếm tất cả số tiền mà Nga đã chuyển. VKS nói rằng khi nào có kết quả từ phía Nga thì sẽ xử lý sau. Án phúc thẩm có hiệu lực thì sẽ thi hành 2 án tử hình, nếu khi bên Nga có kết quả, 2 án tử hình thi hành rồi, giải quyết như thế nào? LS đề nghị đi theo khoản tiền từ phía công ty của Sơn.

Tại bút lục 2438 về hóa đơn thương mại có chữ ký của Trần Thị Hải Hà đã nói rõ bộ chứng từ kèm theo. Trong bút lục 2486, trao đổi ngoại tệ xuất hiện một người nữa là ông Khôi – môi giới và một người nữa là bà Ngọc. Bút lục 2463, xuất hiện công ty TNHH là người trao đổi ngoại tệ 1,66 triệu USD này và có một văn bản trả lời của Citibank về giao dịch 1,66 triệu USD. Số tiền này chưa biết đi đâu về đâu.

LS đề nghị VKS tranh luận:

- Dũng, Phúc chỉ đạo mua bằng được ụ 83M, đoàn sang làm việc với công ty Nakhoska, chứng cứ đâu?
- Dũng và Goh găp nhau và Goh nhờ Dũng giúp đỡ về việc mua ụ, Dũng đồng ý, chứng cứ đâu?
- Mâu thuẫn trong 3 lời khai của Sơn, áp dụng văn bản nào để buộc tội?
- Lịch bay của ông Dũng, khẳng định cho LS là mùng 6 hay 7/7 để biết trách nhiệm của Dũng trong việc đàm phán như thế nào?

LS bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc nêu ý kiến: số tiền 1,66 triệu USD này do ai đàm phán, đàm phán tại đâu, vì sao lại chuyển về cho Phú Hà. Nếu không làm rõ vấn đề này thì sẽ có những người phải chịu tội thay cho tội của người khác. Trong những thiếu sót bất cập, mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Sơn về việc đưa tiền cho Phúc, tại sao VKS không đặt ra để làm rõ, không tranh luận? Nếu không có tài liệu để phản bác thì phải mặc nhiên thừa nhận quan điểm của LS.

Số tiền mà Huyền được tiếp nhận từ 1,66 triệu USD là chỉ có 7 tỷ, vậy tại sao lại đưa cho Phúc và Dũng tới 10,5 tỷ. Chênh 3,5 tỷ này, đề nghị VKS tranh luận.

16h00, Sau những ý kiến của các Luật sư, VKS trả lời:

Các bên chỉ có quyền đưa ra tài liệu, chứng cứ trên cơ sở đó đưa ra quan điểm và HĐXX sẽ xem xét, quyết định.

Về ý kiến của LS Công bào chữa cho bị cáo Khang, VKS căn cứ vào rất nhiều tài liệu chứ không chỉ dựa vào một công văn. Về ý kiến của LS Được, đó là LS bổ sung mẫu thuẫn “không đội trời chung” giữa Dũng và Phúc, điều này không được xem xét trong vụ án, không trả lời. Ý kiến của LS Triển về công văn của phó Thủ tướng, đồng ý cho chỉ định thầu nhưng phải là khi được phép đầy đủ. Về tội cố ý làm trái, Dũng và Phúc chỉ thừa nhận có trách nhiệm. Về tội tham ô, LS cho rằng lời khai của Sơn có mâu thuẫn, VKS ghi nhận nhưng quan trọng là đánh giá mâu thuẫn như thế nào.

Về tội cố ý làm trái của 9 bị cáo bị truy tố và xét xử: trong mảng lập dự án, VKS bảo vệ quan điểm dự án nhóm A chưa được phép của TTCP nên tuân thủ quy định của NQ 49 thì 3 bị cáo Dũng, Phúc, Chiều bị quy buộc. Mảng thanh toán thì không đủ giấy tờ theo phụ lục HĐ nhưng tiền vẫn được thanh toán. Về báo cáo khảo sát, các bị cáo đều thừa nhận báo cáo không trung thực. Về phần thông quan, VKS bảo lưu quan điểm phải quản lý nó theo quy phạm tàu biển. Các bị cáo nói “không biết là đã phạm tội”, một bị cáo có quyền nói như vậy sau khi phạm tội nhưng trên quan điểm của VKS, về luật hành chính thì vẫn quy tội.

Đánh giá chung, các bị cáo đều có vị trí trong cơ quan nhà nước, các hành vi là thi hành công vụ nhà nước nhưng không làm đúng nhiệm vụ.

Về tội tham ô, trong quá trình điều tra không phải ai cũng nhận tội nên VKS phải tập hợp căn cứ, bắt đầu từ hành vi làm trái với quy định của nhà nước. Tại sao cái làm sau và chưa được phép lại nhất quyết làm trước? Đó là một vấn đề mà VKS phải nắm lấy để làm rõ. Sauk hi tiền chuyển mua ụ nổi là 9 triệu USD, AP nhận xong sau 5 ngày đã lập tức chuyển 1,66 triệu USD về cho Phú Hà.

Đã có số tiền quay trở lại từ số tiền 9 triệu USD mà Vinalines chuyển mua ụ nổi. Số tiền đó được Sơn và các em đổi ra tiền Việt, đưa cho Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, Chiều 340 triệu, còn lại là anh em Sơn (theo lời khai của Sơn). Đây chỉ là lời khai của  1 người nhưng căn cứ vào các tài liệu khác, VKS khẳng định có sự chỉ đạo nhưng các bị cáo không thừa nhận.

LS Thiệp cho rằng thời gian đưa tiền kéo rất dài, VKS trả lời khi tiền về, Sơn khai đã đưa ngay 5 tỷ cho Dũng và Phúc. Dũng muốn lấy lần 2 là thông qua mua nhà cho con gái nhưng sau đó lại thay đổi, đó là nguyên nhân làm chậm luồng tiền. Sự mâu thuẫn trong ngày tháng đưa thì do thời gian đã lâu, người ta chỉ có thể nhớ “khoảng” và là hành vi “đen” nên phải lén lút, không có sự chứng kiến của nhiều người.

VKS thừa nhận có mâu thuẫn trong lời khai, lúc nói là mang vali tiền, có thể do các điều tra viên ghi không chính xác… Căn cứ vào quan hệ hành chính của các bị cáo: 1 chủ tịch HĐQT, 1 TGĐ, 1 phó chủ tịch, 1 người được tin tưởng, tiền được nhận về và rút ra, Chiều thừa nhận có nhận tiền bồi dưỡng… thì theo lẽ thường, Dũng cũng phải được bồi dưỡng. Nếu theo lời khai Dũng, Phúc không được hưởng thì thực tế này có thể xảy ra không?

VKS kết luận: Đủ căn cứ và niềm tin về lời khai của  bị cáo Sơn về số tiền đã chia và giữa nguyên quan điểm.

Các luật sư đồng loạt đứng lên phát biểu ý kiến không đồng tình với lập luận và tranh cãi của VKS.

Tòa nghỉ lúc 16h50 và sẽ tuyên án vào chiều mai



Hải Minh

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên