MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử án tham nhũng: Đầu ghê gớm lắm, sau thấy đơn giản thôi

25-02-2016 - 16:03 PM | Xã hội

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng trong phạm vi toà án chưa được triệt để, xét xử án tham nhũng "ban đầu thấy ghê gớm lắm, nhưng sau thấy đơn giản thôi".

Sáng 25-2, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; Báo cáo tóm tắt của Chánh án TAND Tối cao về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chánh án TAND Tối cao về công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng 5 năm qua, các toà án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng như như: vụ án PMU18; vụ án Hà Nguyên Cát tại Công ty cao su Phú Riềng, Bình Phước; vụ án Phạm Thanh Bình tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Việt Hùng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông; vụ án "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Nguyễn Đức Kiên…

Đặc biệt, trong năm 2015, tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm về tham nhũng phải đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng XII. Trong quá trình xét xử, khi phát hiện căn cứ cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội, tòa án đã kiên quyết yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố thêm bị can.

Hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng đảm bảo nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ.

Bị cáo Phạm Thị Bích Lương trong vụ xét xử đại án làm thất thoát gần 2.500 tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Nam Hà Nội được xét xử cuối năm 2015

Bị cáo Phạm Thị Bích Lương trong vụ xét xử đại án làm thất thoát gần 2.500 tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Nam Hà Nội được xét xử cuối năm 2015

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đánh giá rằng cần làm rõ công tác xét xử của tòa góp phần công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng như thế nào, bởi bây giờ người ta kêu nhiều. “Qua 5 năm thấy xét xử nhiều vụ án ban đầu thấy ghê gớm lắm, nhưng sau thấy đơn giản thôi” -. Ông Ksor Phước nhận xét.

Theo ông Ksor Phước, sản phẩm của tòa tổng hợp từ điều tra, truy tố, chứ không riêng tòa. “Trách mình toà cũng không trách được nhưng chúng tôi nghe phong thanh có những cái người ta chưa được yên tâm vì các mối quan hệ và người ta cảm thấy rằng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong phạm vi của toà chưa được triệt để” - ông Ksor Phước thẳng thắn.

Người đứng đầu Hội đồng Dân tộc phân tích thêm: "Lẽ ra nó phải đưa vào tội tham nhũng nhưng lại đưa sang tội khác. Tội danh lớn đáng xử thì không xử. Toà nên làm rõ thêm một số vụ án. Chúng tôi biết không nhiều nhưng vẫn có".

Ngoài ra, ông Ksor Phước cho rằng cần chú ý các vụ án hành chính, nôm na là “xử quan”, xử những người ra quyết định hành chính xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của nhân dân, tổ chức. Cần nói rõ hơn những trường hợp này để tạo niềm tin về công lý.

Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã thụ lý 1.809.080 vụ án và giải quyết được 1.781.410 vụ án các loại (đạt tỷ lệ 98,5%).

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã khắc phục có hiệu quả những sai sót trước đây trong xét xử các vụ án hình sự, như việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thiếu căn cứ; áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt là đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội (từ năm 2011 đến 2015 có 3 trường hợp tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội, so với nhiệm kỳ trước giảm 2 trường hợp).

Theo N.Quyết

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên