Thông điệp Kỷ nguyên vươn mình: Khai mở chu kỳ phát triển mới, cần đột phá ở chính những “lực cản” lớn nhất
"Kỷ nguyên vươn mình chính là chúng ta nói ra những vấn đề đa chiều phải giải quyết và quyết tâm thực hiện nó. Có lộ trình cho từng vấn đề và huy động sức mạnh của mọi chủ thể cùng tham gia vào tiến trình bàn thảo, thực thi sẽ đem đến thành công" – GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) nhận định.
Thời gian gần đây, thông điệp "Kỷ nguyên vươn mình" nhiều lần được nhấn mạnh bởi lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ. Với những kết quả đã đạt được, có lẽ, sự nỗ lực vươn lên của Việt Nam từ sau Đổi mới đến nay là không phải bàn cãi. Theo ông, tại sao thông điệp "vươn mình" lại được đặt ra ở thời điểm hiện tại?
Đưa ra thông điệp kỷ nguyên vươn mình vào thời điểm này, tôi cho đây là một thông điệp có tính chất chuyển giao, khi Tân Tổng bí thư muốn đưa ra tầm nhìn cho sự phát triển của đất nước, thúc đẩy khát vọng của dân tộc để bước vào một giai đoạn mới với những màu sắc, dấu ấn mới, ưu tiên mới và cách làm mới.
Thông điệp này gợi ý một sự thay đổi mạnh mẽ, sau một thời gian đổi mới không ngừng nghỉ kể từ cuối thập niên 80 để tạo ra thế và lực cho đất nước.
Về vấn đề quốc tế, chúng ta ở trong một thế giới có sự "tranh giành" ảnh hưởng, cạnh tranh chiến lược. Điều này buộc các quốc gia, không kể lớn nhỏ, phải tìm cách chọn hướng đi cho phù hợp. Giai đoạn 2010-2020 có tính chất định hình trật tự thế giới mới và trong trật tự thế giới mới ấy thì Việt Nam, sau 10 năm nỗ lực, đã có được chỗ đứng, nhận được sự nể trọng của thế giới vì sự kiên trì trong đường lối phát triển và hợp tác đa phương của mình. Hợp tác, tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước, chung tay tích cực xây dựng thế giới hoà bình, và cùng ứng phó với những cách thức thời đại của toàn cầu (giảm thiểu bạo lực, ngăn cản chiến tranh, chống tác động tiêu cực của biến đổi khi hậu…) đã giúp nước ta có được lòng tin chiến lược từ các quốc gia đối tác.
Tôi cho đó là một định vị khá rõ ràng. Việt Nam đã nhận được sự tôn trọng của các nước lớn không phải chỉ vì vị trí địa chính trị. Nếu chỉ là địa chính trị thì nhiều quốc gia khác cũng có vị trí địa chính trị quan trọng như Việt Nam.
Về xây dựng nền tảng kinh tế - chính trị - xã hội, mục tiêu xuyên suốt của Việt Nam trong những nhiệm kỳ gần đây đều xoay quanh 3 trụ cột đột phá là thể chế, hạ tầng, và còn người.
Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã mở ra con đường cho Việt Nam phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành một quốc gia phát triển thịnh vượng và hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số. Và đặc biệt là định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động, thâm dụng vốn, thâm dụng tài nguyên sang mô hình sử dụng tri thức, tiến bộ công nghệ, và những cải cách quy trình quản lý nhiều hơn.
Ví dụ, thay vì sử dụng tài nguyên thiên nhiên như dầu thô, chúng ta đã phải tính đến phát triển các nguồn lực khác như năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến sư phát triển của đất nước trong tương lai. Tinh thần đó không chỉ buộc chúng ta phải sáng tạo, xoay sở bằng các cách khác, mà còn giúp định hình xu hướng và nền tảng cho một nền kinh tế bền vững hơn.
Nhiệm kỳ 2021-2026, tôi quan sát thấy Chính phủ đã và đang chú trọng đẩy mạnh đột phá về hạ tầng, một nút thắt lớn cho thúc đẩy hiệu quả của nền kinh tế và cơ sở hấp dẫn, để đón các tập đoàn lớn đến làm việc với Việt Nam. Bên cạnh đó cũng phải nói đến việc thúc đẩy hợp tác đa phương, nâng tầm quan hệ chiến lược với các đối tác để tạo ra hành lang thông thoáng cho một nền kinh tế mở của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tạo ra hành lang mới cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường tiềm năng.
Một dấu ấn khác nữa trong giai đoạn phát triển gần đây là chúng ta tiếp tục giữ vững được ổn định vĩ mô. Việt Nam vẫn điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2024 đã có hơn 27 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được ghi nhận. Theo báo cáo Sẵn sàng kinh doanh 2024 của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam nằm trong top 10 các quốc gia có hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Quan trọng hơn cả là chúng ta đã nhìn ra được những cải cách không thể không làm, bởi vì nếu chúng ta không làm thì trước sau chúng ta cũng sẽ gặp vấn đề, không chỉ là hiệu quả kinh tế thấp, mà còn là sự tồn tại lâu dài và bền vững của Việt Nam. Khi làm tốt thì Việt Nam có thể vươn xa hơn, có một mô hình phát triển đặc sắc riêng của mình
Nếu như chúng ta vẫn đang tiến lên, vẫn đang thay đổi, thì thông điệp kỷ nguyên vươn mình có gì đặc biệt?
Khi nói đến kỷ nguyên vươn mình, tôi cho đó là một thông điệp nhắc nhở và thúc đẩy khát vọng của dân tộc ta. Trong chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam lúc nào cũng cố gắng vươn mình. Song, trong một thế giới biến động rất nhiều như hiện nay, khi có lời hiệu triệu này thì ta sẽ phải tập trung nguồn lực của mình và tạo ra những đột phá để có thể vươn mình mạnh mẽ.
Thông điệp này đánh dấu sự quyết tâm chuyển đổi sang một chu kỳ phát triển mới mạnh mẽ hơn của Việt Nam, tận dụng những lợi thế và nền móng chúng ta đã đạt được. Điều cần thiết là tìm cách đột phá ở những chỗ đang là lực cản lớn nhất của tăng trưởng và phát triển, tức là nhắm vào những nút thắt đã được nhận diện rõ ràng và phải làm bằng tư duy mới, phương pháp mới thì chúng ta mới có cơ hội vươn mình mạnh mẽ được.
Theo ông, chúng ta sẽ vươn đến đâu, có phải là những mục tiêu như vào nhóm các nước có thu nhập cao, dẫn đầu trong lĩnh vực nào đó?
Nước ta đã có những điểm tầm nhìn và mục tiêu cụ thể. Theo đó, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Lộ trình tăng trưởng gắn với bền vững môi trường và bền vững xã hội cũng đã được vạch ra với mục tiêu đạt trung tính các bon vào năm 2050.
Đây là những mục tiêu cao, cần sự tham gia đóng góp của mọi thành phần kinh tế, mọi người dân. Tôi cho rằng con đường phát triển của nước ta cần nhấn mạnh trọng tâm vào việc vươn lên so với chính mình, vượt lên những tồn tại và thách thức nội tại. Việc so sánh với các quốc gia khác chỉ mang tính tương đối, để định vị Việt Nam ngày nay và đánh giá những nguồn lực, nỗ lực cần thiết để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển hàng đầu.
Tạo ra những tiến bộ vượt bậc về thể chế, hạ tầng, và nguồn nhân lực thì mới khai thông một cách hiệu quả việc huy động sức người, sức của, và thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. So sánh với bên ngoài thì không khó để vượt lên trong một chỉ tiêu nào đó. Nhưng chỉ vượt lên dẫn đầu trong một hay một vài chỉ tiêu thì chưa đủ để khẳng định tâm thế và vị thế của một quốc gia.
Vậy theo ông, đâu là những tồn tại, những điểm khó nhất mà chúng ta cần nhìn thẳng vào để khắc phục, để vươn mình?
Câu chuyện vươn mình như thế nào, chúng ta cũng đã nêu ra nhiều khía cạnh. Cá nhân tôi cho rằng cải cách thể chế, tạo ra những cơ chế thông thoáng là quan trọng. Các câu chuyện về tham nhũng hay lãng phí…chỉ là biểu hiện bên ngoài của một thể chế chưa được tốt, chưa hoàn thiện.
Tôi tin là khi cơ chế đã đủ thông thoáng rồi và chúng ta đã tăng cường được nội lực của mình thì sức hút của Việt Nam với quốc tế sẽ ngày một lớn. Đó chính thời điểm hội tụ của các động lực tăng trưởng mới, xoay quanh những thành tố tương lai như kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn…
Chúng ta cần tính toán thật kỹ xem môi trường, hành lang và không gian pháp lý được tạo ra cho các chủ thể trong trong nước phải như thế nào để họ phát triển thật tốt, cùng với đó là xác định những mục tiêu ưu tiên để cùng nhau làm việc.
Để kiến tạo một kỷ nguyên vươn mình, chúng ta đối diện với một bài toán đa chiều. Từ việc tinh gọn và nâng cao năng lực bộ máy chính quyền, cải cách hệ thống pháp lý, phát triển khoa học công nghệ và vốn con người cho đến việc chủ động hội nhập quốc tế, mỗi vấn đề đều đan xen và đặt ra những yêu cầu cấp thiết. Việc xác định đúng trọng tâm, lựa chọn cách làm mới và triển khai đến cùng là yếu tố then chốt để thành công.
Kỷ nguyên vươn mình chính là chúng ta nói ra những vấn đề đa chiều phải giải quyết và quyết tâm thực hiện nó. Có lộ trình cho từng vấn đề và huy động sức mạnh của mọi chủ thể cùng tham gia vào tiến trình bàn thảo, thực thi sẽ đem đến thành công. Con người, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ vẫn là yếu tố trung tâm quyết định hiệu quả của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững cho nước ta trong cân bằng quốc tế và thay đổi địa chính trị hiện nay.
Cảm ơn chia sẻ của ông!
Nhịp sống thị trường