MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm "nhớp nhúa" của nước Mỹ

01-02-2018 - 15:41 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều nghị sĩ Dân chủ đưa khách mời của mình tới sự kiện để phản đối Trump. Và Tổng thống cũng đáp trả thẳng cánh bằng khách mời của mình.

Các tổng thống dùng Thông điệp Liên bang để nỗ lực hàn gắn chia rẽ trong nước, để báo cáo hoặc nhận công trạng về những thành tựu chính sách công của họ, để đề xuất các sáng kiến mới cho năm tiếp theo, để đổ lỗi cho đối thủ hoặc phe đối lập vì những thất bại, truyền đạt những ưu tiên tới các công chức đang tìm kiếm lãnh đạo, ca ngợi người dân Mỹ về những giá trị, cam kết, lòng can đảm và yêu nước của họ.

Không ai biết trước ông Trump sẽ nói gì, có lẽ ngay cả chính ông cũng vậy. Đã nhiều lần, các diễn văn của Trump được chia sẻ trước với truyền thông, để rồi sau đó ông phát biểu "ngoài kịch bản" và nói những điều ngược lại. Đôi khi, ông thay đổi bất ngờ và tách khỏi nội dung chuẩn bị sẵn mà ông phải đọc từ máy "nhắc vở". Những lần khác, Trump có những bài phát biểu tuyệt vời.

Xét đến những diễn văn chủ chốt trong quá khứ, Trump từng có bài Diễn văn nhậm chức chia rẽ "tiêu cực" nhất trong lịch sử khi ông tuyên thệ nhậm chức trước cả nước ngày 20/1/2017.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức vào 20/1/2017. Ảnh: Reuters/Carlos Barria

Trong diễn văn trước các thành viên APEC tại Việt Nam vào tháng 2017, Trump rõ ràng hướng tới lý giải hàm nghĩa khái niệm "Nước Mỹ trên hết" của ông cho các nước châu Á-Thái Bình Dương muốn giao thương với Mỹ và hợp tác về an ninh - một nỗ lực cho thấy sự tương phản rõ rệt với cách tiếp cận của Trung Quốc.

Hồi tuần trước, ông Trump phải đối diện với đám đông gay gắt ở Davos, Thụy Sĩ, khi ông dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Nhưng ông đã giành phần thắng: Nhiều lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp giàu nhất thế giới đã tung hô chính sách cắt giảm thuế gần đây của ông, các chính sách nới lỏng quy định kinh doanh, và kêu gọi đầu tư vào Mỹ.

Tôi viết bài bình luận này khi ông Trump vừa hoàn thành diễn văn [Thông điệp Liên bang]. Giờ thì chúng ta đã có đáp án cho những câu hỏi kể trên.

Đây có lẽ là bài diễn văn quan trọng tốt nhất của Trump, dù những người chỉ trích ông sẽ không nhất trí. Ông nhận công cho nhiều thành tựu trong năm đầu nhiệm kỳ, ông "chỉ điểm" cho người Mỹ về những ai không tôn trọng đất nước của họ, báo cáo về cách ông sửa chữa những sai lầm của các chính quyền trước, cảnh báo một vài quốc gia, và lặp lại những lời ca ngợi người dân Mỹ. Diễn văn của ông cũng sẽ được ghi nhớ bởi những điều mà ông không đề cập. Các đối thủ của ông sẽ khó tìm thấy những điều họ có thể đồng tình hay ủng hộ.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 2.

Trump nhận công trạng trong việc phát triển nền kinh tế Mỹ. Chính quyền của ông ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp rất thấp, thị trường chứng khoán cao kỷ lục đem lại giá trị 8.000 tỉ USD trong năm qua, GDP mạnh, mức lương tăng, tiền thuế thu được cao kỷ lục, và bãi bỏ nhiều quy định của chính phủ. Trump nêu rõ rằng đây là chủ đề chính dưới thời của ông: "Đây là thời điểm Mỹ mới của chúng ta."

Các nhà phê bình, tất nhiên, khẳng định tất cả những điều trên "đã đâu vào đó" dưới thời tổng thống Obama và Trump dùng số liệu sai, nhưng tổng thống bác bỏ trong diễn văn của mình.

Ông Trump phê phán các vụ biểu tình gần đây, liên quan đến việc chỉ trích cảnh sát, ở một số sự kiện và có liên quan đến lá quốc kỳ Mỹ. Một số vận động viên thể thao chuyên nghiệp đã quỳ xuống trong khi hát quốc ca ở đầu trận đấu. Những người biểu tình muốn gây sự chú ý về việc cảnh sát nổ súng vào những nhóm thiểu số. Trump trừng phạt các vận động viên vì phỉ báng quốc kỳ và hàng triệu người Mỹ ngã xuống để bảo vệ nó.

Trump lên án Triều Tiên đe dọa dùng vũ khí hạt nhân để ép Mỹ và đồng minh nhượng bộ. Tổng thống đặc biệt đề cập vụ sinh viên Mỹ bị bắt giữ tại Triều Tiên, được trả về Mỹ trong tình trạng tồi tệ và qua đời sau đó vài ngày. Ông nêu ra việc cấm vận Cuba và Venezuela bởi những hành động độc đoán của chính quyền. Và, Trump ủng hộ các cuộc biểu tình hòa bình ở Iran, đồng thời một lần nữa yêu cầu Quốc hội Mỹ xem lại hiệp ước về vũ khí hạt nhân.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 3.

Sáng kiến chính sách chủ yếu của ông Trump xoay quanh các chính sách về nhập cư. Ông cố gắng đưa ra cách tiếp cận lưỡng đảng nhằm hướng đến những đảng viên Dân chủ đối lập và một số người Cộng hòa.

Các chính sách này quá khác biệt so với phe Dân chủ - đang ngày càng ngả theo cánh tả, đến mức họ sẽ không bao giờ ủng hộ. Trump đề xuất trao cho 2 triệu người nhập cư trái phép giải pháp lộ trình để có quyền công dân Mỹ, đổi lại là gói cải cách nhập cư gồm: Một hệ thống dựa trên đánh giá thành tích, ưu tiên những người có thể cống hiến cho nước Mỹ hơn là những ai trở thành gánh nặng phúc lợi; Chấm dứt tình trạng "nhập cư dây chuyền" - tức một người nhập cư tại Mỹ có thể đưa nhiều họ hàng của mình tới đây; Và xóa sổ chương trình "xổ số thị thực" - chính sách cho phép lựa chọn ngẫu nhiên những người được nhập cư vào Mỹ. Và, quan trọng hơn hết, là cấp ngân sách nhiều tỉ USD để xây bức tường dọc biên giới phía Nam giữa Mỹ với Mexico.

Paid Family Leave là một chương trình bảo hiểm, cung cấp lên đến sáu tuần trả lương một phần cho người lao động bao gồm những người đang có thu nhập thấp hoặc không có tiền vì thời gian nghỉ việc để chăm sóc cho đứa trẻ mới sinh (kể cả con nuôi) hoặc để chăm sóc cho một người trong gia đình bị ốm nặng.

Paid Family Leave là một chính sách nguyện vọng, cũng như là một trọng điểm mới trong các chương trình đào tạo nghề cho người trẻ. Cả hai đều được hoan nghênh.

Ông Trump đề xuất kế hoạch xây dựng hạ tầng hàng tỉ USD để nâng cấp đường cao tốc, các sân bay, hệ thống năng lượng... Điều này khó có thể thành công bởi tổng thống muốn chi trả cho các dự án thông qua Mô hình hợp tác công tư (PPP), với chi phí khoảng 1.5 nghìn tỉ USD.

Sáng kiến chính sách quan trọng cuối cùng của Trump là gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng so với thời Obama. Ông kêu gọi xóa bỏ trần giới hạn chi phí cho quốc phòng. Vũ khí hạt nhân sẽ được nâng cấp để đóng vai trò phòng ngự chủ chốt trước các mối đe dọa nhằm vào Mỹ.

Cũng thú vị khi nhìn vào những gì ông Trump không đề cập. Ông không nói đến Trung Quốc và Nga - có lẽ là những vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất mà Mỹ đối diện. Ông không nhắc tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay căng thẳng ở biển Đông. Châu Âu cũng không xuất hiện trong Thông điệp Liên bang. Về thương mại, tổng thống chỉ nhắc lại rằng ông muốn các thỏa thuận phải là các bên cùng có lợi, nhưng không nêu chi tiết. Trump cũng không nói gì về biến đổi khí hậu hay chính sách năng lượng.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 4.

Đệ nhất phu nhân chào mừng khách mời của Thông điệp liên bang 2018

Các nghị sĩ Quốc hội và các tổng thống làm nổi bật các ưu tiên chính sách của mình bằng cách đưa tới những vị khách trong buổi đọc Thông điệp Liên bang. Tổng thống Ronald Reagan mở đầu truyền thống này vào năm 1982. Truyền thông hiển nhiên sẽ đưa tin về các vị khách và bình bình luận về họ - trên thực tế là quảng bá miễn phí cho những người đang chạy đua vào các vị trí bầu cử. Trump đi theo con đường ái quốc, trong khi các đối thủ tỏ ra bất mãn và không hài lòng.

Nhiều nghị sĩ Dân chủ đưa khách mời của mình tới sự kiện để phản đối Trump. Các nạn nhân bị tấn công tình dục, những người chịu ảnh hưởng bởi bão ở Puerto Rico, và một binh sĩ chuyển giới... là một vài ví dụ. Ít nhất 28 người nhập cư - bất hợp pháp hoặc liên quan tới những người bất hợp pháp - đã dự Thông điệp Liên bang, phản ánh ưu tiên chính sách cao nhất của các đảng viên Dân chủ là hợp pháp hóa cho những người này. Để đáp trả phe Dân chủ, ông Trump mời tới hai gia đình của những đứa trẻ bị giết hại bởi các thành viên băng đảng là người nhập cư trái phép.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 6.

Ông Trump mời tới hai gia đình của những đứa trẻ bị giết hại bởi các thành viên băng đảng là người nhập cư trái phép. Ảnh: Getty

Khách mời của Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal là một người sống sót trong đường dây buôn bán tình dục trẻ em. Ông nghị này "nổi tiếng" vì nói dối từng phục vụ tại Việt Nam trong chiến tranh, trong khi thực ra ông xin hoãn nghĩa vụ trong hơn 5 năm, sau đó dành thời gian làm việc trong các dự án từ thiện ở Washington, DC.

Tương phản, Trump mời các binh sĩ bị thương, "những người phản ứng tiên phong" trước thảm họa, các sĩ quan tuần tra biên giới đã tham gia bắt giữ những băng đảng có nguồn gốc Mỹ Latinh, và các chủ doanh nghiệp cùng người đóng thuế được hưởng lợi từ cuộc cải cách thuế của ông.

Ngay cả những tiếng nói chỉ trích Trump mạnh nhất trên truyền thông cũng phải thừa nhận ông đã "tận dụng" các vị khách mời một cách hết sức hiệu quả để hỗ trợ cho các điểm trọng yếu trong bài diễn văn.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 7.

Các đối thủ của Trump, còn gọi là "những người phản kháng", đã cố gắng phủ bóng tiêu cực lên bài diễn văn Thông điệp Liên bang trước, trong và cả sau khi nó diễn ra. Động thái này xuất hiện cả trên truyền thông chính thống.

Vài giờ trước bài phát biểu, báo giới Mỹ lại sử dụng các kênh bình luận quen thuộc của mình. CNN, đài có thái độ tiêu cực nhất với Trump, dành phần lớn thời lượng bàn về các vấn đề của ông Trump với vụ điều tra nhằm vào nghi vấn ông thông đồng với chính phủ Nga để thắng cuộc bầu cử năm ngoái. Đài này không nói nhiều về Thông điệp Liên bang.

Jimmy Kimmel, MC chương trình talk show buổi tối của Đài ABC, phỏng vấn ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels về "mối quan hệ" mà cô được cho là đã có với ông Trump cách đây không lâu. Kimmel đã lên lịch để phát sóng chương trình này ngay sau khi tổng thống đọc Thông điệp Liên bang. Hiện chưa rõ sự xuất hiện của Stormy sẽ mang lại hiệu ứng tích cực hay tiêu cực đối với người ủng hộ Trump.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 8.

Stormy Daniels xuất hiện trên chương trình của Jimmy Kimmel. Ảnh: ABC

Một nhóm người nổi tiếng ở Hollywood tổ chức một "Thông điệp Liên bang Nhân dân", như một phiên bản công chúng cho bài diễn văn của Trump. Sự kiện được lên kế hoạch tổ chức ở thành phố New York, một ngày trước khi Trump đọc diễn văn. Chương trình này gây hiếu kỳ ở chỗ chưa ai từng nghe đến tên các "ngôi sao" này, còn Thông điệp của ông Trump thì diễn ra ở Washington, chứ không phải New York.

Nữ hạ nghị sĩ Dân chủ Maxine Waters xuất hiện trên Đài truyền hình Black Entertainment (BET) và kêu gọi luận tội ông Trump. Bà Maxine, 80 tuổi, đã kêu gọi luận tội Trump từ... trước khi ông đắc cử. Bà trở nên nổi tiếng nhờ tuyên bố sẽ không hợp tác với Trump dưới bất kỳ điều kiện nào. Bà này bị tổ chức phi lợi nhuận Công dân vì trách nhiệm và đạo đức ở Washington (CREW) bầu là thành viên Quốc hội suy đồi nhất.

Các nữ nghị sĩ Dân chủ mặc trang phục toàn màu đen để phản đối ông Trump. Sáu thành viên của nhóm nghị sĩ da màu Black Caucus, tất cả đều là đảng viên Dân chủ, tuyên bố không dự buổi đọc diễn văn. Một số nói rằng sẽ bước ra khỏi hội trường: Nhưng đã không có ai làm vậy.

Thẩm phán Tòa án tối cao Ruth Ginsburg đã đi khắp nước Mỹ để chỉ trích ông Trump và loan tin bà không dự Thông điệp Liên bang 2018. Bà Ginsburg, 84 tuổi, nổi tiếng với màn ngủ say sưa trên truyền hình quốc gia khi tổng thống Obama đọc Thông điệp Liên bang năm 2015.

Tổng thống Obama đã tạo ra một trợ thủ chính trị cơ sở trong chiến dịch tranh cử của ông - tổ chức phi lợi nhuận Organizing for Action (OFA) - nhằm bảo vệ các di sản sau khi ông rời nhiệm sở. OFA đã khơi mào 24 cuộc mít-tinh ở 8 bang.

50 nhóm khác tập trung tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia (NPC) ở Washington trong khi Trump phát biểu, để chỉ trích tổng thống là người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chống lại phụ nữ và người lao động - theo tờ Washington Times.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 9.

Ông Trump sẽ gặp khó khăn rất lớn để thực hiện được các đề xuất chính sách của mình.

Những nghị sĩ Dân chủ sẽ không ủng hộ - cũng giống như trước đây - đối với bất kỳ điều gì ông Trump muốn thực hiện. Thêm vào đó, có khoảng 5 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tìm cách cản trở Trump trong năm qua, và thường thành công. Đối với tổng thống, những thành viên Cộng hòa này không khác người Dân chủ là mấy.

Khiến vấn đề thêm phức tạp là tháng 11 năm nay, Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử giữa kỳ, và các chiến dịch vận động đã đang được tiến hành. Những người Cộng hòa ở các bang mà Trump thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 sẽ làm tốt để ủng hộ ông. Nhưng đảng viên Cộng hòa tại các bang cạnh tranh có thể gặp khó khăn. Vì thế, phe Dân chủ có thể chiến thắng ở Hạ viện và có thể là cả Thượng viện, tước đi đa số phiếu mà ông Trump cần có để thông qua trình tự lập pháp tại Quốc hội.

Thông điệp Liên bang của ông Trump: Cuộc chiến khách mời và 3 năm nhớp nhúa của nước Mỹ - Ảnh 10.

Quốc hội Mỹ, dù còn cách bầu cử 10 tháng, cũng sẽ rơi vào thế bế tắc trong vấn đề nhập cư và chi phí quốc phòng. Phe Dân chủ gần đây đã khiến chính phủ đóng cửa bằng cách trì hoãn đạo luật cấp ngân sách vận hành. Họ có ý định làm lại điều đó. Những người Dân chủ không bao giờ ủng hộ tăng chi quốc phòng, và muốn rót tiền vào các chương trình nội địa hơn, bao gồm các chương trình về nhập cư.

Phe Cộng hòa thì có xu hướng ủng hộ chi tiêu quốc phòng. Một số người của đảng Dân chủ gần đây đã để rò rỉ một bản ghi nhớ, trong đó nêu Quốc hội cần thông qua cải cách nhập cư để càng nhiều người nhập cư trái phép vào Mỹ càng tốt, bởi nhóm này sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong các kỳ bầu cử. Rõ ràng, đảng Cộng hòa sẽ chống lại điều này.

Trong khi cựu tổng thống Obama không còn được phép tranh cử, có khoảng 10 nghị sĩ Dân chủ đang tích cực chạy đua - không phải cho kỳ bầu cử tháng 11 tới, mà cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Điều này đồng nghĩa hệ thống chính trị Mỹ sẽ ngập tràn thông tin sai lệch, cường điệu, cản trở, và chủ nghĩa cơ hội. Nhiều tỉ đô la đang được gây quỹ để đầu tư tạo ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử. Ba năm tiếp theo sẽ là quãng thời gian "nhớp nhúa" nhất trong lịch sử gần đây của Mỹ.

Các đảng viên Dân chủ dường như sẽ không ủng hộ Trump với bất cứ giá nào, như những gì đã thấy qua sự kiện Thông điệp Liên bang. Họ chỉ vỗ tay lác đác vài lần với những nội dung ông Trump phát biểu. Nhóm nghị sĩ Black Caucus thậm chí không buồn vỗ tay khi tổng thống thông báo tỉ lệ thất nghiệp của người da màu đạt mức thấp nhất trong 45 năm. Nhưng nói một cách công bằng, phe Cộng hòa đã làm đúng như thế để chống lại tổng thống Obama.

Tất nhiên, tổng thống Trump đã có lịch sử tự làm rối mọi chuyện sau khi có các diễn văn tuyệt vời, hay bất kỳ bài phát biểu nào. Ông là "kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình". Ông bị cuốn vào các vấn đề nhỏ nhặt và lạc hướng khỏi thông điệp chính, chẳng hạn như vụ chỉ trích thượng nghị sĩ Elizabeth Warren về việc bà nói dối là người Mỹ gốc.

Trump có khuynh hướng tạo chính sách qua các bài đăng trên Twitter. Điều này nhiều khả năng sẽ đảo ngược các chính sách mà ông đề xuất trong các bài phát biểu: Ông ủng hộ cấp quyền công dân cho 700.000 trẻ nhập cư bất hợp pháp - được gọi là "Dreamer", sau đó thêm vào 1.2 triệu người khác (người nhập cư nộp đơn đăng ký chương trình Quyết định hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ (DACA) nhưng không đủ điều kiện-ND), khiến cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không hài lòng.

Ông Trump không thể ngăn bản thân công kích những người mà ông chống lại. Trong Thông điệp Liên bang, tổng thống kêu gọi Quốc hội ủng hộ những cải cách nhập cư, và đồng thời ông nói, "Người Mỹ cũng là những 'dreamer'".

Trump thường tránh đối đầu vào những thời điểm ông được trông đợi phản ứng mạnh mẽ: Việc không thể diễn giải về Nga và Trung Quốc [trong Thông điệp Liên bang] đã làm dấy lên nghi ngờ về những ý định của tổng thống.

Nếu những điều kể trên là chưa đủ, thì Trump còn đối diện với một vài cuộc điều tra của Quốc hội và một cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về nghi vấn các hoạt động trong chiến dịch của ông có liên quan đến ý đồ của Nga nhằm tác động đến cuộc chạy đua với bà Hillary Clinton.

Trump đã sa thải Giám đốc FBI James Comey - hành động có nguy cơ tiềm ẩn bị cáo buộc là cản trở công lý.

Các cuộc điều tra trên khởi động từ hơn 1 năm trước và sẽ còn tiếp tục trong tương lai, nhiều khả năng còn nóng lên khi cuộc bầu cử giữa kỳ tới gần. Nhiều nhân sự trong đội ngũ của Trump đã thôi việc hoặc bị cuốn vào cuộc điều tra. Steve Bannon, người chịu trách nhiệm chính khi đẩy ông Trump vào những vị thế chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trong vài tháng qua thường xuyên bôi xấu tổng thống, và đã có tác dụng.

Thêm vào các bê bối chính trị, ông Trump còn bị đem ra làm chủ đề trong các câu chuyện về đạo đức cá nhân, đặc biệt là thái độ tôn trọng và cách ứng xử của ông với phụ nữ. Không may cho Trump, nước Mỹ đang ở giữa cuộc nổi dậy khổng lồ bởi những phụ nữ từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục. Nó đã phát triển thành phong trào quần chúng, mà ông Trump trở thành "kẻ phạm tội" chủ yếu.

Các thông tin mới được tiết lộ cho thấy Bộ tư pháp Mỹ và Cục điều tra liên bang (FBI) đã hành động để can thiệp vào chính quyền Trump từ khi nó mới bắt đầu. Trump đang lãnh đạo một chính phủ hướng tới sự thất bại của ông: Thực sự có một "nhà nước chìm" ở rất nhiều bộ phận của chính phủ Mỹ.

"Nhà nước chìm" (Deep State) - gồm các quân nhân và các lãnh đạo tình báo muốn gây hại cho chính quyền mới.

Những nỗ lực không ngừng của truyền thông chính thống sẽ là một nhân tố trong thành công của Trump. CNN, New York Times, Washington Post, cùng nhiều hãng tin lớn khác xuất bản hầu hết thông tin tiêu cực về tổng thống. Phần lớn trong số đó - tất nhiên không phải tất cả - là xứng đáng. Nhưng cũng như sự chia rẽ ở Trump, khó có thể tin rằng CNN cùng các hãng truyền thông có thể đưa tin tiêu cực đến 90% thời lượng - theo các nghiên cứu học thuật đáng tin cậy.

Điều đáng ngạc nhiên ở Trump không phải ở chỗ ông có thể làm được nhiều việc cho những cử tri đã bầu mình, mà bởi ông có thể đạt thành tựu lớn bất chấp những tình hình xấu bủa vây quanh mình. Có lẽ bằng cách nào đó, ông sẽ thành công trong năm thứ hai của nhiệm kỳ.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

For English version, click here .

Xem bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây .

Theo Terry F. Buss, PhD

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên