MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông điệp quan trọng từ dòng vốn FDI qua phân tích của chuyên gia HSBC

"Dòng vốn FDI đến Việt Nam đã được đa dạng hoá. Trong đó, 75% liên quan đến lĩnh vực sản xuất, điều này là cơ hội quan trọng đối với quốc gia", ông Tim Evans, CEO HSBC Việt Nam nói tại hội thảo triển vọng kinh tế vĩ mô HSBC 2019 "Vươn mình trong thách thức".

Lần đầu tiên đến Việt Nam năm 2014, ông Tim cho biết 9% hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực điện tử. Đến thời điểm hiện tại, con số này đã là 25%.

"Đây là phép thử với Việt Nam khi chúng ta đang đi đến đường cong, bước tiếp theo trong bậc giá trị hướng đến nền kinh tế có giá trị gia tăng cao", tân CEO HSBC nói.

Theo ông, những kết quả này được định hướng bởi sự đa dạng hoá trong thuơng mại và dòng vốn FDI đến Việt Nam. Trong đó, 75% vốn đổ vào lĩnh vực liên quan đến sản xuất. Và CEO HSBC nhìn nhận đây là một cơ hội tốt.

Giai đoạn hiện tại được ông đánh giá là thời kỳ quan trọng với Việt Nam. Tim nói rằng ông không nhìn thấy nhiều thách thức quá lớn có thể cản trở nền kinh tế 96 triệu dân. "Với môi trường và thành tích kinh doanh hiện tại, tôi tin Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực", ông nói.

Joseph Incalcaterre, chuyên gia kinh tế về ASEAN cao cấp của HSBC cho rằng trong tương lai, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ bị tác động nhất định từ sự suy giảm toàn cầu nói chung và sự suy giảm từ những nền kinh tế lớn có quan hệ thương mại như Mỹ hay Trung Quốc.

Thông điệp quan trọng từ dòng vốn FDI qua phân tích của chuyên gia HSBC - Ảnh 1.

Đối với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ông Joseph cũng cho biết tác động của nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia.

Theo tính toán của HSBC, Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng tương tự như Trung Quốc (điện tử, dệt may) sang Mỹ. "Như vậy, Việt Nam có thể dành được thị phần nhất định từ tay Trung Quốc", ông Joseph nói và nhận định rằng nếu so sánh Việt Nam sẽ nghiêng về phần tích cực nhiều hơn.

Trong phần phân tích của mình, chuyên gia HSBC cũng dành nhiều thời lượng để nói về dòng vốn FDI, bởi đây được xem là một trong những chỉ số quan trọng đối với các quốc gia.

Tin tức tốt lành đối với các nước trong khu vực ASEAN là năm 2018 đánh dấu lần đầu tiên nhóm này nhận được FDI nhiều hơn Trung Quốc.

Thông điệp quan trọng từ dòng vốn FDI qua phân tích của chuyên gia HSBC - Ảnh 2.

"Nếu bóc tách từng quốc gia thì Việt Nam nhận được hơn 5% GDP trong lĩnh vực sản xuất, Myanmar là 3%, Indonesia là 1,5%, Thái Lan và Philippines là dưới 1%. Về cơ bản Việt Nam có kết quả rất tích cực", ông nói.

Việt Nam đã trở thành một điểm hút FDI mạnh mẽ kể từ khi tham gia vào WTO năm 2007.

Thông điệp quan trọng từ dòng vốn FDI qua phân tích của chuyên gia HSBC - Ảnh 3.

Nói về GDP của Việt Nam, ông Joseph cho biết nền kinh tế 96 triệu dân vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện. Theo đó, tốc độ tăng trưởng sẽ vừa phải trong năm 2019 nhưng duy trì được  trên diện rộng. Đặc biệt, ông cũng lưu ý về khối ngành dịch vụ cũng đang có sự phát triển mạnh mẽ.

"Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam không chỉ dựa trên sản xuất mà còn có sự thúc đẩy của dịch vụ, thể hiện một chính sách kinh tế ổn định, có sự kiểm soát phù hợp của Chính phủ", ông nói.

Thông điệp quan trọng từ dòng vốn FDI qua phân tích của chuyên gia HSBC - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, ông cũng nhận định rằng dù xuất khẩu của khối FDI đang vượt trội nhưng khối nội địa cũng đang dần bắt kịp xu thế này. "Khối nội địa trong vòng 2 năm qua đã tăng xuất khẩu nhiều hơn. Đó là sự chuyển biến mang nhiều ý nghĩa tích cực", ông nhấn mạnh.

Thông điệp quan trọng từ dòng vốn FDI qua phân tích của chuyên gia HSBC - Ảnh 5.

Việt Nam cũng đã có sự chuyển hướng từ nhập ròng sang xuất ròng, từ xuất khẩu dầu thô sang hàng dệt may, thiết bị điện tử. "Gần như qua một đêm khủng hoảng toàn cầu, nhiều tập đoàn điện tử đã chuyển sang Việt Nam, mang lại vị thế mới cho quốc gia này", ông nhận xét.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên