Thống đốc Lê Minh Hưng có thể lần đầu lên “ghế nóng” nghị trường
4 bộ trưởng và Chánh án Tối cao nằm trong danh sách dự kiến trả lời chất vấn chính tại Quốc hội từ ngày 16-18/11...
- 06-10-2017Thống đốc Lê Minh Hưng: Tín dụng 2017 tốt ngay từ đầu năm
- 07-06-2017Thống đốc Lê Minh Hưng: Sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu
- 01-01-2017Thống đốc Lê Minh Hưng: “Cho đến cuối năm 2016, VND mới mất giá 1,1 – 1,2%”
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/11 đã đề xuất trình Quốc hội xem xét 5 nhóm vấn đề chất vấn, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Các vị đại biểu được đề nghị chọn 4 trong 5 nhóm để chất vấn từ ngày 16-18/11 tới đây.
Cụ thể, nhóm một là công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ trưởng, trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm hai: việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được Nhà nước xử lý và giải pháp an toàn, hiệu quả cho hệ thống ngân hàng.
Trách nhiệm trả lời chính là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, còn ở vị trí sẵn sàng tham gia là Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.
Nếu được chọn, đây sẽ là lần đầu tiên Thống đốc Lê Minh Hưng lên "ghế nóng" nghị trường.
Nhóm ba: việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trách nhiệm trả lời chính với nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng tham gia trả lời có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, bộ trưởng các bộ: Công an, Quốc phòng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo.
Nhóm vấn đề thứ 4 là giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính. Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bộ trưởng các bộ: Công an, Nội vụ, Tư pháp... ở vị trí sẵn sàng "chia lửa".
Nhóm vấn đề thứ 5 là giải pháp nâng cao chất lượng, tăng cường giáo dục nghề nghiệp, giảm tỷ lệ thất nghiệp và khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính. Cùng tham gia còn có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, bộ trưởng các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Ngoài những nhóm vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy còn nhiều nhóm vấn đề nổi lên như việc chống ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, việc thực hiện chính sách khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý, vận hành các dự án đầu tư bằng hình thức BOT, tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc xử lý dứt điểm các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm toán; thực hiện xã hội hóa có hiệu quả các lĩnh vực trọng yếu, nhất là y tế, giáo dục; quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường; cải cách hành chính…
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đây là những nội dung đang được quan tâm. Tuy nhiên có vấn đề mới được chất vấn, đang triển khai thực hiện, có nội dung được giám sát tối cao tại kỳ họp.
Do đó, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xin đề xuất 5 nhóm vấn đề nêu trên để Quốc hội xem xét, quyết định.
Vneconomy