MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống đốc Lê Minh Hưng: Kiến nghị Chính phủ cho Ngân hàng CSXH dừng một số chương trình để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội

14-01-2019 - 10:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Thống đốc cho rằng tín dụng không chính thức đến từ nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay rất lớn như về đau ốm, bệnh tật, học hành,.... Hệ thống ngân hàng có trách nhiệm với nhu cầu chính đáng này, trong đó trách nhiệm lớn nhất là của Ngân hàng CSXH và Agribank.

Sáng ngày 12/1, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên họp Quý I/2019 nhằm đánh giá công tác điều hành chính các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2018 và kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành của năm 2019.

Tại cuộc họp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã giải đáp thắc mắc của chuyên gia về vấn đề tỷ giá trong năm qua khi có ý kiến cho rằng, mặc dù năm 2018, NHNN đã điều hành tỷ giá đã khá ổn định nhưng NHNN cần điều hành linh hoạt theo hơi thở của thị trường hơn nữa. 

Theo Thống đốc, trên thực tế, những ngày gần đây NHNN đang mua vào để tăng dự trữ ngoại hối. Đó là những quyết định rất linh hoạt, rất chủ động và bám sát khi đánh giá được tình hình và đưa ra những quyết sách đúng thời điểm. Vì thế trong năm 2019 sắp tới tinh thần là NHNN vẫn tiếp tục điều hành một cách chủ động, linh hoạt theo diễn biến của thị trường. 

Nói về vấn đề "tín dụng đen", Thống đốc cho biết: tín dụng đen cũng xuất hiện ở rất nhiều quốc gia/ vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... khi trong nền kinh tế có kinh tế không chính thức thì có tín dụng không chính thức. 

"Cần phân biệt thành 2 loại: Nhu cầu bất hợp pháp thì không có một hệ thống hay một tổ chức tín dụng nào có thể đáp ứng được, chúng ta đặt sang một bên. Còn tín dụng có nhu cầu thực sự trong đời sống hàng ngày như: sản xuất kinh doanh chẳng hạn, khi người ta khó khăn tạm thời không trả được nợ, cần đến thời điểm mua phân bón, thuốc thú y gấp...thì người ta phải vay ngoài", Thống đốc cho biết. 

Bên cạnh đó là tín dụng tiêu dùng, nhu cầu này là rất lớn, chủ yếu tín dụng không chính thức đến từ nhu cầu tiêu dùng như đau ốm, bệnh tật, con cái đi học...thì hệ thống Ngân hàng cần có trách nhiệm và trách nhiệm lớn nhất là ngân hàng Chính sách Xã hội và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN vì có mạng lưới đến tận thôn bản. Trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng này xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp đáp ứng những nhu cầu tín dụng chính đáng cho người dân. 

Mặc dù vậy, Thống đốc cho rằng đúng là cho vay tiêu dùng có rủi ro rất lớn, nên NHNN sẽ yêu cầu NH CSXH và NH Agribank phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội để đáp ứng vốn cho nhu cầu của đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, học sinh sinh viên, người lao động...Tất nhiên để làm được cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các tổ chức công quyền thì mới đảm bảo an toàn vốn, mức lãi suất có thể cao hơn mức lãi suất hiện nay của Ngân hàng CSXH, nhưng người nghèo vẫn có thể chấp nhận được và đặc biệt là thấp hơn rất nhiều so với lãi suất mà người dân vay bên ngoài. 

Bên cạnh đó, NHNN kiến nghị với Chính Phủ xem xét để Ngân hàng CSXH báo cáo dừng bớt một số chương trình khác để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống xã hội hiện nay. 

Hải Vân

Trí thức trẻ/ SBV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên