Thống đốc NHNN: Lạm phát cao như thuế đánh trực tiếp vào thu nhập người dân
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: VGP)
Quan điểm này được Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" diễn ra ngày 20/8.
- 16-08-2022VNDirect: Lạm phát có thể kiểm soát dưới 4%, kỳ vọng NHNN nâng trần tín dụng từ cuối quý 3
- 05-08-2022NHNN đã bán 13 tỷ USD, giảm dự trữ ngoại hối khoảng 12%
Theo lãnh đạo NHNN, việc phát triển thị trường lao động đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định đối với việc phát triển kinh tế của một quốc gia. Trong bối cảnh lạm phát cao, nhu cầu tăng lương của người lao động cũng là một khó khăn không nhỏ của thị trường này.
"Việc bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động rất quan trọng. Lạm phát cao chính là một loại thuế trực tiếp vào thu nhập của người lao động, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Do đó, từ góc độ ngân hàng, điều quan trọng trước tiên là phải đảm bảo thu nhập thực tế cho người lao động.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHNN đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, tín dụng, tính đến ngày 15/8 tăng 9,62%, đóng góp rất nhiều cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. NHNN cũng hỗ trợ tái cấp vốn cho doanh nghiệp để trả lương cho người lao động, giúp cả doanh nghiệp và người lao động vượt qua thời điểm khó khăn.
Bà Hồng cũng dẫn lại cam kết của 2 công ty tài chính tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với công nhân tại Bắc Giang vừa qua, rằng sẽ dành 10.000 tỉ đồng cho công nhân trong khu công nghiệp vay tiêu dùng.
"NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai, nếu làm được sẽ tiến hành nhân rộng hình thức cho vay này", bà Hồng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, tốc độ già hoá dân số của Việt Nam đang nhanh hơn dự báo.
"Trước đây Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam bắt đầu già hóa dân số sau năm 2030 nhưng hiện nay đã diễn ra, làm giảm lực lượng lao động. Nếu chúng ta không tranh thủ, tăng tốc nhanh, với chính sách mạnh hơn để tận dụng thời cơ dân số vàng thì chúng ta 'chưa giàu đã già'", ông Dũng cho biết.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng đề ra 6 nhóm giải pháp dài hạn để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, như: Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, huy động mạng lưới trí thức người Việt trong và ngoài nước.
Đồng thời, xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực, thống nhất đầu mối quản lý đào tạo nhân lực, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở đào tạo nhân lực, đa dạng hóa các hình thức liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước./.
Viettimes