MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống đốc NHNN: Nợ xấu "tàu 67" đã lên tới 33%

06-11-2019 - 16:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống đốc cho biết dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là khoảng 10.500 tỷ đồng, song đáng lo là nợ xấu đã lên tới 33%.

Trong sáng nay (6/11), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về những bất cập trong hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân và việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là khoảng 10.500 tỷ đồng, song đáng lo là nợ xấu đã lên tới 33%. Thực tế, từ cuối năm 2018, khi nợ xấu cho vay 67 ngày càng tăng, NHNN đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và bàn bạc với các địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ. Mới đây nhất, ngày 30/10/2019, sau khi làm việc với các địa phương, Bộ, ngành, NHNN đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị các giải pháp căn cơ để triển khai Nghị định 67 một cách bền vững.  

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết trong thời gian vừa qua đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Dù vậy, nợ xấu vẫn tiếp tục phát sinh mạnh.

Theo đó, Thống đốc đề xuất Bộ NN&PTNT tham mưu cho cho Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất hiệu quả hơn. NHNN cũng đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tập trung phối hợp với ngành ngân hàng rà soát lại các trường hợp nợ xấu liên quan đến tàu 67. Theo đó, với các trường hợp khó trả nợ do hoàn cảnh bất khả kháng thì phối hợp tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên, với các trường hợp cố tình chây ì, UBND các tỉnh cần tích cực phối hợp với ngành ngân hàng để đẩy mạnh thu hồi nợ.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đang phối hợp tích cực với Bộ NN&PTNT hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu 67, đặc biệt có giải pháp để xử lý chênh lệch giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay, bao gồm nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. 

Thống đốc cho rằng với các giải pháp này thì cần có sự phối hợp của Bộ NN&PTNN và UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ ngành ngân hàng hơn nữa để triển khai trong thời gian tới.

Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cho biết đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng kí kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020 với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.

Hiện nay, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.

PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên