Thống kê 6 tháng đầu năm: Thu nhập trung bình nam giới cao hơn nữ giới 12,7%
Thu nhập bình quân tháng từ công việc làm công hưởng lương 6 tháng đầu năm 2019 của lao động có trình độ trên đại học trở lên là 12,7 triệu đồng/tháng.
- 11-07-2019Đề xuất 3 kịch bản tăng lương tối thiểu vùng năm 2020
- 09-07-2019Mức đề xuất "vênh" nhau lớn, lương tối thiểu 2020 có chốt trong phiên họp lần 2?
- 02-07-2019Lương bộ trưởng hiện nay bao nhiêu?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2019, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,7 triệu đồng/tháng, trong đó, thu nhập của lao động nam là 7,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng, lao động thành thị là 7,8 triệu đồng/tháng, lao động nông thôn là 5,9 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương 6 tháng đầu năm 2019 của nhóm "Nhà lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị" là 11,2 triệu đồng/tháng, tăng 1,7 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; nhóm "Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao" là 9,2 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng; nhóm "Lao động giản đơn" là 4,8 triệu đồng/tháng, tăng 746 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân tháng từ công việc làm công hưởng lương 6 tháng đầu năm 2019 của lao động có trình độ trên đại học trở lên là 12,7 triệu đồng/tháng, tăng 1,2 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; lao động chưa học xong tiểu học là 5 triệu đồng/tháng; lao động chưa từng đi học là 4,2 triệu/tháng.
Lao động nam 29,1 triệu người, chiếm 52,4% tổng số và lao động nữ 26,4 triệu người, chiếm 47,6%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 18,5 triệu người, chiếm 33,4%; khu vực nông thôn là 37 triệu người, chiếm 66,6%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,9 triệu người, tăng 450,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,3 triệu người, bao gồm 19,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 35,3% tổng số (giảm 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 15,7 triệu người, chiếm 28,9% (tăng 2,3 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 35,8% (tăng 0,8 điểm phần trăm).
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,16%, trong đó khu vực thành thị là 3,11%; khu vực nông thôn là 1,66%.Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng đầu năm 2019 ước tính là 6,35%, trong đó khu vực thành thị là 10,16%; khu vực nông thôn là 4,66%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,29%, trong đó khu vực thành thị là 0,77%; khu vực nông thôn là 1,57% (tỷ lệ thiếu việc làm của 6 tháng đầu năm 2018 tương ứng là 1,47%; 0,64%; 1,89%).
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 54,6%, trong đó khu vực thành thị là 46,6%; khu vực nông thôn là 61,5% (tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng năm 2018 tương ứng là 56,3%; 47,9%; 63,3%).
Tình hình lao động, việc làm cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều tín hiệu khả quan. So với cùng kỳ năm trước, số người có việc làm tăng lên, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm mạnh tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương có xu hướng tăng.