Thông quy hoạch, tháo nút thắt cho Điện Bàn
Nút thắt quy hoạch là vướng mắc vừa chủ quan, vừa khách quan của một số tỉnh miền Trung hiện nay, từ đó hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư, không tạo ra được các sản phẩm, giá trị gia tăng thứ cấp trong quá trình đầu tư.
- 11-09-2023Bà Rịa - Vũng Tàu duyệt quy hoạch đô thị Kim Long quy mô 2.200ha
- 10-09-2023Cận cảnh 'tổ chim, chuồng cọp' nhức nhối tại tập thể đầu tiên được Hà Nội lập quy hoạch
- 08-09-2023Cần Thơ thu hồi giấy phép quy hoạch khu đô thị gần 2.500 tỷ đồng của Tập đoàn Sao Mai
Được gắn kết bởi 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chiều dài bờ biển lên tới 1.900 km, miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Kết cấu hạ tầng của vùng được quan tâm đầu tư căn bản với 9 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế; 14 nhóm cảng biển, trong đó có 8 nhóm cảng biển nước sâu loại I là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Đặc biệt, miền Trung sở hữu 11 trong tổng số 17 khu kinh tế ven biển đã được thành lập của cả nước.
Cùng với đó, miền Trung đóng vai trò là cầu nối quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên trong hội nhập, thông qua việc kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tại Quảng Nam, thời gian qua địa phương này đã có những quyết liệt trong công tác lập quy hoạch giữa các địa phương, khu vực. Trong đó, TX Điện Bàn là địa phương được tỉnh Quảng Nam rất ưu tiên để thực hiện việc “thông quy hoạch”, tạo ra nguồn lực mới cho khu kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh này.
Đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông
Là đô thị trung tâm phía Bắc của tỉnh, thị xã Điện Bàn hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để trở thành thành phố trong năm 2030. Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng, với định hướng và quy hoạch cụ thể, Điện Bàn sẽ là vùng động lực kinh tế Quảng Nam ở phía Bắc, cùng với vùng Đông và Khu kinh tế mở Chu Lai tạo thành các cực phát triển lớn của địa phương này.
Theo đó, thời gian qua Điện Bàn đã phát huy thế mạnh các địa phương vùng Đông giáp sông, biển như phường Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Đông; hình thành Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; cùng hàng trăm dự án phát triển hạ tầng đô thị, du lịch… mở ra những cơ hội mới cho sự tiếp cận kinh tế gần với nhu cầu của người dân hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trên bản đồ quy hoạch phát triển đô thị của Điện Bàn định hướng đến năm 2030 đã thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê hẻo lánh, nghèo khó trước đây, đặc biệt là các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong (vùng Gò Nổi), Điện Tiến nằm giáp với Hoà Vang, Đà Nẵng, hay Điện Nam Đông giáp với TP Hội An (Quảng Nam)…
Ông Hà cũng cho biết, địa phương rất chú trọng đến việc quy hoạch, có đề án cụ thể từng lĩnh vực để thực hiện thích ứng và đạt hiệu quả cao. Từ đó, Điện Bàn đã và đang trên đà cân đối cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái.
Gỡ “nút thắt” cho lĩnh vực bất động sản
Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam có hàng trăm dự án bất động sản, trong đó, nhiều nhất phải kể đến thị xã Điện Bàn, với hơn 100 dự án đầu tư kinh doanh bất động sản…
Cụ thể, dọc tuyến đường ven biển ĐT-603B nối từ thị xã Điện Bàn đến TP Hội An, nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản được triển khai, nhưng nhiều năm qua bị ngừng trệ, dở dang, bỏ hoang; hạ tầng hư hỏng… Và tình trạng này cũng diễn ra tại tuyến đường ven biển thuộc địa bàn TP Hội An và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành nơi có nhiều dự án nhà ở thương mại, khu dân cư được xây dựng…
Thực hiện Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có những động thái mới trong việc chỉ đạo các sở ban ngành tìm hướng “gỡ” nút thắt cho các doanh nghiệp bất động sản liên quan đến giải phóng mặt bằng, hạ tầng…
Trong đó, tỉnh này đã huy động các tổ chức, chuyên gia định giá đất theo thẩm quyền; hay đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, đảm bảo sớm đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai; bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương rà soát, lập, thẩm định, trình phê duyệt các hồ sơ quy hoạch… Qua đó, phân định được những dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc theo chủ trương của tỉnh.
Trước đó, ngày 11/3/2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết công nhận huyện Điện Bàn trở thành thị xã, gồm 7 phường, còn lại là các xã. Đây là dấu ấn vô cùng quan trọng, là động lực mạnh mẽ để Điện Bàn tiếp tục phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Đến ngày 13/2/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết thành lập thêm 5 phường của Điện Bàn, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023, nâng tổng số phường của thị xã là 12 đơn vị.
Điện Bàn đã hoàn thành quy hoạch đô thị đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đã được tỉnh phê duyệt; với chủ đề “Văn hoá, sinh thái và hiện đại”, là đô thị liên kết TP Đà Nẵng và mở hướng trở thành Thành phố tương lai với quyết tâm đạt chuẩn đô thị loại III trước năm 2030.
Tiền phong