Thông tin mới dự án nuôi bò 4.500 tỉ phá sản liên quan ông Trần Bắc Hà
Ngày 22/7/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 4804/UBND-NL về việc kiểm tra, hướng dẫn ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự tại Dự án chăn nuôi bò của Công ty Chăn nuôi Bình Hà.
- 30-03-2019Dự án nuôi bò nghìn tỉ khiến ông Trần Duy Tùng vướng lao lý
- 14-12-2018Dự án nuôi bò 4.500 tỷ liên quan ông Trần Bắc Hà đổ bể: Bí thư Hà Tĩnh nói gì?
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an nghiên cứu, xem xét báo cáo thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (gọi tắt là Công ty Bình Hà) để có giải pháp phối hợp, hỗ trợ nhằm giúp công ty ổn định sản xuất, việc làm, đời sống cho người lao động và bảo vệ đất đai, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương nêu cao chức năng, nhiệm vụ được giao, soát xét các kiến nghị của Công đoàn Công ty Bình Hà, kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ Công ty kiện toàn tổ chức, quản lý, điều hành, ổn định sản xuất và giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động.
UBND huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh tiếp tục kiểm tra, ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm đất đai và phá hoại, trộm cắp tài sản của Công ty, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ có hiệu quả đất đai, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp. Giao Sở Kế hoạch Đầu tư tiếp tục tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể và tham mưu phương án xử lý về dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo báo cáo sơ bộ, từ tháng 3/2019 đến nay, Công ty Bình Hà không có Tổng Giám đốc điều hành sản xuất, vì người đứng đầu công ty đã bị Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an khởi tố bắt tạm giam, mặt khác các phòng ban công ty cũng đã ngừng hoạt động, tất cả cán bộ công nhân viên lao động nông trại Cẩm Xuyên thống nhất cùng nhau tự ổn định sản xuất, chăm sóc, bảo vệ thu hoạch chuối xuất bán nhằm có kinh phí thanh toán lương và chi phí hoạt động, đặc biệt là công tác bảo vệ tài sản hiện hữu của Công ty Bình Hà trên địa bàn trong thời gian chờ phương án xử lý của các cấp ngành. Hiện tại lương của người lao động chỉ mới thanh toán đến tháng 5 năm 2019, trong đó có 22 người chỉ ứng được 2 triệu đồng.
Thời gian qua, nông trại Cẩm Xuyên tập trung chăm sóc, quản lý, bảo vệ 170ha chuối, nhưng thực tế chỉ thu hoạch, tận thu trên diện tích khoảng 100ha, tổng sản lượng chuối thương phẩm thu hoạch từ tháng 3 năm 2019 đến nay đã xuất bán được hơn 550 tấn.
Hiện tại nông trại đang chăm sóc, bảo vệ khoảng 80ha chuối để duy trì hoạt động; tuy nhiên thời gian qua thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới không đủ, mặt khác không có kinh phí đầu tư phân bón, do đó vườn chuối phát triển kém, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được cho khách hàng.
Bên cạnh đó, từ trung tuần tháng 6 năm 2019 đến nay, thị trường tiêu thụ chuối ở Trung Quốc rất khó khăn, giá chuối thấp (giá chuối bán không đủ chi phí thu hoạch). Trong tháng 6 năm 2019 có hơn 15.000 buồng chuối đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có khách hàng thu mua, bị gãy đổ.
Hiện tại để duy trì hoạt động sản xuất, công tác bảo vệ tài sản và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn dự án thì cần nguồn kinh phí tương đối lớn, đặc biệt là chi phí lương cho người lao động và tiền điện phát sinh hàng tháng.
Hàng trăm hec ta đất bỏ không đang bị người dân địa phương lấn chiếm. |
Trong tháng 6 năm 2019, để cứu sống vườn chuối, nông trại đã tăng cường bật máy tưới nước cả ngày và đêm, do đó chi phí phát sinh tiền điện trong tháng tương đối lớn so với tháng trước.
Hiện tại nông trại đang nợ công ty điện lực Hà Tĩnh 132 triệu đồng. Về thực trạng hiện nay đối với tình hình an ninh trật tự, xâm chiếm đất đai.
Bên cạnh đó, từ tháng 10/2018 đến nay, trên địa bàn nông trại Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, nhiều hộ dân địa phương đã ồ ạt vào lấn chiếm đất đai, trồng cây keo và trồng sắn trái phép trên đất công ty quản lý, sử dụng.
Tổng diện tích bị xâm chiếm khoảng 199,45ha, trong đó tại Cẩm Xuyên bị xâm chiếm khoảng 169,45ha, trên địa bàn xã Cẩm Quan bị xâm chiếm 109,45ha/30 hộ dân và địa bàn xã Cẩm Mỹ 60ha/25 hộ dân. Tại Kỳ Anh bị xâm chiếm khoảng 30ha, trong đó diện tích mới bị xâm chiếm từ tháng 12 năm 2018 đến nay là 13,43ha/24 hộ, trên địa bàn xã Kỳ Hợp bị xâm chiếm 6,99ha/14 hộ dân; xã Kỳ Lâm 0,46ha/ 3 hộ dân; xã Kỳ Tây 5,8ha/ 7 hộ dân. Ngoài diện tích 13,43ha mới bị xâm chiếm nói trên thì còn lại là diện tích bị xâm chiếm trước đây chủ yếu ở địa bàn xã Kỳ Tây, Kỳ Tân.
Do không đủ nguồn kinh phí để hoạt động, từ tháng 7 năm 2019 đã cắt giảm lao động, chờ khách hàng thu mua chuối và chờ công ty mới vào tiếp quản (Công ty Thaco).
Nhằm ổn định sản xuất, duy trì hoạt động, tạo việc làm cho công nhân cũng như bảo vệ tốt tài sản hiện hữu của công ty trong thời gian tới, Công đoàn cơ sở Công ty Bình Hà đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng với bộ, ngành trung ương, Ngân hàng BIDV; chỉ đạo các sở, ngành liên quan kịp thời có phương án tái cơ cấu; nhằm ổn định duy trì sản xuất và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là giải quyết việc làm cho người lao động và công tác bảo vệ tài sản xủa Nhà nước được an toàn.
Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh tiếp tục tuyên truyền, ngăn chặn người dân xâm chiếm đất đai cũng như phá hoại, trộm cắp tài sản của công ty trong vùng dự án. Và có ý kiến với Ngân hàng BIDV kịp thời hoàn thiện thủ tục với đối tác mới (Công ty Thaco), chỉ đạo các sở ngành liên quan hướng dẫn thủ tục hồ sơ pháp lý thuận lợi nhất, tạo điêu kiện tốt nhất để Công ty Thaco tiếp cận và khởi động lại dự án; nhằm tạo việc làm cho người lao động địa phương cũng như phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015 (có bổ sung, điều chỉnh tại QĐ số 99/QĐ-UBND ngày 12/01/2016) với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 2.163,5ha ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi đi vào hoạt động, với quy mô 254.200 con bò/năm, dự án đã từng được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn hai huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ.
Để đáp ứng cho dự án phát triển đúng theo dự tính, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tổng lực để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao hơn 819 ha cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Ngoài ra, dự án chăn nuôi bò Bình Hà còn được ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thời ông Trần Bắc Hà làm chủ tịch hỗ trợ vốn đắc lực. Theo cam kết giữa các bên, ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung, dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, dự án thực sự gây thất vọng cho lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh.
Infonet