MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin mới về việc 34 bảo vệ bị FIDC chấm dứt công việc đột ngột

16-04-2024 - 15:40 PM | Xã hội

Lãnh đạo Công ty Bentham KTC đã họp bàn và thống nhất hướng giải quyết cho 34 nhân viên bảo vệ bị chấm dứt công việc một cách đột ngột tại Công ty TNHH quốc tế Formosa (FIDC)

Ngày 16-4, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bentham KTC Việt Nam (gọi tắt là Công ty Bentham KTC), cho biết các thành viên góp vốn của công ty đã thống nhất giải quyết quyền lợi cho 34 lao động bị chấm dứt công việc một cách đột ngột tại Công ty TNHH Phát triển quốc tế Formosa (FIDC, Chủ đầu tư KCN Mỹ Xuân A2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Theo tìm hiểu, Công ty Bentham KTC được thành lập vào tháng 10-2023 bởi liên doanh Tập đoàn Bentham (Bentham International, nhà sáng lập FIDC) và Công ty CP Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp KTC Việt Nam, với mục đích cung cấp dịch vụ bảo vệ và các dịch vụ khác cho FIDC.

Công ty có 3 pháp nhân, trong đó ông Nguyễn Ngọc Thành (Giám đốc Công ty CP Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp KTC Việt Nam) có 20% cổ phần, ông Nguyễn Duy Tiên 20%, 60% cổ phần của bà Đặng Kim Loan (đại diện cho Tập đoàn Bentham).

Thông tin mới về việc 34 bảo vệ bị FIDC chấm dứt công việc đột ngột- Ảnh 1.

Trụ sở của FIDC tại KCN Mỹ Xuân A2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo ông Thành, phía Bentham đã mời ông hợp tác, tuy nhiên sau 3 tháng làm việc, ông rất bất ngờ với cách hành xử của FIDC và cổ đông chiếm 60% cổ phần. "Một đối tác mà không nghĩ đến lợi ích của người lao động, đi ngược lại với những cam kết ban đầu, chấm dứt hợp đồng lao động một cách đột ngột, đẩy người lao động ra đường thì không thể hợp tác lâu dài được" - ông Thành cho hay.

Mặc dù bà Loan chiếm 60% cổ phần nhưng việc đào tạo và cung ứng nhân sự do chính ông Thành chịu trách nhiệm. Do đó, khi xảy ra sự việc, ông Thành đã liên hệ với các cổ đông để đòi quyền lợi cho 34 nhân viên đang làm việc tại FIDC.

Theo ông Thành, trong sáng 16-4, các bên đã trao đổi và thống nhất giải quyết quyền lợi cho người lao động. "Tôi đã đề nghị các cổ đông sở hữu 60% cổ phần của Công ty Bentham KTC, yêu cầu họ thanh toán toàn bộ tiền lương trong tháng 4 cho người lao động, đồng thời bồi thường thêm 1 tháng lương cho người lao động theo các cam kết trong hợp đồng đã ký để hỗ trợ họ trong thời gian họ tìm việc" - ông Thành nói.

Thông tin mới về việc 34 bảo vệ bị FIDC chấm dứt công việc đột ngột- Ảnh 2.

Một chốt bảo vệ của Công ty Bentham KTC trong KCN Mỹ Xuân A2

Ông Thành cho hay sẽ họp bàn 34 người lao động lại, thông báo các quyền lợi và chế độ được phía công ty giải quyết, đồng thời nếu họ muốn làm việc tại những địa điểm khác sẽ bố trí cho họ, phía công ty cũng sẽ giới thiệu các vị trí làm việc đối với những lao động có cư trú tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Được biết, sau khi giải quyết xong các giấy tờ liên quan và những chế độ theo quy định, trong chiều nay, toàn bộ 34 nhân viên bảo vệ sẽ trả lại những công cụ, rời khỏi các vị trí làm việc tại FIDC. Riêng cá nhân ông Thành sẽ rút vốn khỏi Bentham KTC.

Ông Nông Đình Văn, Trưởng Phòng nghiệp vụ Công ty Bentham KTC thông tin sau cuộc họp, các bên đã thống nhất giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định nên toàn bộ 34 nhân viên cũng sẽ hoàn tất bàn giao công việc.

Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, ngày 13-4, khi các nhân viên bảo vệ đang làm việc thì bất ngờ nhận được thông báo, phía FIDC chấm dứt nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên Công ty Bentham KTC tại KCN Mỹ Xuân A2, và yêu cầu toàn bộ nhân viên bảo vệ phải bàn giao công việc, phương tiện.

Thông tin mới về việc 34 bảo vệ bị FIDC chấm dứt công việc đột ngột- Ảnh 3.

Các nhân viên bảo vệ vẫn làm việc bình thường trong ngày 15-4

Khi các nhân viên chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đúng 11 giờ cùng ngày, xuất hiện một nhóm người mang theo công cụ hỗ trợ như gậy, súng bắn đạn cao su xông vào và đuổi toàn bộ lực lượng của Bentham KTC ra khỏi các vị trí. Tuy nhiên, phía nhân viên Bentham KTC không đồng ý rời đi vì đang trong giờ làm việc.

Ngày 15-4, hơn 34 lao động đã yêu cầu được gặp lãnh đạo Công ty Bentham KTC cũng như lãnh đạo FIDC để giải quyết quyền lợi.

Nhận được thông tin, đại diện công đoàn các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an thị xã Phú Mỹ cũng đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận vụ việc, đồng thời vận động người lao động không tụ tập đông người.

Trước đó,19 DN hoạt động trong KCN Mỹ Xuân A2 có đơn gửi lên ngành chức năng, phản ảnh FIDC tự đưa ra quy định mới để nâng giá các dịch vụ, tự ý đặt barie để kiểm soát, mở hay chặn cho xe ra vào KCN; dựng biển báo giao thông trong KCN…

Ngoài ra, FIDC không thanh toán tiền nước dẫn tới việc KCN này bị cúp nước. Theo báo cáo, tính đến hết tháng 3-2024, FIDC đang nợ hơn 20 tỉ đồng tiền nước. Không chỉ dừng lại ở những lùm xùm trên, FIDC còn ngang nhiên cho người xây dựng hàng rào trên hành lang tuyến ống khí thấp áp.

Trước tính nghiêm trọng của vụ việc, Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu thống nhất thanh tra toàn diện công ty này và làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ban Quản lý các KCN tỉnh.


Theo Ngọc Giang

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên