Thông tin mới vụ đường 68 tỷ ở Nghệ An "biến mất" trong vài giờ
Tiến hành khoan 5 mũi địa chất xuống con đường bị sập, cơ quan chức năng đã đánh giá nguyên nhân gửi UBND tỉnh Nghệ An xem xét để có hướng xử lý triệt để.
Chiều 9/10, ông Nguyễn Quế Sự - Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, cùng ngày, ông đã ký văn bản báo cáo lên UBND tỉnh về thông tin cũng như nguyên nhân dẫn đến vụ sập đoạn đường dài 140m tại xã Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An).
Theo ông Sự, sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn giao cho Sở GTVT Nghệ An chủ trì phối hợp cùng cơ quan chức năng tìm nguyên nhân và báo cáo về UBND tỉnh Nghệ An.
Trong ngày 7/10, đoàn công tác của Sở GTVT Nghệ An đã cùng các phòng ban liên quan đến hiện trường kiểm tra làm rõ sự việc.
Đoạn đường dài 140m bất ngờ đổ sập xuống kênh khiến người dân hoang mang.
Phía Sở GTVT sau đó đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khoan 5 mũi địa chất trên 3 mặt cắt để tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Cụ thể, ở mặt cắt 1, cơ quan chức năng khoan 1 lỗ ở vai đường (phía bờ kênh) có độ sâu 6,17m là gặp lớp đá cứng. Các lớp đất trên đá là lớp sét dẻo cứng.
Ở mặt cắt 2 có 3 lỗ khoan. Lỗ khoan 1 sát mép nhựa phải tuyến (phía chân núi) sâu 4,12m là gặp lớp đá cứng. Lớp đất trên đá là đất đắp nền đường cũ sét lẫn dăm sạn và sét trạng thái nửa cứng. Lỗ khoan 2 ở trái tuyến (phía bờ kênh) độ sâu 7,81m. Lớp đất trên đá dẻo cứng.
Lỗ khoan 3 gần chân taluy nền đường trái tuyến (phía bờ kênh) với độ sâu 8,82m gặp lớp đá cứng. Lớp đất sét trên đá dẻo cứng. Ở mặt cắt 3 với 1 lỗ khoan tại vai đường (phía bờ kênh) có độ sâu 8,1m thì gặp lớp đá cứng.
Qua kết quả khoan kiểm tra địa chất, xem xét tại hiện trường và kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan, cơ quan chức năng đã nhận định nền đường vị trị bị sạt trượt nằm trên sườn đá dốc về phía kênh.
Vết nứt sâu tại hiện trường từ 1-2,8m.
Cơ quan chức năng nhận định, địa chất nền đường là sét, sét lẫn dăm sạn là loại có độ trương nở lớn và giảm góc ma sát khi gặp nước. Vì vậy nền đắp trên đá rất dễ bị trượt khi gặp mưa với tần suất lớn.
"Thời gian qua, thời tiết mưa nhiều làm nước trong kênh dâng lên ngấm vào nền đường. Khi mưa ngừng, nước trong kênh rút nhanh nhưng lượng nước ngấm vào nền đường chưa thoát kịp gây mất cân bằng áp lực, kết hợp các yếu tố bất lợi về địa hình địa chất như nêu trên dẫn đến sạt trượt.
Mặt khác do người dân san lấp mặt bằng dẫn đến đọng nước tại rãnh bên phía núi cũng góp phần làm nước ngấm vào nền đường", báo cáo của sở GTVT nêu rõ.
Hai đầu vụ sạt đường xuất hiện tình trạng sạt nhẹ ở mép đường và có dấu hiệu chưa dừng lại.
Từ nguyên nhân trên, bước đầu phía Sở GTVT Nghệ An đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công dùng máy đào khơi thông thoát nước và san ủi mặt bằng tuyến phía sát chân núi để tạm thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đặt biển cảnh báo, cử người túc trực tại hiện trường vụ sạt.
Để đảm bảo tính ổn định khai thác lâu dài của tuyến đường, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh cho phép làm tường chắn chân bằng bê tông phía bờ kênh có móng ngàm vào đá để giữ ổn định chân ta luy. Đào thay toàn bộ phần đất đã bị sụt, thay bằng đắp đất có độ thoát nước tốt, đầm chặt nền đường.
Hiện, phía Sở GTVT đã gửi công văn sang UBND tỉnh Nghệ An và chờ chỉ đạo để tiến hành xử lý vụ sạt lở nói trên.
Video đường 68 tỷ mới làm đổ sập xuống kênh.
Trí thức trẻ