Thông tin mới vụ máy bay MH370 mất tích bí ẩn
Thành viên chủ chốt tham gia vào cuộc điều tra vụ máy bay mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã chỉ trích nhà chức trách Australia về công tác tìm kiếm.
- 26-12-2023Chuyên gia hé lộ giả thiết mới về vụ MH370, nói có thể tìm thấy xác máy bay trong 'vài ngày'
- 20-12-2023Tiết lộ gây sốc về chuyến bay MH370: Ngư dân kéo được vật thể nghi là cánh máy bay ở “vùng biển lạ”
- 05-12-2023Phát hiện ngỡ ngàng của các "thợ săn MH370" tại nơi chiếc máy bay mất tích bí ẩn gặp nạn
Vào ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn bất ngờ biến mất ở Ấn Độ Dương . Sau khi cất cánh khoảng 40 phút, trên hành trình tới Bắc Kinh - Trung Quốc, chiếc máy bay Boeing 777 "tàng hình" khỏi radar kiểm soát không lưu.
Sau đó, Cục An toàn giao thông Australia (ATSB) tiến hành tìm kiếm dưới nước chiếc máy bay từ tháng 5/2014 cho đến khi hoạt động này bị đình chỉ vào tháng 1/2017.
Theo hãng tin News của Australia đưa tin ngày 26/2, với tư cách là cựu sĩ quan hải quân, phó giám đốc điều hành Peter Waring cho biết cuộc tìm kiếm nằm ngoài khả năng của ATSB. Người này nhấn mạnh lẽ ra cơ quan không nên được giao phụ trách hoạt động tìm kiếm.
“ Chính phủ Australia đã phạm sai lầm cơ bản khi cho rằng cơ quan điều tra giao thông vận tải có thể tiến hành một cuộc tìm kiếm và thật tiếc vì đây là cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử loài người. Mặc dù rất nhiều người có thiện chí, nhưng ATSB không phải là cơ quan phù hợp để thực hiện", Peter Waring nhận định.
Vị quân nhân này chỉ trích ATSB không phát hiện ra chiếc máy bay vì dựa quá nhiều vào lý thuyết mô hình trôi dạt vốn không chính xác.
Theo ông Waring, có khả năng các thông số tìm kiếm ban đầu nằm không thuộc khu vực máy bay hạ rơi. Điều này dựa trên giả thuyết rằng ai đó cố tình điều khiển chiếc máy bay lao xuống biển. Waring nhận định kịch bản có không tặc không được xem xét đầy đủ.
Kịch bản này được "bồi đắp" bởi cánh máy bay được ngư dân Kit Olver phát hiện vào tháng 10/2014 ngoài khơi bờ biển Nam Úc và phân tích của kỹ sư hàng không vũ trụ Richard Godfrey.
Ngoài ra, Waring cũng phát biểu rằng chính phủ Malaysia không hành động dựa trên phân tích của ông về việc xác định chính xác đường bay của MH370 trước khi nó lao xuống Ấn Độ Dương, tạo ra bán kính tìm kiếm là 30 km.
Trong khi đó, Angus Mitchell - ủy viên ATSB - đánh giá rằng mặc dù có khả năng các nhà điều tra không tìm kiếm chiếc máy bay ở đúng khu vực nhưng hiện tại không có bằng chứng mới nào cho thấy những gì họ đánh giá vào thời điểm đó là không chính xác.
Dù Mitchell thừa nhận các cuộc điều tra hiện tại về vụ mất tích của máy bay vượt quá khả năng của ATSB, nhưng ông cho biết các cuộc tìm kiếm trong tương lai vẫn sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Australia.
Cho đến nay, các chuyên gia hàng không cho rằng một cuộc điều tra được mở lại có thể được hoàn thành trong thời gian ngắn nhờ công nghệ mới.
Tiền phong