Thông tin quan trọng việc Việt Nam gỡ 'thẻ vàng' thủy sản
Sau khi dự kiến sang Việt Nam kiểm tra công tác gỡ thẻ vàng thủy sản vào cuối tháng 5, Ủy ban châu Âu đã đổi lịch sang tháng 9 hoặc tháng 10, bởi họ muốn xem xét việc triển khai 2 Nghị định mới của Việt Nam ra sao. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, đây cơ hội cuối cùng của Việt Nam để gỡ thẻ vàng, nếu không chúng ta sẽ phải chờ thêm khoảng 3 năm nữa.
Ngày 21/5, tại cuộc họp Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau chuyến công tác sang châu Âu mới đây, Ủy ban châu Âu ( EC ) cơ bản vẫn tập trung vào 4 nhóm khuyến nghị: Hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường quản lý tàu cá; kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; xử lý tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong 4 nội dung này, Việt Nam mới hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tiên, 3 nhóm nội dung còn lại Việt Nam đều còn hạn chế. Điều này khiến phía EC cho rằng những biện pháp mà Việt Nam đưa ra chưa đủ sức răn đe.
“Lần kiểm tra thứ 5 tới đây của EC, dự kiến trong tháng 9 hoặc 10 là cơ hội cuối cùng của Việt Nam, bởi Nghị viện châu Âu sắp bầu cử. Nếu không thể gỡ thẻ vàng dịp này, chúng ta sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư - cho biết, Cục đang tham mưu triển khai 90 ngày cao điểm chống khai thác IUU tại các tỉnh, thành phố ven biển, bắt đầu từ tháng 6. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... sẽ thị sát tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Sang tháng 7 là các địa phương Bến Tre, Tiền Giang, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Trong tháng 8 và có thể kéo sang tháng 9, đoàn sẽ kiểm tra tại các tỉnh còn lại ở khu vực phía Bắc.
Theo ông Hùng, một trong những lý do phía EC lùi thời hạn kiểm tra, gỡ thẻ vàng IUU đó là Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 37 và Nghị định số 38 (sửa đổi) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Phía EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật của Việt Nam với 2 Nghị định này ra sao.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho hay, từ nay đến tháng 9, tháng 10, bằng mọi giải pháp, chúng ta phải ngăn chặn giảm thiểu tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm...
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị thuộc bộ gấp rút tổ chức hội nghị toàn quốc phổ biến Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, theo tinh thần hướng dẫn trước, rà soát sau và “không thể kiểm tra mãi mà chẳng biết mình sai ở đâu".
Ông Tiến đề nghị Cục Kiểm ngư tăng cường kiểm tra, giám sát số tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài, nhất là việc tăng tỷ lệ xử lý vi phạm lên khoảng 30%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong 90 ngày cao điểm sắp tới. Cục Thủy sản rà soát đội tàu mất kết nối từ 6 tháng trở lên, kết hợp với công tác cấp phép lại đội tàu, nhất là với những tàu dài từ 24 m trở lên.
"Giờ chúng ta không thể làm chung chung. Phải quán triệt rõ tới các cảng cá và chủ tàu, rằng tàu không vào cảng chỉ định là vi phạm", lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Về phía địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị bố trí nguồn lực, đảm bảo trực ban 24/24 giờ; theo dõi, giám sát 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị hành trình.
Tiền Phong