Thống trị 1 thị trường ngách, “cha đẻ” của Vinasoy đã âm thầm gia nhập hàng ngũ doanh nghiệp tỷ đô
Từ một công ty sản xuất đường, Đường Quảng Ngãi đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng với vốn hóa thị trường hơn 23.000 tỷ cùng lợi nhuận hàng năm trên 1.000 tỷ đồng.
- 10-02-2017Cha đẻ của Vinasoy bất ngờ sụt giảm doanh thu sau nhiều năm tăng trưởng
- 13-12-2016Cha đẻ của sữa đậu nành Vinasoy lên sàn, TTCK có thêm hàng chục người giàu trăm tỷ
Những ngày cuối năm 2016 đầu 2017, sàn Upcom đón nhận thêm cổ phiếu của 2 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng là Masan Consumer (MCH) và Đường Quảng Ngãi (QNS) lên giao dịch.
Trái ngược với những cổ phiếu đình đám lên sàn trong thời gian gần đây như Sabeco, Habeco hay Novaland, Vietjet thì cổ phiếu của 2 doanh nghiệp lại lên sàn trong không khí khá trầm lắng dù đây đều là những doanh nghiệp có quy mô rất lớn cũng như lợi nhuận rất ấn tượng.
Chào sàn ngày 5/1 với giá tham chiếu 90.000 đồng, cổ phiếu Masan Consumer đã giảm liên tục và rơi xuống dưới mức 70.000 đồng trong những giao dịch đầu tháng Ba.
Với Đường Quảng Ngãi, diễn biến giá cổ phiếu khả quan hơn. Sau khi giảm mạnh trong những phiên đầu, cổ phiếu QNS đã tăng mạnh từ mức 95.000 lên gần 124.000 đồng vào ngày 13/1. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Đường Quảng Ngãi lên đến hơn 23.000 tỷ đồng – tức hơn 1 tỷ USD. Trong số các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trên sàn, vốn hóa của Đường Quảng Ngãi hiện chỉ xếp sau Vinamilk, Sabeco và Masan Consumer; nhỉnh hơn Habeco và lớn hơn nhiều so với Kido Group.
Biến động giá cổ phiếu QNS từ khi lên sàn
Vậy tại sao một doanh nghiệp “lạ” đóng ở “tỉnh lẻ” như Đường Quảng Ngãi lại được định giá cao đến vậy?
Đúng như tên công ty, Đường Quảng Ngãi là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành đường với doanh thu hàng năm từ đường và các sản phẩm liên quan đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khác với phần lớn các doanh nghiệp mía đường khác khi chủ yếu chỉ kinh doanh đường, Đường Quảng Ngãi từ lâu đã trở thành một công ty sản xuất hàng tiêu dùng với cơ cấu sản phẩm khá đa dạng từ đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), bia (Dung Quất), nước khoáng (Thạch Bích) cho đến bánh kẹo (Bisca Fun).
Trong đó, sản phẩm chủ lực đưa Đường Quảng Ngãi trở thành doanh nghiệp có vốn hóa hơn 20.000 tỷ với lợi nhuận hàng năm trên 1.000 tỷ đồng là sản phẩm sữa đậu nành.
Năm 2016, Đường Quảng Ngãi đạt 7.000 tỷ doanh thu và 1.552 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thì riêng Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy đóng góp 3.700 tỷ doanh thu và 810 tỷ đồng lợi nhuận.
Báo cáo thường niên năm 2015 của QNS dẫn số liệu từ thống kê của Nielsen vào tháng 12/2015 cho thấy Vinasoy nắm giữ 84,2% thị phần sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam. Thị phần thiểu số còn lại thuộc về Vinamilk, Nutifood cùng một số thương hiệu nhập khẩu.
QNS đã có lịch sử kinh doanh sữa từ gần 20 năm nay khi thành lập nhà máy sữa Trường Xuân. Ban đầu, nhà máy này kinh doanh các sản phẩm sữa truyền thống. Do phải cạnh tranh với những đối thủ lớn trên thị trường như Vinamilk, Dutch Lady nên việc kinh doanh sữa của QNS không đạt hiệu quả cao và thua lỗ lớn.
Đến tận năm 2005, nhận định thị trường sữa đậu nành là phân khúc đầy tiềm năng trong khi các đối thủ còn “bỏ ngỏ”, QNS đã đổi tên nhà máy sữa Trường Xuân thành nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam – Vinasoy với mục tiêu là chỉ tập trung vào duy nhất sản phẩm sữa đậu nành.
Với hướng đi đúng, Vinasoy đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, vươn lên vị trí số 1 kể từ năm 2010. Kể từ thời điểm này, doanh thu và lợi nhuận của Vinasoy liên tục tăng trưởng phi mã, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của QNS. Dù vậy thì sau một thời dài tăng tăng trưởng phi mã, doanh thu của Vinasoy bất ngờ chững lại trong năm 2016, tuy vậy, lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh
Trí Thức Trẻ