‘Thông tư 06 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản chứng khoán'
Hoạt động kinh doanh CD có vai trò quan trọng đối với các CTCK. Ảnh: Trọng Hiếu.
Chuyên gia Nguyễn Thế Minh nhìn nhận Thông tư 06 có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thanh khoản thị trường, trong khi đây là tiêu chí quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
- 01-10-2023Chứng khoán Apec (APS) chuyển từ lãi sang lỗ nặng, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại từ về khoản tạm ứng “khủng” cho nhân viên
- 01-10-2023Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Xu hướng giảm áp đảo, một cổ phiếu dịch vụ hàng không ngược dòng tăng gần 70%
- 01-10-2023Lịch chốt quyền cổ tức tuần 2– 6/10: Hơn 20 doanh nghiệp "lăn chốt", hai CTCK chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt
Như Nhadautu.vn đã đề cập, những thay đổi tại khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước được giới đầu tư nhìn nhận sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán.
Cụ thể, khoản 7, điều 8 Thông tư 06, tổ chức tín dụng (gọi tắt là TCTD) không được cho vay đối với nhu cầu vốn "để gửi tiền". NHNN từng lý giải việc bổ sung quy định này trong Thông tư 06 vì "thực tiễn thời gian qua, một số TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp".
Chưa rõ thuật ngữ "để gửi tiền" ở đây có bao hàm chứng chỉ tiền gửi (CD) hay không, nhưng nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn có xu hướng lo ngại định nghĩa này bao gồm cả CD, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự chủ động của công ty chứng khoán trong việc thu xếp nguồn vốn một cách hợp lý.
Nên biết rằng, bởi nhu cầu cho vay ký quỹ có giới hạn và lãi suất tiền gửi tốt, các nhà môi giới đã linh hoạt phân bổ tài sản của họ vào CD. Vì thế, CD chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Ước tính từ các chuyên gia CTCK Maybank Investment bank (MSVN), phần lãi từ CD chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số thu nhập từ lãi và khoảng 2-4% lợi nhuận sau thuế. Chính vì vậy, tác động ảnh hưởng nếu có là không nhiều.
Bên cạnh đó, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt, nhu cầu cho vay ký quỹ hoặc hoạt động IB (nghiệp vụ ngân hàng đầu tư) tăng lên, các công ty chứng khoán khả năng sẽ chuyển nguồn vốn sang các hoạt động này.
Dù chiếm phần nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận, song không thể phủ nhận vai trò của các CD với CTCK. Quan điểm từ ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, CD có vai trò tối thiểu hóa các chi phí vốn của CTCK.
"Trong trường hợp thị trường không thuận lợi cho việc tự doanh chứng khoán, vay cho ký quỹ (margin), thay vì chịu mức lãi suất vay ngân hàng, CTCK sẽ dùng số tiền nhàn rỗi để đầu tư vào các kênh an toàn như CD, trái phiếu Chính phủ…. Mức lãi suất "ăn" chênh lệch dĩ nhiên không đóng góp không đáng kể tổng lợi nhuận. Song, CTCK sẽ tiết kiệm được khoản chi phí vốn rất lớn nếu tính mức lãi chênh lệch trên tổng số tiền gửi CD, mua TPCP là hàng ngàn tỷ đồng", ông Minh phân tích.
Bên cạnh đó, ông Minh nhìn nhận CD có vai trò quan trọng với nghiệp vụ "Repo" (cho vay có đảm bảo) của CTCK. Thông thường, một số CTCK vay nhà băng để mua CD, và kế đến là thế chấp chính những hợp đồng này tại ngân hàng (hoặc bán những TPCP, CD để ngược tiền cho vay margin). Nghiệp vụ này giúp CTCK gia tăng đòn bẩy, từ đó có thể cung ứng nguồn vốn margin nhiều hơn, phục vụ nhu cầu của các khách hàng (nhất là trong những thời điểm TTCK bước vào nhịp tăng mạnh). Hiểu một cách đơn giản, công ty có thể mở rộng, khuếch đại hoạt động cho vay margin, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn vốn vay margin đóng vai trò quan trọng với TTCK Việt Nam. Thống kê từ BCTC quý II/2023 của 40 công ty chứng khoán đang niêm yết và chưa niêm yết đại diện 96% tổng vốn chủ sở hữu của ngành chứng khoán cho thấy dư nợ cho vay margin toàn thị trường ở mức 143,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2023, tăng 24,4 nghìn tỷ đồng (tăng 20,5%) so với cuối quý 1/2023 và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. So với thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh, dư nợ cuối tháng 6/2023 thấp hơn khoảng 41 nghìn tỷ đồng.
Tóm lại, ông Minh cho rằng nếu khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06/2023 được áp dụng theo cách hiểu của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, điều quan trọng là các CTCK sẽ không chủ động trong việc tối ưu nguồn vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng, các CTCK sẽ phải tính toán rất kỹ trong việc vay vốn ngân hàng nhằm tối thiểu hóa chi phí vốn và vẫn phục vụ được nhu cầu cho vay margin của TTCK.
Bên cạnh ảnh hưởng đến các CTCK, Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam cho rằng Thông tư 06 còn ảnh hưởng đến chính thanh khoản TTCK Việt Nam. "Với các tổ chức xếp hạng, vốn hóa, thanh khoản thị trường là những tiêu chí quan trọng cho quyết định nâng hạng thị trường. Một ví dụ điển hình là trong ‘Review’ bán niên tháng 11/2021, MSCI đã hạ bậc TTCK Pakistan từ mới nổi xuống cận biên do không còn đáp ứng tiêu chí quy mô và thanh khoản", ông nói.
Sẽ cần thời gian để đánh giá đầy đủ và toàn cảnh tác động của Thông tư 06/2023 với các CTCK nói riêng và TTCK nói chung. Song, VN-Index đã khép lại tháng giao dịch "ảm đạm" với phiên chốt 29/9 đạt 1.154,15 điểm, giảm hơn 4,8% so với mốc đầu tháng.
Đáng chú ý, thanh khoản chỉ số chính ngày càng có xu hướng co lại. Thống kê từ HoSE cho thấy quy mô giao dịch chỉ số chính (giá trị khớp lệnh) trong tháng 9/2023 đạt 404.138 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với tháng 8/2023.
Nhà Đầu Tư