Chỉ trong 30 phút cuối vốn hoá mất đi 150.000 tỷ, bốn nguyên nhân lý giải
Cả thị trường được nhuộm màu đỏ
Chỉ 30 phút cuối phiên giao dịch ngày " thứ 6 đen tối" - VN-Index đã sụt giảm gần 39 điểm lùi sâu về mốc 1.443 điểm. Cả thị trường được nhuộm màu đỏ với hơn 1.136 cổ phiếu giảm giá. Mức giảm đã xoá mọi thành quả tăng điểm của tháng 11.
Hiện tượng bán tháo cuối phiên đặc biệt phiên ATC tựa như cơn lốc xoáy cuốn bay hết mọi nỗ lực gượng dậy của thị trường. Nhiều cổ phiếu lớn đầu phiên vẫn xanh mạnh nhưng cuối phiên đã lộ sàn như dòng chứng khoán. Dòng cổ phiếu ngân hàng, bất động sản bất ngờ sụp đổ cuối phiên khi đầu phiên vẫn xanh miên man cũng là tác nhân tạo ra cơn lốc đánh bay gần 39 điểm trong 30 phút cuối phiên giao dịch.
Vốn hoá của HOSE trong phiên đã bốc hơi mạnh theo đà giảm của VN-Index. Theo thống kê từ HOSE, tại mức điểm 1.443,32, vốn hóa sàn HOSE đạt hơn 5,62 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 150.661 tỷ đồng (6,6 tỷ USD) so với phiên trước.
Về nguyên nhân giảm điểm đột ngột cuối phiên "thứ 6 đen tối", có thể đến từ nhiều lý do.
Thứ nhất, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán Việt đang rất nặng nề tác động từ sự điều chỉnh sâu của các thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là Mỹ. Hiện nay biến chủng Omicron – lần đầu phát hiện tại Nam Phi – đã gây sự hoảng loạn cho các chính phủ, công chúng cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thế giới dù đến nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng khoa học về sự nguy hiểm hơn. Thêm vào đó, áp lực lạm phát tăng cao kỷ lục 30 năm lên 6,2% đã đẩy Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thu hẹp các chương trình thu mua trái phiếu. Lịch trình giảm mua trái phiếu ban đầu cho thấy việc mua trái phiếu sẽ kết thúc vào khoảng tháng 6-2022. Nếu quyết định tăng tốc giảm quy mô mua trái phiếu được thông qua, điều đó có nghĩa là việc dừng mua trái phiếu sẽ chấm dứt vào mùa xuân, từ đó mở đường cho FED có thể nâng lãi suất bất cứ lúc nào sau đó.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một đợt bán tháo cổ phiếu đáng kể sau khi ông Powell cảnh báo lạm phát có thể duy trì ở mức cao lâu hơn dự kiến và hiện ông chủ trương hạn chế các biện pháp kích thích kinh tế. Chỉ số DJ đã hồi trở lại 610p phiên 2/12 sau khi rơi xuống mức 34.000 điểm ngày đầu tháng 12.
Thứ hai, sau khi VN-Index vượt 1.500 điểm, dòng tiền mới không được bổ sung liên tục khiến cho VN-Index mất động lực tăng điểm tiếp theo. Động thái chốt lời và bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức trong nước để chốt lời cũng diễn ra dữ dội. Theo thống kê của chúng tôi, khối nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 60.000 tỷ trên thị trường từ đầu năm đến nay, khối nhà đầu tư tổ chức và tự doanh bán ròng gần 20.000 tỷ.
Thứ ba, nhà đầu tư cá nhân đang là động lực chính dẫn dắt VN-Index. Ước tính từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng khoảng 105.000 tỷ đồng. Một thị trường được dẫn dắt với nhóm các nhà đầu tư cá nhân sẽ dẫn đến hiện tượng FOMO cả lên và cả xuống, phiên tăng mạnh - phiên giảm sốc do tâm lý không ổn định.
Điểm yếu của nhà đầu tư cá nhân là tâm lý rất yếu, vì vậy việc thị trường sụp cuối phiên khiến họ bất ngờ không hiểu chuyện gì xảy ra dẫn tới việc bán trước đã rồi tính sau.
Thứ tư, tình trạng margin căng tại nhiều công ty chứng khoán, thị trường cần những cú rung rũ để tìm điểm cân bằng và kích thích dòng tiền mới tìm cơ hội đầu tư mới.
"Thanh khoản của thị trường hiện nay toàn là nhà đầu tư cá nhân trong nước, họ rất máu chiến nên sử dụng margin. Điều này diễn ra tương tự như một số thị trường khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan thôi nhưng nhà đầu tư cá nhân cũng có tâm lý rất kém, chỉ cần một vài thông tin không tốt có thể khiến thị trường giảm sâu. Với nhà đầu tư cá nhân làm chủ cuộc chơi, một phiên giảm 40-50 điểm là có thể xảy ra ", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định.