Thủ Đức: Hồi hộp trước ngày 'lên' thành phố
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động cùng với “sứ mệnh” to lớn và rất nhiều kỳ vọng.
- 25-12-2020Chủ tịch TAB Trần Trọng Kiên: Trong ngành du lịch, có những giám đốc, tổng giám đốc sẵn sàng không nhận lương hàng tỷ đồng để giúp công ty vượt khó khăn
- 24-12-2020Báo Trung lý giải nguyên nhân Việt Nam và các quốc gia châu Á sẵn sàng đi trước phương Tây để phục hồi kinh tế
- 24-12-2020Điểm sáng trong công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động cùng với “sứ mệnh” từ một khu vực chậm phát triển, đầu tư hạ tầng còn hạn chế trở thành “người khổng lồ”, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm của TPHCM và 7% GDP cả nước…Tuy nhiên, trước mắt, TPHCM phải giải quyết những vấn đề tồn tại và phát sinh trong quá trình thực hiện việc sáp nhập quận 2, quận 9, Thủ Đức.
Nghe tin UBND TPHCM sắp công bố TP Thủ Đức, gặp người quen nào, ông Nguyễn Toàn Thu (64 tuổi, phường Bình Trưng Đông, quận 2) nói tuổi của ông đã cao, cũng không trông mong sẽ được hưởng thụ cuộc sống ở một đô thị kiểu mới nhưng con cháu ông sẽ được sống trong một môi trường hiện đại.
Tuy nhiên, ông Thu cũng băn khoăn giữa mục tiêu TP Thủ Đức cần đạt trong tương lai và thực tế khu vực này đang phát triển với một môi trường ô nhiễm. Tình trạng kẹt xe, ngập diễn ra thường xuyên trong khi hạ tầng giao thông chậm phát triển. Ông bày tỏ: “Quận 2 có vụ Thủ Thiêm, còn quận 9 có vụ khiếu kiện của người dân khu công nghệ cao là hai điểm “nóng” về khiếu kiện của TPHCM vì đã kéo dài cả chục năm qua vẫn chưa giải quyết xong. Chừng nào người dân còn đội đơn đi khiếu nại khắp nơi thì TP Thủ Đức vẫn chưa thể là “thành phố đáng sống”.
Tiếp xúc với Tiền Phong, một số công dân của TP Thủ Đức trong tương lai bày tỏ băn khoăn về việc sáp nhập ba quận sắp tới sẽ dẫn đến hệ lụy gần 1 triệu người phải làm lại giấy tờ…
1/3/2021: TP Thủ Ðức chính thức ra đời
Ngày 24/12, tại phiên họp của ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết chính quyền sẽ hỗ trợ người dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức trong việc chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập để hình thành đơn vị hành chính mới.
“Việc chuyển đổi giấy tờ cho công dân TP Thủ Đức phải có lộ trình rõ ràng. Ngày 31/12, TPHCM sẽ công bố những công việc cần làm tiếp theo khi hình thành TP Thủ Đức, trong đó có việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân”, ông Phong nói và cho biết thêm quan điểm của lãnh đạo TPHCM là việc chuyển đổi giấy tờ phải được chính quyền hỗ trợ sao cho thuận tiện nhất, tránh gây xáo trộn, phiền hà cho người dân.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2021 và từ thời điểm đó, HĐND quận 2, 9, Thủ Đức cũng kết thúc nhiệm vụ. Để đảm bảo duy trì công việc, hoạt động hành chính và quyền lợi của người dân, chính quyền quận 2, quận 9, quận Thủ Đức tiếp tục duy trì hoạt động đến ngày 1/3/2021 để giải quyết các phần việc còn tồn đọng.
Cần chính sách đặc thù
“TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM sẽ là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và mở rộng phát triển các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ những chính sách đặc thù cho việc phát triển TP Thủ Đức. Trong thời điểm các chính sách đặc thù chưa thể triển khai, TPHCM sẽ vận dụng những điều kiện tốt nhất cho đơn vị hành chính này”, ông Phong nói.
Về khiếu nại của người dân khu công nghệ cao, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy cho biết TPHCM đã triển khai kết luận của Thanh tra Chính phủ và kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Đến nay, quận 9 đã triển khai chính sách chuyển tiền hỗ trợ bổ sung cho hơn 90% các hộ dân có đất trong khu 41 ha. Số còn lại do vướng mắc về pháp lý, quận đang xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, cố gắng giải quyết dứt điểm trong tháng 12/2020. Riêng 49 trường hợp đặc thù được đề cập trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, hiện nay thành phố đã ban hành các quyết định bổ sung chính sách bán nền tái định cư theo giá tái định cư tại thời điểm triển khai dự án.
Mới đây, gặp mặt cán bộ cao cấp, quân đội nghỉ hưu, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm sẽ được xem xét, giải quyết song song với quá trình chuẩn bị thành lập và vận hành TP Thủ Đức. Vụ Thủ Thiêm hiện nay có 3 vấn đề lớn cần tiếp tục giải quyết là xem xét chính sách cho người dân, xử lý cán bộ có sai phạm và xem xét các vấn đề liên quan đến các nhà đầu tư, chủ đầu tư các dự án.
“TPHCM đã lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức và thành lập ban chỉ đạo xử lý những tồn đọng. Điều này nhằm đảm bảo có sự tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển, nhưng đồng thời xử lý những tồn tại, để không tạo ra ách tắc, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển”, ông Nên nói.
Không quá 4 phó chủ tịch
Về cơ cấu bộ máy UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề xuất không quá 4 phó chủ tịch. Số lượng các cơ quan chuyên môn không quá 13 và cần lập phòng khoa học - công nghệ tùy tình hình thực tế. Vì vậy, Trung ương nên cho phép TP Thủ Đức được chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Theo Tiền Phong