Thu giá BOT tự động: Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói gì?
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ra thông điệp quyết tâm thực hiện việc dán tem cho 3,2 triệu xe ô tô trên toàn quốc để thúc đẩy tiến độ dự án đến năm 2019 sẽ thực hiện thu giá tự động trên cả nước tại các trạm BOT.
- 04-03-2018Năm 2018: Bộ GTVT “quyết” dán tem thu giá tự động trên 3 triệu ôtô lưu hành
- 02-02-2018Tài xế “bỡ ngỡ” trước trạm thu phí tự động cầu Đồng Nai
- 15-12-2017Ảnh: Cổng soát vé tự động ở ga Hà Nội hoạt động thế nào?
- 30-11-2017Bộ trưởng Giao thông: Thu phí tự động toàn bộ các trạm BOT vào năm 2019
Nếu thực hiện triệt để, tất cả các trạm BOT sẽ thực hiện hình thức thu phí... không dừng. |
Trao đổi với PV Infonet , ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội ủng hộ việc thu giá tự động tuy nhiên cần triển khai đồng bộ, tránh để kéo dài từ năm này qua năm khác.
Theo ông Liên, các phương tiện qua trạm thu phí phải nộp phí sử dụng đường bộ, do các doanh nghiệp đầu tư để hoàn vốn là việc hoàn toàn bình thường. Việc thu phí này là rất phổ biến trên Thế giới, ví dụ ở Đài Loan là 100% đường cao tốc có thu phí.
Về chủ trương thực hiện thu giá tự động, ông Liên phân tích đây là hình thức thu phí không dừng, lợi thế lớn nhất của việc thu phí này là thu đúng và thu đủ. "Đã đi qua đó thì loại xe nào, mức phí bao nhiêu sẽ được thu đúng thế. Chỉ cần phương tiện đi qua sẽ có hệ thống camera quét và hiện lên thông số của loại xe đó, mức phí phải nộp là bao nhiêu" - ông Liên phân tích thêm.
Ngoài ra, việc áp dụng thu giá tự động sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác quản lý cũng như giảm ùn tắc trên cao tốc. Ông Liên chia sẻ: "Việc thu phí tự động sẽ loại bỏ được việc sử dụng tiền lẻ hay dừng đỗ lâu ở các trạm thu phí. Khi thu phí tự động xe không phải dừng ở trạm thu phí nên sẽ không xảy ra tình trạng ùn tắc trước trạm, cứ thế đi thẳng qua. Bên cạnh đó, thu giá tự động còn tác dụng nữa là kiểm soát được xe quá tải. Các trạm đó sẽ cân xe luôn, nếu xe quá tải sẽ phải rẽ vào các trạm hạ tải được xây dựng cạnh đường cao tốc.
Việc thu giá tự động sẽ giúp giảm nhân công, giảm chi phí phục vụ, giảm chi tiêu của các trạm BOT nên sẽ thu hồi vốn nhanh, rút ngắn thời gian thu phí.
Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên cũng chỉ rõ những khó khăn trong việc thực hiện thu giá tự động. Theo đó, muốn làm được việc đó thì ngoài việc dán tem cho 3,2 triệu xe ô tô thì mỗi lái xe phải có một tài khoản ngân hàng. Mỗi lần qua trạm BOT, số phí phương tiện phải trả sẽ được chuyển về ngân hàng để tiến hành thu phí qua tài khoản. "Yêu cầu bắt buộc là tài khoản của lái xe phải có tiền trong đó để tiến hành thu phí. Những lái xe không có ý thức tự giác thì có thể sẽ bị xử lý vi phạm" - ông Liên khẳng định.
Ngoài ra, việc thực hiện xây dựng phương án thu phí không đồng bộ cũng là một khó khăn hiện nay đối với việc áp dụng thu giá tự động. Theo ông Liên, nếu chủ trương này được thực hiện ngay khi các trạm BOT ra đời thì sẽ rất tốt, làm đến đâu thu đến đấy. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc này làm không đến nơi đến chốn nên bây giờ vẫn bị chậm triển khai.
"Khi làm không có phương án, bây giờ lại ép tiến độ thực hiện nên việc triển khai bị chậm, kéo dài" - vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
Infonet