Thu hồi dự án 5.000m2 đất vàng giữa trung tâm Sài Gòn
Tại cuộc họp kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018, đại diện lãnh đạo TPHCM cho biết sẽ kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan việc bán rẻ khu đất 8-12 Lê Duẩn, kể cả các cán bộ nhiệm kỳ trước.
Cụ thể, Chánh văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, sau khi có kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, thành phố đang triển khai kế hoạch giải quyết.
Theo đó, Sở Tài nguyên-Môi trường phụ trách việc thu hồi, tổ chức đấu thầu lại khu đất; Sở Nội vụ tham mưu kế hoạch tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan; kể cả các cán bộ nhiệm kỳ trước đã chỉ đạo, xử lý dự án chưa đúng pháp luật. "Việc này thành phố sẽ làm công khai. Làm tới đâu thông tin cho báo chí tới đó chứ không có gì phải giấu giếm" - ông Hoan khẳng định.
Khu đất gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) có vị trí đắc địa bậc nhất tại trung tâm TPHCM. Thời điểm năm 2007 lô đất do Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và cho 4 CTCP thuê làm trụ sở gồm: Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Kim khí Thành phố, Hóa chất vật liệu điện thành phố và Vận tải xăng dầu (thuộc Bộ Công Thương). Bộ này từng gửi công văn đề nghị UBND TPHCM cho mua chỉ định lô đất nhưng không được chấp thuận.
Tuy nhiên, khi thực hiện dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, thay vì cho đấu thầu, chọn doanh nghiệp có kinh nghiệm làm chủ đầu tư, thành phố lại chấp thuận phương án thành lập Công ty CP Đầu tư Lavenue và cho 4 công ty trên tham gia 50% cổ phần (chia đều mỗi công ty 12,5%), còn lại là của Công ty Quản lý Kinh doanh nhà.
Ngay sau khi được UBND thành phố ưu tiên cho tham gia cổ phần, các doanh nghiệp của Bộ Công thương đã cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời.
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị thu hồi khu đất, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm tại UBND TPHCM, các sở ngành và doanh nghiệp liên quan. Số tiền 200 tỷ đồng các công ty của Bộ Công thương kiếm được từ thương vụ sang tay cũng bị đề nghị thu hồi.
Theo thông tin tìm hiểu, cho thấy bên cạnh lĩnh vực chính là thực phẩm, Kinh Đô hiện còn đầu tư vào 2 công ty bất động sản Tân An Phước (sở hữu 80%) và Đầu tư Lavenue (sở hữu 50%) với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng.
Công ty Lavenue là chủ đầu tư dự án Lavenue Crown tại khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM – dự án này đã nằm "bất động" nhiều năm sau khi giải phóng mặt bằng.
Được biết Dự án số 8-12 Lê Duẩn là dự án Trung tâm Thương mại – Khách sạn Quốc tế Lavenue Crown do Công ty CP Đầu tư Lavenue thực hiện đầu tư. Đây là dự án phức hợp gồm có 3 khu chức năng là căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại.
Lavenue Crown là một dự án phức hợp hạng sang, gồm có 3 khu chức năng: Căn hộ hạng sang, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, tọa lạc tại vị trí vàng của trung tâm quận 1. Riêng khối căn hộ hạng sang bao gồm khoảng 200 căn với tổng diện tích sàn khoảng 23.000 m2.
Theo thông tin trên website của công ty CP Đầu tư Lavenue, công ty có vốn 2.100 tỷ đồng gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và Công ty CP Tập đoàn Kido. Trong đó, Kido góp 1.050 tỷ, chiếm tỷ lệ 50%.
Tháng 11/2010, theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc hoàn tất vốn góp của Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) và Công ty CP Kim khí TP.HCM (HMC) tại công ty CP Đầu tư Lavenue.
Cụ thể, Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (mã SMA) đã hoàn thành việc góp 12,5 tỷ đồng, tương đương 12,5% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư Lavenue; Công ty CP Kim khí TP.HCM (mã HMC) cũng góp vốn với tỷ lệ tương đương. Hai công ty này cùng có trụ sở chính tại số 8 Lê Duẩn.
Việc góp vốn này thuận theo chủ trương của TP.HCM, theo đó các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại khu đất trên sẽ được tham gia góp vốn vào dự án.
Một doanh nghiệp niêm yết khác là Công ty CP Vận tải xăng dầu Vitaco ( VTO ) – trụ sở tại số 12 Lê Duẩn – cũng được góp vốn vào dự án. Ngoài 3 doanh nghiệp trên còn 1 doanh nghiệp khác có trụ sở tại khu đất này là Công ty CP Hóa chất vật liệu điện Tp.HCM.