Thu hồi SIM kích hoạt sẵn: “Liều thuốc mạnh đang giã tật”
SIM rác, tin nhắn rác đã giảm rất mạnh sau khi Bộ TT&TT quyết siết chặt quản thuê bao di động trả trước và các nhà mạng bắt tay nhau cam kết thu hồi SIM đã kích hoạt trên kênh phân phối. Đây được xem như liều thuốc mạnh đang giã tật của SIM trả trước.
- 10-12-20163 đại lý dùng giấy tờ giả mở sim rác đang bị điều tra
- 08-12-2016Hơn 11 triệu sim đã bị khóa, bắt đầu thu hồi sim rác đợt 2
- 28-11-2016Đã bắt đúng “bệnh” SIM rác
Theo một khảo sát nhỏ của ICTnews tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khoảng 1 tháng trước đây sau khi nhà mạng đồng loạt ký cam kết thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối thì thị trường đã có những bước chuyển biến nhất định. Các điểm bán SIM thẻ vẫn bán các loại SIM khủng ra thị trường, nhưng không còn công khai như trước. Hầu hết các điểm bán SIM thẻ vừa bán vừa nghe nghóng động thái của cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng. Các đại lý SIM thẻ đã ngưng nhập SIM mới của nhà mạng để tập trung tiêu thụ nốt những SIM khủng được kích hoạt trên kênh phân phối.
Thế nhưng, trong một khảo sát của ICTnews tại thị trường Hà Nội tuần đầu của tháng 1/2017 thị trường đã có những chuyển biến rất mạnh khi các địa phương tuyên bố xử phạt mạnh đối với các trường hợp kích hoạt SIM trả trước sai quy định và nhà mạng liên tục thu hồi SIM đã kích hoạt trên kênh phân phối theo cam kết đã ký.
Một chủ đại lý SIM thẻ trên đường Nguyễn Thái Học cho biết, gần như toàn bộ SIM thẻ của cửa hàng này được kích hoạt trong năm 2016 đã bị nhà mạng cắt chiều đi để buộc các thuê bao phải đăng ký lại và nếu quá thời hạn thông báo thì tiến hành thu hồi. Một nữ chủ đại lý SIM thẻ cho biết, đợt thu hồi mới nhất của nhà mạng là ngày 31/12/2016 và hàng đống SIM thẻ kích hoạt sẵn đã bị nhà mạng khóa. Chủ đại lý này cũng trông chờ các nhà mạng có thể mua lại những SIM đã bị khóa để bù đắp một phần chi phí mà các đại lý bỏ ra để mua SIM có tài khoản khủng. Người này còn cho hay những SIM bán ra năm 2017 là SIM phải đăng ký và không có tiền trong tài khoản. Vì vậy, nhiều khách hàng không có hứng thú với loại SIM đó nên việc tiêu thụ SIM mới rất chậm. Thậm chí nhiều khách hàng đến cửa hàng hỏi rồi lại bỏ đi.
ICTnews tiếp tục khảo sát 1 đại lý SIM thẻ khác treo biển bán SIM số đẹp trên đường Nguyễn Thái Học thì chủ đại lý nói rằng họ không còn SIM khủng đã kích hoạt sẵn như trước, bây giờ chỉ còn bán SIM mới không có tài khoản và khách hàng phải đến nhà mạng đăng ký thông tin thuê bao. Vì vậy, đại lý này đang tập trung nhiều vào buôn SIM số đẹp chứ không còn mặn mà đến việc bán SIM khủng trả trước đã kích hoạt sẵn như trước đây. “Mới đây, nhà mạng khóa hàng loạt SIM kích hoạt sẵn trong năm 2016. Bây giờ SIM đã kích hoạt sẵn khan lắm. Anh mua SIM xong đi đăng ký để mà dùng thôi”, chủ đại lý SIM thẻ nói.
Một chủ đại lý SIM thẻ khác trên đường Tây Sơn, Hà Nội cho hay nguồn cung hiện nay đối với SIM trả trước đã kích hoạt sẵn không còn nhiều nên chủ yếu chỉ bán thẻ cào của các mạng mà thôi.
Theo khảo sát của ICTnews, nhiều đại lý SIM thẻ ở Hà Nội cho biết là họ bị nhà mạng khóa một số lượng lớn SIM trả trước đã kích hoạt sẵn trong năm 2016. Một chủ cửa hàng SIM thẻ trên phố Nguyễn Thái Học tiết lộ vẫn còn SIM thẻ đã kích hoạt sẵn bán cho khách hàng nhưng dưới đăng ký của tên công ty “ma”. Tuy nhiên, nguồn cung không dồi dào như trước đây. Chủ đại lý còn khẳng định khách hàng mua SIM này yên tâm không sợ bị nhà mạng khóa vì nó đã được đăng ký dưới tên công ty.
Một chủ cửa hàng khác cũng trên phố Nguyễn Thái Học cho ICTnews hay họ đã tìm đường tránh việc thu hồi SIM của các nhà mạng bằng cách nhờ người đi đăng ký lại, với cách làm kiểu này thì nguồn cung ra thị trường không còn nhiều. Người này cũng rất cẩn thận trước khi bán SIM trả trước cho khách hàng thì đều cho vào đầu đọc SIM chuyên dụng để kiểm tra lại SIM xem đã kích hoạt sẵn và có bị ở tình trạng khóa hay không mà không cần phải bẻ SIM để đưa vào máy điện thoại kiểm tra. Anh tỏ ra ngán ngẩm khi tình trạng tiêu thụ SIM lẹt đẹt ở thời điểm trước Tết Nguyên đán, lẽ ra phải tiêu thụ SIM rất mạnh như những năm trước.
Trả lời ICTnews về việc thu hồi SIM trả trước đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối theo cam kết, các nhà mạng cho rằng họ đang làm rất nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ TT&TT. Đại diện Viettel, VinaPhone cho hay, số thuê bao phát triển mới của các nhà mạng này đã giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Theo thống kê, sau khi các mạng bắt tay cùng cam kết thu hồi SIM trả trước đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối thì vấn nạn SIM rác đã giảm rất mạnh. Các nhà mạng cũng cho rằng, khi xử lý được hết những SIM khủng đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối thì vấn nạn tin nhắn rác cơ bản sẽ được giải quyết.
Đại diện Viettel Telecom cho hay đến thời điểm này, Viettel đã thu hồi khoảng 6,1 triệu SIM đã kích hoạt sẵn. Đại diện Viettel cũng khẳng định đến thời điểm này vẫn còn một ít SIM đã kích hoạt trên thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới những SIM này cũng sẽ hết và tin nhắn rác cũng sẽ giảm theo tỷ lệ SIM rác trên thị trường. Tương tự như Viettel, đại diện VinaPhone cho biết đến thời điểm này VinaPhone cũng đã thu hồi khoảng 5 triệu SIM.
Những tác động của chính sách siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước và cam kết thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối cho thấy đây là liều thuốc mạnh đang chữa trị căn bệnh SIM rác, tin nhắn rác lâu nay gây nhiều bất ổn cho xã hội rất hiệu quả. Nhiều khách hàng phản ánh với ICTnews rằng gần đây lượng tin nhắn rác đã giảm rất mạnh, thế nhưng họ lại phải đối mặt với một vấn nạn mới là cuộc gọi rác từ các nhân viên bảo hiểm, tư vấn nhà đất, ngân hàng… Trong Hội nghị triển khai Kế hoặch năm 2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định sau khi xử lý SIM rác, tin nhắn rác sẽ xử lý đến cuộc gọi rác để bảo vệ khách hàng.
Cam kết giữa 5 doanh nghiệp di động Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối áp dụng từ ngày 1/11/2016. Trước đó, mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ SIM rác - là những thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác.
Nhiều đối tượng dễ dàng mua SIM rác để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Tin rác thậm chí còn là công cụ của tội phạm, khủng bố… Đây chính là lý do mà Chính phủ và Bộ TT&TT quyết tâm tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Một trong những biện pháp quan trọng phải thực hiện ngay là thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.
ICTnews