Thu hồi sữa hạnh nhân Milk Lab 1L do có khả năng bị nhiễm khuẩn: Vi khuẩn này nguy hiểm cho sức khỏe thế nào?
Bộ Công thương mới đây đã nhận được văn bản cảnh báo từ Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Úc NewZealand (đầu mối INFOSAN của Úc) về việc sản phẩm Sữa hạnh nhân Milk Lab 1L (Milk Lab Almond Milk 1L) nhập khẩu từ Úc có khả năng bị nhiễm khuẩn (Pseudomonas spp) và hiện đang được thông báo thu hồi tại Úc.
- 14-09-2020Vào bệnh viện đừng bao giờ chạm tay vào đồ vật này vì chúng chứa "siêu vi khuẩn" nguy hiểm, hãy bảo vệ mình khi ra vào viện bằng 6 cách hiệu quả
- 14-09-2020Người đàn ông 30 tuổi bị suy thận mạn tính do một vết nhiễm trùng từ thuở nhỏ: Bác sĩ cảnh báo cần hết sức lưu ý về một loại nhiễm trùng thông thường này
- 14-09-2020Mẹ và con trai 17 tuổi cùng mắc ung thư dạ dày, nguyên nhân đến từ 2 món ăn thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn: Nhiều gia đình mắc phải!
Cụ thể, sữa hạnh nhân Milk Lab 1L (Milk Lab Almond Milk 1L) do Freedom Foods sản xuất, địa chỉ tại 80 Box Road Taren Point NSW 2229. Sản phẩm được nhập khẩu về Việt Nam bởi công ty Natural Life Sources Ltd.Co, có địa chỉ tại TP.HCM.
Bộ Công Thương thông báo tới cá nhân/doanh nghiệp thu hồi sản phẩm này trong trường hợp cá nhân/doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký kiểm tra Nhà nước tại Bộ.
Đồng thời, áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với lô sản phẩm nói trên kể từ ngày 9/9 đến khi có thông báo ngừng của Bộ Công Thương.
Sản phẩm Sữa hạnh nhân Milk Lab 1L nhập khẩu từ Úc có khả năng bị nhiễm khuẩn (Pseudomonas spp), vậy vi khuẩn Pseudomonas spp nguy hiểm với sức khỏe thế nào?
Pseudomonas spp (hay còn gọi là trực khuẩn mủ xanh) là một chi vi khuẩn thuộc họ Pseudomonadaceae, là trực khuẩn Gram âm hiếu khí, có dạng hình que nhỏ, đứng riêng lẻ, thành đôi hoặc có khi xếp thành chuỗi và có khả năng di động bằng một hoặc nhiều lông ở một đầu.
Vi khuẩn này dễ lây lan, xâm nhập vào bệnh nhân và gây bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân bệnh nhân mắc các bệnh lý ác tính, giảm bạch cầu, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bị bỏng hoặc dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
Trực khuẩn mủ xanh thường thường có ở đâu?
Trực khuẩn mủ xanh thường sống ở trong đất, nước hoặc trên da và niêm mạc người và động vật. Nó có thể tồn tại trong điều kiện mà ít sinh vật khác có thể chịu được, nó tạo ra một lớp chất nhờn chống lại thực bào (engulfment) và có khả năng chống lại hầu hết các loại thuốc kháng sinh. Trực khuẩn mủ xanh có thể sinh sôi trong một loại môi trường đặc biệt như thuốc nhỏ mắt, xà phòng, bồn rửa, thuốc gây mê, thiết bị hồi sức, nhiên liệu, nơi ẩm ướt và thậm chí ở trong nước cất.
Trong nhà ở, có thể tìm được trực khuẩn mủ xanh từ bồn rửa chén, bồn tắm, vòi sen, hồ bơi...
Pseudomonas spp là một chi vi khuẩn thuộc họ Pseudomonadaceae, hay còn gọi là trực khuẩn mủ xanh.
Trực khuẩn mủ xanh nguy hiểm thế nào?
Nhóm trực khuẩn mủ xanh có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau. Chúng là nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng bệnh viện và nhiễm trùng cơ hội - tình trạng bội nhiễm các loại vi khuẩn đề kháng nhiều kháng sinh, hiện diện trong môi trường bệnh viện. Nó có thể lây lan qua vệ sinh không đúng cách như bàn tay không sạch của nhân viên y tế hoặc qua thiết bị y tế bị nhiễm khuẩn chưa được khử trùng hoàn toàn.
Trực khuẩn mủ xanh hiếm khi gây nhiễm trùng ở những người khỏe mạnh, nhưng khi có các yếu tố thuận lợi kèm theo, nó hoàn toàn có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe.
Điển hình, trực khuẩn mủ xanh phát triển mạnh ở các vết thương, vết bỏng... Khi kết hợp với các vi khuẩn khác, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp, làm suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, nhiễm trực khuẩn mủ xanh có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu), viêm phổi, viêm họng và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Con đường chính mà trực khuẩn mủ xanh xâm nhập vào cơ thể là qua các vết thương hoặc qua niêm mạc nếu nếu mạc tiếp xúc với nước bẩn hoặc các dụng cụ nhiễm khuẩn khác.
Nếu bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau:
Tùy thuộc vào từng loại nhiễm trùng do vi khuẩn Pseudomonas gây ra mà người bệnh có thể có các triệu chứng khác nhau, cụ thể:
- Nếu là nhiễm trùng máu: Các triệu chứng sẽ là: Sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, đau đầu nhẹ, nhịp tim nhanh, thở nhanh, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, giảm đi tiểu...
- Nếu là viêm phổi: Các triệu chứng bao gồm: Sốt, ớn lạnh, khó thở, ho, đôi khi có chất nhờn màu vàng, xanh lá cây hoặc máu...
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Triệu chứng có thể gây ra muốn đi tiểu thường xuyên, đi tiểu đau, có mùi khó chịu trong nước tiểu, nước tiểu có máu.
- Nhiễm trùng ở tai: Có thể gây ra đau tai, mất thính lực, chóng mặt và mất phương hướng.
- Nếu trực khuẩn xanh tấn công những vết thương hở thì sẽ khiến vết thương bị nhiễm trùng, gây cảm giác đau, tấy đỏ, chảy dịch ở vết thương. Nếu tình trạng nhiễm trùng này kéo dài, không được điều trị, trực khuẩn mủ xanh có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm khuẩn huyết cho bệnh nhân.
Nếu có các triệu chứng nghi ngờ như trên, cần tới bệnh viện để được kiểm tra và đánh giá đúng tình trạng sức khỏe. Một số các chủng trực khuẩn mủ xanh liên quan đến bệnh viện thường gặp khó khăn do chúng đề kháng nhiều loại kháng sinh, kể cả kháng sinh mạnh.
Phòng ngừa trực khuẩn mủ xanh
Để đảm bảo phòng ngừa, tránh nhiễm trực khuẩn mủ xanh, TTƯT.PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ y tế, khuyến cáo bản thân mỗi người cần giữ gìn vệ sinh, tránh xây sát da và niêm mạc, tăng cường sức đề kháng chung, tránh lạm dụng kháng sinh và các thuốc gây suy giảm miễm dịch. Rửa tay bằng xà phòng là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.
Đối với môi trường bệnh viện, cần giữ gìn vệ sinh chung, triệt để thực hiện các quy trình tiệt trùng, làm đúng các thao tác vô trùng để tránh lây chéo trong bệnh viện. Đảm bảo môi trường bệnh viện luôn sạch sẽ, thoáng mát, thực hiện nghiêm túc các quy trình khử trùng, tiệt trùng định kỳ, nhất là với các thiết bị y tế. Nạn nhân bị bỏng nặng nên đưa vào phòng cách ly để hạn chế tối đa tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn.
(T/h)
Pháp luật và Bạn đọc