MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút đầu tư vào Nam Trung Bộ - Bài 4: Thị xã Hoài Nhơn - vùng đất mới cho dòng vốn đầu tư

Thị xã Hoài Nhơn được xác định là trung tâm kinh tế - xã hội, động lực phát triển vùng phía Bắc và các huyện lân cận. Ảnh: CTV.

Thị xã Hoài Nhơn được xác định là trung tâm kinh tế - xã hội, động lực phát triển vùng phía Bắc và các huyện lân cận. Ảnh: CTV.

Với vị trí “đắc địa” không chỉ của Bình Định, mà của cả vùng Nam Trung Bộ, nhiều năm qua, Hoài Nhơn luôn là địa phương đi đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Địa phương này vẫn còn dư địa rất lớn để bứt phá.

Vượt khó, tăng trưởng mạnh

Từ năm 2021 đến nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và chưa từng có trong tiền lệ đã tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trên địa bàn thị xã, song Hoài Nhơn vẫn vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Theo đó, năm 2021, tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu (theo giá so sánh năm 2010) tăng 6,89% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 9,19%; thương mại và dịch vụ tăng 3,78%; ngư, nông, lâm nghiệp tăng 2,33%. Cơ cấu kinh tế công nghiệp và xây dựng chiếm 61,7%; thương mại và dịch vụ chiếm 18,3%; ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 20%. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản 60.322 tấn tăng 670 tấn so với cùng kỳ (trong đó cá ngừ đại dương trên 10.000 tấn).

Tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn đạt 620,194 tỷ đồng. Lực lượng lao động có việc làm trong độ tuổi lao động: 151.533 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 93%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 122,76 triệu USD.

Trên địa bàn thị xã được quy hoạch 12 cụm công nghiệp (CCN), với diện tích 331,48 ha; 1 Khu công nghiệp Bồng Sơn, diện tích 250ha tạo động lực phát triển thị xã, cũng như khu vực phía Bắc của tỉnh. Hiện nay có 7 CCN đang hoạt động đã thu hút đầu tư được 37 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư 2.524 tỷ đồng, đạt doanh thu 2.178 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước 42,1 tỷ đồng.

Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Phạm Trương cho biết, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035.

Theo đó, các khu vực chức năng phát triển, ranh giới đô thị mở rộng gần 6 lần, từ một huyện đồng bằng diện tích khu vực đô thị 24,61km2 với 2 đô thị Bồng Sơn và Tam Quan được mở rộng lên 222,25km2 gồm 11 phường với 4 đô thị trung tâm Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Hương, Hoài Thanh Tây.

Việc mở rộng đô thị đã tạo thêm không gian ở và khai thác quỹ đất, xây dựng đô thị hoàn chỉnh, có cấu trúc hài hòa. Làm cơ sở để lập Đề án công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Hoài Nhơn đạt tiêu chí đô thị loại IV được Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận.

Đồng thời, năm qua UBND thị xã đã tập trung tổ chức triển khai và hoàn thành lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực đô thị 4 trung tâm gồm: Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Hương, Hoài Thanh Tây.

Đặc biệt, thị xã đang tập trung quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dọc sông Cạn các phân khu chức năng gắn với chỉnh trang đô thị với chiều dài trên 14km và diện tích quy hoạch trên 500ha. Đồng thời đang triển khai quy hoạch 1/500 và kêu gọi đầu tư 13 dự án trên 640 ha với số tiền trên 10.700 tỷ đồng.

“Trong 5 tháng đầu năm 2022, UBND thị xã đã tập trung lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng các dự án thương mại - dịch vụ, khu đô thị mới, bất động sản gồm 11 dự án với tổng mức đầu tư hơn 5.868 tỷ đồng; như: Khu dân cư Phúc Gia Tân; khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng; khu đô thị mới phía Bắc KDC Phú Mỹ Lộc; khu đô thị Khang Mỹ Lộc...”, ông Trương cho hay. 

Theo ông Trương, năm vừa qua, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án trên địa bàn với tổng mức đầu tư hơn 2.143 tỷ đồng. Từ đó, góp phần chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, phấn đấu xây dựng thị xã Hoài Nhơn đạt chuẩn đô thị loại III trước năm 2025 và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2035.

Nhiều dư địa để bứt phá

Thời gian qua, Hoài Nhơn thực hiện chủ trương “một trục, hai cánh, bốn trung tâm” để khai thác nội lực phát triển kinh tế của địa phương.  Cụ thể, “một trục” xác định Hoài Nhơn trở thành trung tâm phát triển chủ đạo theo hướng Bắc – Nam. “Hai cánh” là phía Tây phát triển loại hình kinh tế nông nghiệp – lâm nghiệp, phía Đông khai thác kinh tế biển, công nghệ cao… Bốn trung tâm được xác định gồm Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Hương và Hoài Thanh Tây.

Ông Nguyễn Tấn Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Eco Real nhìn nhận, dư địa để phát triển của Hoài Nhơn rất lớn, điển hình là việc phát triển du lịch và kinh tế biển của địa phương vẫn chưa khai thác hết được giá trị vốn có.

Đây không chỉ là vùng đất tốt cho dòng vốn đầu tư bất động sản mà còn mang tính thời điểm quan trọng. Bởi, Hoài Nhơn đang đứng trước nhiều cơ hội tăng tốc phát triển, đặc biệt là mở rộng và hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn.

“Đầu tháng 3/2022, UBND thị xã Hoài Nhơn rà soát, xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn thị xã, trong đó, có hơn 63 dự án lựa chọn Hoài Nhơn làm nơi “hạ cánh” với 10 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng; 42 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, thương mại và du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; 4 dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh, khai thác chợ. Với những chủ trương, quyết sách đã được ban hành, sẽ tạo động lực đột phá cho Hoài Nhơn trong thời gian tới”, ông Việt nhận định.

Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phía Nam - Văn phòng tại Đà Nẵng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, trong 10 năm qua (2010- 2019), Hoài Nhơn luôn là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Định với mức tăng trưởng cao, GRDP tăng đều hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ.

“Chính quyền thị xã cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá và kết nối du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các dự án du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí... và nên ưu tiên thu hút dự án du lịch sinh thái biển tại Di tích bãi biển Lộ Diêu - Nơi cập bến tàu không số (Hoài Mỹ) gắn với Bãi Con (Hoài Hải) và các xã, phường ven biển”, ông Dương cho hay.

Ông Dương cho biết thêm, trên lĩnh vực công nghiệp Hoài Nhơn cần chú trọng thu hút đầu tư lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất các ngành, tăng cường thu hút các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành để đề xuất, kiến nghị tỉnh đầu tư, mở rộng tuyến đường kết nối với các địa phương trong tỉnh và tỉnh Quảng Ngãi.

Bài cuối: "Tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương"

Theo Nguyễn Tri - Thành Vân

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên