Thu hút được Samsung, Apple... Việt Nam có nên đi theo con đường của Đài Loan, Hàn Quốc?
"Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang vươn lên, trở thành trung tâm sản xuất triển vọng nhất sau Trung Quốc, khi thu hút thành công ông lớn Samsung và cả các nhà sản xuất Đài Loan đến mở rộng chuỗi cung ứng", Digitimes nhận định.
- 29-06-2021Nikkei Asia: Sắp tới, toàn bộ nhà máy Samsung tại Việt Nam buộc phải chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo?
- 29-06-2021GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 5,64%
- 29-06-2021Bloomberg công bố BXH các nền kinh tế chống chịu tốt trước Covid-19, Việt Nam đang đứng ở đâu?
Với nỗ lực giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu của các thị trường mới nổi, Samsung đã chọn đặt 2/3 công suất sản xuất toàn cầu của mình tại Việt Nam và Ấn Độ. Đồng thời, một nhóm các thương hiệu Mỹ, điển hình là Apple, đã yêu cầu các nhà cung ứng tại Đài Loan của họ thiết lập cơ sở sản xuất tại Ấn Độ. Ba nhà sản xuất lớn nhất của Đài Loan là Wistron, Pegatron và Foxconn đều có dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ.
Trước đó, các nhà sản xuất máy tính xách tay có trụ sở tại Đài Loan đã chuyển hoạt động sản xuất sang các nước lớn ở ASEAN. Có một xu hướng rõ ràng là các nhà sản xuất đang chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN và Nam Á, trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ-Trung có nhiều thay đổi.
Mặc dù có vị thế là thương hiệu điện thoại di động lớn nhất, Samsung đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường điện thoại 5G. Apple hiện đang có thị phần lớn nhất, chiếm 30% thị trường điện thoại 5G toàn cầu tính đến quý 1/2021. Tiếp theo là Xiaomi, Oppo và Vivo của Trung Quốc, sau đó là Samsung.
Cuộc cạnh tranh về giá gay gắt ở phân khúc này chắc chắn gây áp lực rất lớn cho Samsung. LG đã thông báo quyết định rút khỏi lĩnh vực thiết bị điện tử cầm tay, trước sức ép từ các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc. Theo ET News của Hàn Quốc, chỉ có 5 trong số 15 nhà cung cấp linh kiện chính của Samsung có thể duy trì tăng trưởng trong quý 1/2021. Các nhà cung cấp còn lại đều tăng trưởng âm.
Đối với mặt hàng máy tính bảng, Apple đã xuất xưởng tổng cộng 58,8 triệu chiếc vào năm 2020, chiếm 37% thị phần trong khi Samsung xuất xưởng 37 triệu chiếc, chiếm 19% thị phần. Bước sang quý 1/2021, các nhà cung cấp cấp 2 đã gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng, do nguồn cung linh kiện thiếu hụt. Dự kiến, sự thiếu hụt linh kiện vào năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng cạnh tranh của các thương hiệu điện thoại di động và máy tính bảng, thậm chí định hình lại cấu trúc ngành trong tương lai.
Đối với ngành công nghiệp TV, Samsung và LG đã giữ vị trí số 1 và số 2 trong 15 năm liên tiếp, sau khi vượt qua Sony của Nhật Bản vào năm 2006. Vì TV được coi là bước đệm cho smarthome, hoạt động sản xuất TV toàn cầu của Samsung và LG là rất đáng chú ý.
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang vươn lên, trở thành trung tâm sản xuất triển vọng nhất sau Trung Quốc, khi thu hút thành công ông lớn Samsung và cả các nhà sản xuất Đài Loan đến mở rộng chuỗi cung ứng, Digitimes nhận định.
Tuy nhiên, liệu Việt Nam có trở thành Trung Quốc tiếp theo? Ấn Độ vẫn vẫn sẽ là đối thủ đáng gờm của Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng gần đây. Triển vọng đối với Ấn Độ vẫn rất đáng khích lệ, nếu như đại dịch sớm kết thúc. Penang, Malaysia cũng đang tăng tốc với việc tổ chức một cụm công nghiệp bán dẫn quan trọng. Thái Lan vẫn đang phấn đấu trở thành "Detroit của Châu Á".
Câu hỏi đặt ra là, liệu các quốc gia này sẽ đi theo con đường của Đài Loan và Hàn Quốc, bằng cách bắt đầu sản xuất hàng loạt, hay sẽ kết hợp các doanh nghiệp địa phương để tạo ra giá trị cao hơn.
Các nước này khó có thể hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp của mình dựa trên con đường của Đài Loan và Hàn Quốc vì thời gian và cơ cấu ngành có thể khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Đài Loan và Hàn Quốc vẫn có thể là mô hình tham khảo tốt nhất cho họ.