MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút FDI năm 2022 - bắt nhịp xu hướng phục hồi kinh tế

Niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng lên. (Ảnh minh họa: KT)

Niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng lên. (Ảnh minh họa: KT)

Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, lạm phát diễn ra trên toàn cầu, nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng lên.

Ngay từ tháng 3 năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy tín hiệu rất khả quan về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID 19 tại Việt Nam. Các nhà đầu tư vốn là đối tác lâu năm của châu Âu, Mỹ đang tìm thêm các điểm đến đầu tư lâu dài và an toàn. Vị thế thương mại với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết đang giúp kết nối giữa Việt Nam với khu vực ASEAN và toàn cầu là một lợi thế cạnh tranh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng qua, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số và lượng vốn này tập trung vào những dự án chất lượng cao, hướng đến phát triển bền vững từ các Tập đoàn lớn như Apple, Lego, Samsung. Các dự án quy mô lớn chất lượng đang dần thay thế các dự án nhỏ.

“Trong cơ cấu vốn đầu tư các dự án, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nghiệp điện điện tử ngày càng tăng, chiếm gần 60%, đặc biệt là năm nay xuất hiện nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực và hệ sinh thái của sản xuất chất bán dẫn, làm cho dòng vốn đầu tư nước ngoài của chúng ta ngày càng chất lượng hơn”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Với góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt nam khẳng định: “Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn. Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới và sẽ chứng tỏ được vị thế của mình là một trong các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt sau những cam kết và định hướng rõ ràng của Việt Nam từ Hội nghị COP 26 về thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng trưởng xanh, Việt Nam đang trên hành trình hướng tới hiện thực hóa cam kết đi đôi với hành động, tạo môi trường thuận lợi cả về pháp lý và tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chuyển giao công nghệ. Theo tôi, Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và có lẽ năm nay sẽ đạt mức kỷ lục”.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế bất ổn do lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao, thương mại giảm tốc, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc từng đồng vốn mà họ bỏ ra. Nhưng trong 11 tháng năm nay, tổng số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam lại tăng trên 15 % và vốn đăng ký tăng trên 23% so với cùng kỳ, đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt nam. Thực tế đã chứng minh, những quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ như: Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID 19”… đã tạo niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp FDI. Những chính sách này là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục “rót vốn” đầu tư vào nước ta.

“Nhà máy tại Việt Nam này là nhà máy thứ 6 của chúng tôi và cũng là nhà máy trung hoà carbon đầu tiên. Nhà máy này sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng của chúng tôi với vai trò ngang hàng với 5 nhà máy còn lại và chúng tôi sẽ cung cấp tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cho khách hàng toàn khu vực Đông Nam Á. Sự phục hồi kinh tế của Việt nam sau đại dịch đã tạo niềm tin cho chúng tôi phát triển lâu dài tại Việt Nam”, ông Niels Christiansen, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO nói.

Để có con số thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay cũng phải kể tới sự chủ động của các địa phương. Đơn cử như tỉnh Long An đã sẵn sàng hạ tầng, với 226 dự án bất động sản nhà xưởng, kho bãi cho thuê, tổng diện tích hơn 6 triệu m2, thu hút 84 dự án FDI với dòng vốn trên 1 tỷ USD và 142 dự án trong nước với tổng vốn trên 19.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, ngoài hạ tầng kỹ thuật, giá cả thuê đất thì môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính được xem là thế mạnh của Long An trong việc thu hút nhà đầu tư.

“Những hồ sơ doanh nghiệp lớn có thương hiệu, uy tín, đầy đủ thì Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng giải quyết trong ngày. Và đầu năm nay, tỉnh cũng vừa cấp phép đầu tư cho nhà máy nước giải khát Coca Cola Việt Nam, được cấp trong ngày. Tỉnh cũng quán triệt tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là thủ tục hành chính tạo điều kiện đến để phát triển ở các khu công nghiệp Long An”, ông Nguyễn Thành Thanh cho hay.

Dự báo tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ còn rất nhiều khó khăn trong bối cảnh thế giới khó đoán định, nhưng về dài hạn, Việt Nam được các Tổ chức nước ngoài đánh giá vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, bởi đây là địa bàn quan trọng mà các nước hướng tới để thực hiện các hoạt động chế biến, chế tạo cung cấp cho thị trường khu vực ASEAN và thế giới.

“Đây là thời điểm mà Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả đối với nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn về nhân lực, logisstic và an toàn dịch bệnh. Dịch COVID-19 đang định hình lại do đầu tư nhà đầu tư lựa chọn điểm đến không chỉ là môi trường kinh doanh hấp dẫn, chi phí nhân công thấp, mà còn là khả năng hấp thụ công nghệ và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Virgina B. Foote, Chủ tịch Hiệp hội Hoa kỳ tại Việt Nam đánh giá.

Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường đầu tư toàn cầu. Song rõ ràng, sự sụt giảm của dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam vẫn đáng lo. Nhất là khi các báo cáo về dòng đầu tư toàn cầu cho biết, các chính sách nới lỏng tài chính và các gói kích thích tại mỗi quốc gia đang là động lực thúc đẩy dòng vốn FDI toàn cầu. Các khoản đầu tư lớn, trên 1 tỷ USD đang gia tăng. Đầu tư của một số ngành, như: vận tải, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính… đang bùng nổ mạnh mẽ, mà Việt Nam thực sự chưa tận dụng được một cách tốt nhất để đón dòng vốn đang dịch chuyển. Nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn được đánh giá là khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia, điều đáng quan tâm về nguồn vốn FDI sau đại dịch COVID-19 không phải là số lượng dự án, quy mô nguồn vốn, mà là chất lượng, cần thu hút những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Big Data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển… theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 105 của Chính phủ. Để nâng chất dự án FDI theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị thì phải đổi mới cơ bản toàn bộ hoạt động, từ xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, cần khuyến khích đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Thời gian qua, để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái quan trọng, như: ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…Và trong năm nay, có rất nhiều hội nghị nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức trực tuyến, để giúp cho các nhà đầu tư kết hợp với các tổ chức quốc tế thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, là kênh xúc tiến hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời là một giải pháp để tiết kiệm kinh phí. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút các dự án FDI chất lượng cao, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Theo Xuân Lan

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên