MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút lượng lớn vốn đầu tư từ phát triển vận tải biển quốc tế

Phát triển vận tải biển quốc tế hứa hẹn thu hút một lượng lớn dòng vốn từ nhiều ngành khác.

Phát triển vận tải biển quốc tế hứa hẹn thu hút một lượng lớn dòng vốn từ nhiều ngành khác.

Đó là nhận định của ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Logistics TP HCM tại tọa đàm “Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP HCM”, do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 9/2.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, cảng quốc tế không chỉ đơn thuần giúp cho sự phát triển của quốc gia, khu vực, mà còn gom hàng cho các quốc gia khác; đồng thời còn kéo theo các công ty tài chính khác, hoạt động vốn cho chủ tàu, chủ hàng… cùng phát triển vượt bậc. Điều này cũng đồng nghĩa, trung tâm tài chính đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế.

Ông Tuấn dẫn chứng, trước đây Hồng Kông (Trung Quốc) là trung tâm tài chính quốc tế với các cảng biển lớn, nhưng hiện nay Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến (Trung Quốc) đang phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông vẫn duy trì vị trí top 10, góp phần duy trì vị thế của trung tâm tài chính quốc tế trên toàn cầu.

Đại diện Hội Logistics TP HCM cho biết thêm, trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022, Việt Nam có 3 cảng có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm Hải Phòng, TP HCM và Cái Mép.

Tại TP HCM, “siêu cảng” quốc tế Cần Giờ - Cái Mép được đề cập, được định hướng đầu tư với công suất thiết kế 15 triệu TEUs. Hiện đang lập đề án nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, vay trong thời gian từ 15 - 17 năm. Quá trình đầu tư lâu dài nên rất cần thị trường vốn để đáp ứng đầu tư.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cho biết Tập đoàn MSC (một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới) đã đề xuất tham gia vào “siêu cảng” này, cộng với sự thu hút các công ty liên quan đến hoạt động cảng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM.

Nói về việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP HCM, các chuyên gia kinh tế khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Vấn đề còn lại là xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế đồng bộ, hoàn chỉnh.

Hiện nay, nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu là ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải. Thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, trung tâm tài chính sẽ thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Việc thu hút vốn sẽ do những định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ mua bán nợ, quỹ đầu tư hạ tầng… đứng ra huy động vốn.

Theo Thanh Giang

Đại Đoàn Kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên