Thu hút tư nhân làm truyền tải điện
Chỉ mở ra cơ chế vẫn chưa đủ để hút vốn tư nhân vào lĩnh vực truyền tải điện bởi phí truyền tải còn thấp, khó đem lại lợi nhuận.
Câu chuyện khuyến khích tư nhân đầu tư vào lưới truyền tải điện được nhắc đến khoảng 2 năm nay và tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội tại kỳ họp mới đây. Các chuyên gia kỳ vọng sự có mặt của tư nhân sẽ giúp tháo điểm nghẽn thiếu lưới truyền tải những dự án điện mới, nhất là điện mặt trời, điện gió.
Ranh giới nào cho tư nhân?
Tuy ủng hộ chủ trương thu hút tư nhân vào làm lưới điện nhưng hầu hết các ý kiến cho rằng cần phân định rõ phạm vi, giới hạn đầu tư của doanh nghiệp (DN) tư nhân.
Đấu nối đường dây 500 KV mạch 3 vào lưới truyền tải điện quốc gia .Ảnh: VIỆT HÀ
GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng chỉ nhà nước mới được đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, còn tư nhân chỉ được tham gia vào hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện hoặc cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. "Lưới điện từ 220 KV trở lên vẫn nên để nhà nước quản lý. Với lưới 110 KV trở xuống, nếu dự án ở xa vị trí đấu nối, có thể mở ra cơ chế cho phép nhà đầu tư thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng đoạn đường dây từ nhà máy đến vị trí nối lưới để bảo đảm tính chủ động. Viêc này nhằm giữ an toàn, an ninh điện quốc gia, tránh những trường hợp rủi ro không đáng có" - GS Trần Đình Long giải thích.
Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp và sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE) mới đây cũng hoàn tất báo cáo "Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam về đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng truyền tải giai đoạn 2021-2030" với nhiều đề xuất cụ thể liên quan đến việc cho tư nhân tham gia vào lưới điện quốc gia. Bên cạnh kiến nghị sửa quy định "nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải" thành "nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới truyền tải, trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ", VIET SE còn cho rằng nhà nước chỉ nên độc quyền trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các đường dây truyền tải trục xương sống 500 KV Bắc - Nam hoặc trục liên kết vùng, bao gồm đường trục và các trạm 500 KV; trục đường dây 220 KV và trạm biến áp 220 KV liên kết các tỉnh, thành phố hoặc cấp điện cho phạm vi nhiều huyện.
Tuy vậy, các chuyên gia của VIET SE cũng kiến nghị Luật Điện lực (sửa đổi) cần quy định rõ thêm các nội dung liên quan đến phạm vi và hình thức đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để bảo đảm tính khả thi, hài hòa lợi ích của tất cả các bên và bảo đảm an ninh hệ thống điện quốc gia.
Trong khi đó, nguyên lãnh đạo một DN nhà nước trong lĩnh vực điện (thuộc EVN) cho hay tại nhiều nước như Mỹ hay các quốc gia châu Âu, khu vực tư nhân không chỉ tham gia đầu tư, xây dựng mà còn trực tiếp vận hành hệ thống truyền tải điện. Thậm chí, có trường hợp quốc gia này có thể vận hành hệ thống truyền tải điện của nhiều quốc gia khác. "Dù ở Việt Nam chưa thể thu hút ngay tư nhân vào lĩnh vực này song đây là xu hướng của thế giới. Đặc biệt, với DN xây dựng nguồn điện, nhất là điện tái tạo, nhu cầu được tự làm đường dây để giải tỏa công suất là rất lớn. Nên sớm tạo điều kiện và cơ chế cho khối này tham gia vào lưới điện" - vị này nêu quan điểm.
Chưa đủ sức hấp dẫn
Theo nguyên lãnh đạo DN điện nói trên, để thu hút tư nhân vào lưới điện truyền tải, bên cạnh sửa đổi, hoàn thiện các quy định luật pháp thì cần cơ chế cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. "Cần xây dựng phương pháp tính phí truyền tải điện phù hợp, phí truyền tải phải ở mức độ nào đó để đủ bù đắp chi phí và DN truyền tải có lãi. Hiện nay, phí truyền tải chỉ hơn 86 đồng/KWh và dự kiến tăng lên cao nhất là 145,37 đồng/KWh trong giai đoạn 2021-2030 là thấp, cần được điều chỉnh. Với giá này, chỉ DN đầu tư nguồn điện có nhu cầu đầu tư lưới để giải tỏa công suất của mình thì mới có lãi, còn DN thuần đầu tư lưới điện để cho thuê thì không có lợi nhuận" - ông nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm lãnh đạo DN điện, ông góp ý các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng các quy định "ràng buộc" với DN tư nhân tham gia lưới điện để vừa bảo đảm lợi ích cho DN vừa tránh DN có những hoạt động gây tổn hại đến lưới quốc gia. "Cũng nên cho phép DN ngoài xây dựng đường dây đấu nối từ dự án của họ thì có thể xây dựng ở những khu, cụm thuận lợi để cho các dự án khác thuê, nhất là đặt ở những vị trí có dự án nguồn điện được phê duyệt, vị trí có dự án bắt buộc phải truyền tải qua… nhằm tối ưu hóa lợi nhuận" - ông nói thêm.
GS Trần Đình Long nhận định với phí truyền tải thấp như hiện nay, dù có tháo gỡ quy định luật pháp theo hướng tạo điều kiện cho tư nhân tham gia lưới điện thì cũng không có DN tham gia. Do đó, phải sớm tháo gỡ điểm nghẽn này thì mới thu hút được tư nhân, đặc biệt DN tư nhân đầu tư thuần vào lưới điện.
Báo cáo của VIET SE cũng nhận xét với mức phí truyền tải điện dự báo cho giai đoạn 2021-2030 là 145,37 đồng/KWh, các phương án huy động vốn đều không khả thi, cho dù vốn đầu tư là nhà nước hay ngoài nhà nước. "Kết quả mô hình hóa tài chính cho thấy để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư lưới truyền tải, cần tăng mức phí truyền tải lên từ 22,37% đến 52,90%, tùy thuộc vào tỉ lệ tham gia đầu tư của thành phần kinh tế ngoài nhà nước" - báo cáo của VIET SE chỉ rõ.
Người lao động