Thử làm "cú đêm" một tháng, mỗi ngày ngủ 4 tiếng, tôi nhận ra mình đã hủy hoại cuộc đời như nào
Hết một tháng quay cuồng với lịch làm việc như vậy, tôi nhận ra rằng mình không cần quá nhiều thời gian tập gym, tập Yoga, chạy bộ nếu không làm được một điều quan trọng hơn cả: ngủ đủ.
- 02-06-2019Vợ chồng sống với nhau 50 năm chưa từng nặng lời về tiền bạc: Làm được điều đó, bí mật của tôi chỉ tóm gọn trong 3 từ!
- 01-06-2019Đừng cậy trẻ mà muốn ngủ thế nào thì ngủ: Các nhà khoa học cho biết chỉ cần 1 đêm như thế này là bạn cũng có nguy cơ bị bệnh Alzheimer
2 giờ sáng.
Tôi tự hỏi mình đang làm gì vào giờ này, khi trên Facebook của tôi chỉ còn lác đác vài người chưa đi ngủ, hoặc phần lớn là những người bạn du học sinh lệch múi giờ. Gần 4 tuần OT, ngày nào tôi cũng về nhà vào 11h đêm. Đáng nhẽ ra tôi phải lên giường sau đó một tiếng nhưng không, những thói quen thường ngày vẫn níu chân tôi bên máy tính: Kiểm tra email công việc, nhắn tin với bạn bè một lúc, nghe nhạc xem phim hay lại ngập tràn trong những câu chuyện vô thưởng vô phạt Facebook.
Tôi đã chuyển thành một "cú đêm" gần một tháng này, 4 tiếng cho mỗi đêm đã khiến tôi thực sự trở thành cú đêm.
Giống như một gã say rượu không biết mình say, tôi không biết những cơn bực dọc vô cớ của mình vào mỗi buổi sáng là do mất ngủ, dù đồng nghiệp có nói gì đi nữa. Ai cũng biết điều ấy, chỉ có tôi chấp nhận và vùng vằng mỗi khi ai đó nói "dạo này anh có vẻ thiếu ngủ". Nếu ai đó nói rằng những kẻ nghiện tìm thấy sự phấn khích và khiến sức khỏe hủy hoại, đám "cú đêm" - hoặc ít nhất là tôi không thấy có gì phấn khích khi đi ngủ vào 2-3 giờ sáng và để sức khỏe hủy hoại. Nhưng nó đã thành một thói quen.
Những cuộc họp buổi sáng đã như tra tấn thì công việc buổi chiều còn kinh hoàng khi cơn buồn ngủ cứ kéo đến ùn ùn. Tôi không thể tập trung vào công việc và thỉnh thoảng như muốn đổ sập xuống. Cơn ngủ không qua đi như trút cả nỗi bực dọc lên người tôi để xả hết lên đồng nghiệp, người thân. Bạn sẽ không thể đếm được tôi cáu gắt với bao nhiêu người trong một ngày, đôi khi là cả "sếp". Khi đầu óc bạn lờ đờ trong suy nghĩ về một giấc ngủ, điều duy nhất bạn có thể tập trung và nghĩ tới là chiếc giường. Những ngày đầu như vậy trôi qua nhanh tưởng như xong rồi nhưng hóa ra, bạn chỉ chuyển từ mệt mỏi, căng thẳng sang áp lực và lúc nào cũng cảm thấy mọi thứ dồn nén chờ chực đổ sập lên đầu.
Mất ngủ không giống như những hội chứng bệnh tật gì khác; bạn nghĩ rằng những mệt mỏi, đờ đẫn đó như một phần của việc đi làm hay cuộc sống, để rồi bỏ mặc và đổ lỗi cho điều khác. Nghịch lý thay cho những người như tôi, mất ngủ là vậy nhưng khi có cơ hội được ngủ, đôi khi chúng tôi lại từ chối.
Một tuần đầu tiên, tôi có những dấu hiệu của việc mệt mỏi và uể oải; cà phê trở thành "người bạn thân" dù các biểu hiện như mất tập trung, sao nhãng công việc vẫn còn đó. Thỉnh thoảng ai đó khiến tôi giật mình sẽ nhận lại một lời quát mắng thậm tệ.
Đến tuần thứ hai, tôi thường xuyên lo lắng và căng thẳng; khi công việc cứ dồn lại vì tôi không thể tập trung, tôi thường xuyên mắc lỗi hơn trong công việc. Ầy, cốc cà phê của tôi đâu rồi, tài liệu gì cần gửi cho sếp ấy nhỉ? còn bao nhiêu cái báo cáo nữa thì mới hết ngày vậy.
Hết tuần thứ ba, tôi thấy mình có vẻ như đang stress thật. Hôm qua tôi ngủ có 4 tiếng thôi mà nay công ty có họp nhân viên gấp. Cảm xúc như một chiếc tàu lượn cao tốc - có lúc tôi thấy căng thẳng, tim đập liên hồi nhưng nhiều khi, tôi thấy giống một gã trầm cảm. Không thể, làm sao người ta biết được bản thân mình trầm cảm? Không, làm sao có thể được?
Hôm nay là thứ mấy?
Tôi đói. Hai giờ sáng, tôi xuống nhà tìm đồ ăn để lấp đầy cơn đói, cũng vài tiếng rồi chứ ít đâu. Sữa, bánh ngọt, mì tôm - trông tôi không giống một nhân viên văn phòng nữa, nhìn tôi trong gương giống một Hikikomori, bệ rạc và chán nản hơn. Nhưng kệ, tôi không còn tha thiết với những hình ảnh bản thân đẹp đẽ nữa. Tôi sẽ chờ tới mùa OT đi qua, khi ấy có lẽ mọi thói quen sinh hoạt sẽ trở lại bình thường: về nhà vào 7h tối, ăn uống nghỉ ngơi lướt Facebook đến 10 giờ rồi đi ngủ. Cafe không còn là bạn, mì tôm chắc cũng không, và chắc chắn sẽ không tỉnh dậy trên bàn máy tính vào lúc 7 giờ sáng, quờ quạng đồ đạc rồi nhanh chân tới công ty.
Còn bây giờ, để tôi ăn nốt đống mì gói này đã. Nốt tuần nữa thôi…
Những người trẻ tự hủy hoại cuộc đời mình
Nếu có một lúc nào đó tỉnh táo và tập trung hơn để nghĩ về câu chuyện giấc ngủ của bản thân, tôi nhận ra rằng mình không phải cá nhân đơn độc trên hành tinh này. Mỗi đêm tôi thức, có hàng triệu người trẻ đang thức cùng tôi, những "cú đêm" có khi còn thức muộn hơn tôi. Họ là những cô cậu thế hệ Y và giờ là cả gen Z - đám trẻ sinh sau năm 2000. Họ gọi chúng tôi bằng nhiều cái tên, một thế hệ chông chênh, tham vọng, nhiều vấn đề trầm cảm, áp lực với công việc chồng chất. Tuy nhiên, tôi nhớ ra một tên gọi khác của gen Y.
Một thế hệ thiếu ngủ. Những người trẻ đang tự hủy hoại cuộc đời mình bằng việc "ăn bớt" giấc ngủ của bản thân, nghĩ rằng bạn có thể làm nhiều việc hơn nếu không ngủ. Cuộc sống hiện đại đem đến cho chúng tôi công nghệ, đổi lại chúng tôi phải đánh đổi giấc ngủ - như một thỏa hiệp tưởng chừng như công bằng. Và nếu đọc câu chuyện của tôi ở trên, bạn hiểu tôi phải đánh đổi sức khỏe, tinh thần, công việc và cả những mối quan hệ.
Theo một nghiên cứu vào năm 2018, Singapore là quốc gia có tỷ lệ thiếu ngủ cao thứ hai thế giới, chỉ sau Anh - và thế hệ Millennials là nhóm tuổi có tỷ lệ thiếu ngủ cao nhất trong bảng khảo sát. Trung bình, những người trong độ tuổi từ 18 đến 38 chỉ có khoảng thời gian ngủ khoảng 7 tiếng một ngày, thấp hơn so với mức được các chuyên gia sức khỏe khuyên là 7-9 tiếng. Tất nhiên, đa phần cũng không hiểu rõ những thứ như một vòng ngủ sâu là như nào; khi đã chọn việc ít ngủ, chúng ta ngó lơ luôn đi mọi quy tắc hay chế độ sống lành mạnh nào.
Chúng tôi thường đi ngủ muộn hơn bố mẹ - lướt Facebook mỗi đêm vào khoảng 12 giờ, một đàn cú đêm vẫn còn trên mạng. Mọi thứ như một phản ứng Domino - khi bộn bề trong những suy nghĩ - vấn đề của thế hệ trẻ, mọi thứ cứ quẩn quanh trong tâm trí từ sáng tới đêm khuya. Có những thành phố không ngủ, luôn sáng đèn mỗi đêm và có những căn phòng không ngủ, nơi người trẻ vẫn còn thao thức trong mớ bòng bong suy nghĩ.
Theo khảo sát, có khoảng ⅓ người trẻ Singapore chấp nhận việc hy sinh thời gian ngủ để làm việc. Những người trẻ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động của đất nước này. Không chỉ công việc ngốn thời gian ngủ của người trẻ, áp lực về tài chính và căng thẳng công việc về deadline, công việc cũng theo họ tới khi đi ngủ. Tôi và họ đều đang gồng mình trong một cuộc chạy đua, từ sáng tới đêm, từ việc học cho tới công việc mà chỉ ngủ nhiều hơn bạn bè một chút, chúng tôi sợ rằng sẽ tụt lại. Không ai hiểu rằng, 4 tiếng mỗi đêm có thể giúp chúng tôi có thêm thời gian làm việc, nhưng lấy đi thời gian trong cuộc sống. Vậy ai sẽ là người về đích nhanh hơn?
Internet. Facebook. Twitter. Instagram. Messenger. Youtube. Tôi còn kể thiếu những công cụ hiện đại nào níu chân người trẻ đi vào mỗi giấc ngủ không? Trở mình trên giường, tôi lướt điện thoại khi không ngủ được, và càng dán mắt vào màn hình, chúng tôi càng trằn trọc. Đến tận nửa đêm, tâm trí vẫn quay cuồng trong tin nóng, giật gân, đánh ghen, chơi khăm, phim hài. Con người không như một thiết bị có công tắc, chỉ cần ngắt điện ra là dừng hoạt động. Giá như, tôi có thể ngắt mình ra khỏi thế giới đầy ảo vọng ấy và đi ngủ...
Thiếu ngủ - người ta đã nhắc tới vấn đề này rất nhiều. Ấy nhưng, chỉ khi một lần trải qua những cảm giác bệ rạc, khi tự "hủy hoại" chính mình - nói vậy cũng không ngoa, bằng việc "tiết kiệm" thời gian ngủ, tôi mới hiểu đó không phải một trò đùa, cũng không phải thứ để gây sốc, gây chú ý. Có lúc tôi ước, mình không phải một millennial để phải mang theo quá nhiều gánh nặng.
Một giấc ngủ, từ bao giờ cũng thành một gánh nặng vậy?
Helino