MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu ngân sách băng băng về đích: Chưa hẳn đã đáng mừng

Nửa đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước hoàn thành 66% dự toán pháp lệnh, ngân sách thặng dư hơn 228.000 tỷ đồng, nhiều khoản thu, sắc thuế tăng cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn canh cánh nỗi lo khi “bóng ma” lạm phát đang đe dọa toàn cầu cùng vật giá leo thang dồn dập.

Tăng thu ngân sách không hẳn là điều đáng mừng

Nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch đã giúp ngân sách 6 tháng đầu năm “bội thu” đạt 941.300 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 747.900 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Dù Nhà nước đã thực hiện chính sách miễn giảm thuế lớn nhất từ trước tới nay (miễn giảm 120.000 tỷ đồng tiền thuế, phí) nhưng thu ngân sách vẫn tăng tới 228.300 tỷ đồng so với dự toán. Số tăng ngân sách gần gấp đôi so với khoản tiền miễn giảm cho người dân, doanh nghiệp.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa có tiến độ thu khá so với dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô là một trong những khoản thu tăng đột biến. Trong nửa đầu năm 2022, với sản lượng khai thác 4,21 triệu tấn, giá dầu thô trung bình 100,4 USD/thùng (cao hơn 40,4 USD/thùng so với dự toán) đã góp phần giúp thu ngân sách từ dầu thô đạt 35.421 tỷ đồng, vượt 125% dự toán. Bên cạnh đó, các nguồn thu vượt dự toán lớn như thu tiền sử dụng đất đạt 108.000 tỷ đồng, bằng 79% dự toán và tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, thu ngân sách tăng lên không chỉ phản ánh việc phục hồi kinh doanh sau đại dịch mà còn cho thấy nỗ lực của ngành thuế. Đi sâu vào phân tích nguồn thu, nếu như trước kia các nguồn thu thuế từ mua bán chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh chứng khoán... chưa được chú ý nhiều thì thời gian gần đây đã trở thành một trong những nguồn thu quan trọng. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng tăng tốc số hóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế dễ dàng hơn.

Cụ thể, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng eTax mobile dành cho cá nhân vừa đi vào vận hành giúp nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam và từng cá nhân tự giác kê khai, nộp thuế điện tử. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số thu ngân sách tăng lên đáng kể, đặc biệt tăng thu đối với hoạt động thương mại điện tử.

“Nếu như năm 2016, thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới (Facebook, Google, YouTube) chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng, đến 2021 đã đạt hơn 1.590 tỷ đồng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng.

Ngoài ra, quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc không để lọt nguồn thu cũng như tăng tốc số hóa ngành tài chính, thuế, hải quan; siết tình trạng kê khai nhà đất “2 giá” cũng khiến số thu thuế tăng lên trong nửa đầu năm 2022.

“Việc số hoá cũng giảm thiểu các công việc, giúp cơ quan thuế dành nhiều thời gian, lực lượng cho thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thu thuế, nộp thuế. Từ đó, tốc độ tăng trưởng về thu ngân sách nhà nước đạt cao”, ông Thịnh cho hay.

Dù vậy, hiện nhiều sắc thuế tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán, nên khi giá hàng hóa dịch vụ leo cao trong bối cảnh lạm phát, số thu thuế tăng theo.

Tuy nhiên, TS. Phạm Thế Anh, giảng viên cao cấp về Kinh tế Vĩ mô tại Đại học Kinh tế Quốc dân lại cho rằng, tăng thu ngân sách không hẳn là điều đáng mừng, bởi nhiều sắc thuế tính trên tỷ lệ phần trăm nên khi giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng lên do "bão giá" cũng khiến số thu thuế cũng tăng theo.

“Tăng thu thuế một phần phản ánh giá cả hàng hóa tăng rất nhanh. Thời gian qua, giá của nhiều loại hàng hóa tăng cao như: xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, các nguyên vật liệu cơ bản như sắt, thép, vật liệu xây dựng… đều tăng mạnh”, TS. Phạm Thế Anh nói và cho biết thêm “Một số khoản thu từ xăng dầu, khai thác dầu thô, đặc biệt các loại thuế liên quan đến xăng dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) vừa qua tăng rất mạnh bởi các loại thuế đó thu theo tỷ lệ giá trị hàng hóa, giá hàng hóa tăng lên thì thu thuế cũng tăng lên”.

Cũng theo TS. Phạm Thế Anh, thu từ dầu thô càng nhiều thì nền kinh tế càng đối diện với rủi ro càng lớn.

“Thu từ dầu thô và các mặt hàng xăng dầu tăng có nghĩa là các mặt hàng đó đang tăng cao, chi phí sản xuất của nền kinh tế tăng cao, tạo áp lực lạm phát”, TS. Phạm Thế Anh lo ngại.

Cần nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nửa cuối năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá, chính sách thuế và trình cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

“Thu ngân sách nhà nước phải căn cứ vào sức khoẻ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tăng sản lượng, không phát triển sẽ không thu được ngân sách. Trong khi đó, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn trước bão giá. Doanh nghiệp khó khăn vì giá hàng hóa đầu vào tăng cao, đầu tư xây dựng cơ bản không có lãi, vận tải thua lỗ. Chúng ta phải tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế ổn định, phát triển”, Bộ trưởng Phớc đặt yêu cầu cho cán bộ ngành Tài chính.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong lúc nền kinh tế suy giảm, đời sống người dân khó khăn, chính sách hữu hiệu nhất của Nhà nước là giảm thuế. Trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao đã góp phần giúp thu ngân sách đạt gần 70% kế hoạch. Số thu ngân sách tăng gần gấp đôi số tiền miễn giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp cho thấy, bước đầu yên tâm về nguồn lực tài chính.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, triển vọng phục hồi nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm còn tiếp tục tăng. Khi nguồn thu dồi dào, Nhà nước nên mạnh dạn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng ảnh hưởng lớn tới người dân.

“Khi giảm giá xăng dầu sẽ kích cầu, giúp sản xuất tăng lên. Bộ Tài chính nên sớm đề xuất giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn”, ông Long kiến nghị./.

Theo Diệp Diệp

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên