Thu ngân sách gặp khó, nợ thuế gia tăng
Tổng số nợ thuế đến ngày 31-8 vẫn có chiều hướng tăng so với cuối năm 2019.
- 21-06-2019Thuốc lá lậu chiếm tới 25% thị phần, gây thất thu ngân sách
- 12-06-2019Dùng nguồn vượt thu ngân sách để hỗ trợ người chăn nuôi do dịch tả lợn châu Phi
- 08-10-2016Cho nhập 100% đường thô để tăng nguồn thu cho ngân sách
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 92.900 tỉ đồng, trong đó thu nội địa giảm so với tháng 7. Nguyên nhân giảm thu ngân sách là do cuối tháng 7, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở TP Đà Nẵng và lan rộng ra một số địa phương với số người nhiễm bệnh tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch và dịch vụ.
Lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2020 ước đạt 881.900 tỉ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so cùng kỳ năm 2019. Nếu tính cả số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn thời gian nộp theo quy định của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ là 66.390 tỉ đồng thì thu ngân sách 8 tháng ước đạt 62,7% dự toán, vẫn giảm 5,8% so cùng kỳ năm 2019.
Bộ Tài chính cho biết mức giảm thu diễn ra ở nhiều địa phương và tập trung ở các khoản như thuế GTGT chỉ đạt 49,5% dự toán, giảm 16,9% so cùng kỳ; thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 52,2% dự toán, giảm 15,4%; thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 50,5% dự toán, giảm 13,4%. Bên cạnh đó, một số địa phương có tiến độ thu thấp dưới 55% dự toán như: TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Huy, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, nhìn nhận thu ngân sách gặp khó là do dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết ngành nghề, lĩnh vực. Bên cạnh đó, còn do việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh, hỗ trợ người nộp thuế gia hạn tiền thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 6-2020. Ngoài ra, một số đơn vị sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt kê khai phát sinh của tháng 5, tháng 6 vào ngân sách nhà nước, chờ để được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ; tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên.
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Trong bối cảnh khó khăn, thu ngân sách giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngành tài chính, trong đó các cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thu, chống thất thu. Từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế đã thực hiện 41.248 cuộc thanh - kiểm tra, rà soát 357.323 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 34.691 tỉ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách hơn 5.918 tỉ đồng, bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19, cơ quan thuế chỉ thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với những trường hợp có rủi ro cao và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. "Cục Thuế TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng khâu phân tích yếu tố rủi ro đối với các loại hồ sơ khai thuế, đồng thời thu thập dữ liệu về người nộp thuế, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin để nhận diện, phân tích, cảnh báo đến người nộp thuế, khai thác các ứng dụng, công cụ hỗ trợ quản lý thuế và bộ tiêu chí rủi ro vào công tác kiểm tra" - ông Mai Sơn cho hay.
Về phía Tổng cục Thuế, cơ quan này cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế . Tính đến cuối tháng 8, cơ quan thuế các cấp đã thu được 17.515 tỉ đồng, bằng 41,4% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31-12-2019, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, tổng số nợ thuế đến ngày 31-8 vẫn có chiều hướng tăng so với thời điểm cuối năm 2019. Trong những tháng còn lại của năm 2020, cơ quan thuế sẽ đôn đốc thu phù hợp, nhất là một số khoản thu ngân sách trung ương; tập trung nguồn lực cho công tác thu hồi nợ thuế, trong đó chú trọng các đơn vị có số nợ thuế lớn, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, các dự án không được gia hạn nhưng cố tình chây ì nợ thuế.
Người lao động