Thu nhập 21 triệu mà hết tháng hết tiền, nhờ giãn cách xã hội, mẹ bỉm sữa tìm ra bí quyết chi tiêu giảm xuống còn 10 triệu đồng/tháng cho nhà 5 người
Thu nhập giảm xuống còn một nửa, chị Hương buộc phải chia nhỏ từng khoản thật chặt chẽ. Khoản chi nào quan trọng, cần thiết mới giữ lại còn không chị cắt giảm hết.
- 16-08-2021Thiếu niên 16 tuổi kiếm gần 2 triệu USD nhờ "mua đi bán lại" trong đại dịch COVID-19: 5 tuổi đã bắt đầu kinh doanh, đặc biệt nhanh nhạy trước thị trường
- 16-07-2021Trắng tay vì đại dịch, ông chủ nhà hàng Ấn "top 1 Tripadvisor" ở Đà Nẵng lao đao khi những đồng tiền tiết kiệm đang dần vơi bớt
- 05-07-2021Đại dịch đã làm thay đổi các quy tắc tài chính cá nhân như thế nào?
Thu Hương 30 tuổi làm nhân viên văn phòng của một công ty tư nhân. Chị kết hôn đầu năm 2020, đầu năm 2021 chị sinh bé gái đầu lòng. Sau cưới vợ chồng chị sống cùng với bố mẹ chồng nên không phải lo nhà ở, chỉ việc tập trung làm ăn kinh tế để nuôi con.
Chị Hương kể, đầu tháng 1 chị sinh bé đầu lòng. Nghỉ hết 6 tháng cữ, chị vừa quay trở lại công việc được 1 tháng thì dịch bùng phát, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Công ty chị làm ăn gặp khó khăn, buộc phải cho toàn bộ nhân viên tạm thời nghỉ việc không lương, không có bất cứ khoản trợ cấp nào khiến thu nhập gia đình chị giảm 1 nửa, chỉ còn 1 nguồn thu duy nhất là lương của chồng chị.
"Mình nghỉ việc không lương, cuộc sống gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của chồng. Lương anh ấy được 12 triệu, trong khi sau cưới mình sinh con ngay nên hầu như hai đứa không để ra được 1 khoản tích lũy dự phòng nào nên mình cũng khá căng thẳng.
Nếu nhà chỉ có 2 vợ chồng thôi còn đỡ, đằng này còn có bố mẹ chồng sống cùng, con gái mình thì lại đang tuổi bỉm sữa. Tổng cộng 5 thành viên chỉ nhìn vào 12 triệu để duy trì cuộc sống mùa dịch thật sự là làm mình đau đầu", chị Hương tâm sự.
Thu nhập gia đình trong mùa dịch bất ngờ giảm xuống còn 1 nửa khiến chị Hương vô cùng lo lắng
Bởi xác định được những khó khăn trước mắt nên chị Hương đã ngồi lập lại kế hoạch chi tiêu cho gia đình. Chị kể rằng khi chị đi làm, tổng thu nhập của vợ chồng chị được 21 triệu đồng, vì đang nuôi con nhỏ lại sống cùng bố mẹ già, mọi khoản chi tiêu đều tới tay nên cùng lắm mỗi tháng chỉ để dành được đôi ba triệu, nếu con ốm là hết.
Giờ thu nhập giảm xuống còn 12 triệu, chị buộc phải chia nhỏ từng khoản thật chặt chẽ. Khoản chi nào thật cần thiết mới giữ lại còn không cắt giảm hết. Đồng thời trong chi tiêu chị đã đưa ra 4 thay đổi lớn như sau.
1. Đề cao tinh thần tự cung tự cấp
Chị Hương kể, áp lực tài chính trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng khiến chị buộc phải thắt chặt chi tiêu và phát huy tình thần tự cung tự cấp. Với những thực phẩm có thể tự làm ra, chị đều tận dụng tối đa để không phải đi chợ:
"Ngày trước đi làm, không có thời gian thì tất cả mình đều chạy ra chợ hoặc siêu thị 'nhặt' cho nhanh. Giờ dịch giã căng thẳng, thu nhập giảm sâu nhưng đổi lại có thời gian ở nhà nên mình cố gắng hạn chế tiêu tiền hết mức có thể. Cùng với đó, mình tự trồng rau mầm, ủ giá đỗ. 3 bữa trong ngày mình tự nấu, tuyệt đối không mua hàng", chị Hương kể.
Nghỉ dịch có thời gian, chị Hương tự tay nấu ngày 3 bữa cho cả nhà. Tuyệt đối chị nói không với mua đồ ăn bên ngoài
2. Tích cực dự phòng đồ khô
Trong những tháng dịch, đồ khô được xem là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của chị Hương.
"Để hạn chế đi chợ, mình mua đồ khô như cá khô, tép khô, làm ruốc, làm muối vừng, tự gói giò xào để ăn đan xen giữa các bữa vừa tránh cảm giác ngán đồ ăn, vừa tiết kiệm tiền cũng như hạn chế đi chợ", chị Hương cho hay.
Giá đỗ do chị Hương tự làm
Chị Hương tự gói giò xào để gia đình ăn trong những ngày dịch
3. Gỡ app mua sắm qua mạng
Đây là việc đầu tiên chị Hương thực hiện sau khi thu nhập gia đình bị cắt giảm.
"Trước đây mình là tín đồ mua hàng qua mạng. Trong điện thoại, máy tính bảng mình cài đủ các app mua sắm từ quần áo tới đồ ăn. Thời gian này mình xóa hết những app đó để "cai nghiện sắm đồ". Tính ra một tháng mình cũng phải chi từ 1.5 triệu đến 2 triệu mua hàng qua mạng. 'Cai món này', mình tiết kiệm được khoản kha khá", chị Hương vui vẻ kể.
4. Tích cực dùng lại đồ cũ
Cũng giống như bất cứ 1 mẹ bỉm sữa nghiện con nào, chị Hương kể từ khi có con chị tốn rất nhiều tiền để mua quần áo cho bé. Tuy nhiên trong thời gian này, chị nghiêm khắc không để bản thân tiêu tiền theo cảm hứng như trước.
"Trước đây mình hầu như không dùng đồ cũ cho con nhưng thời điểm khó khăn này khiến mình hiểu ra rằng trong mọi khoản chi tiêu đều phải tiết kiệm. Mình ở chung cư có nhiều mẹ bỉm sữa sàn sàn tuổi nhau. Chúng mình lập nhóm, trao đổi với nhau đồ cũ, đồ thừa của các bé để tiết kiệm chi phí", bà mẹ bỉm sữa này chia sẻ.
Chị Hương tích cực trao đổi xin quần áo cũ cho con dùng lại (Ảnh minh họa)
Với 4 thay đổi trong quản lý tài chính trên, chị Hương cho hay, chi tiêu gia đình chị trong 2 tháng nay giảm đi rất nhiều. Nếu trước đây lương của anh chị được 21 triệu mà tháng nào tiêu hết tháng đó thì hiện tại, với mức thu nhập 12 triệu một tháng, chị Hương vẫn để dành ra được 2 triệu để dự phòng. Như vậy mỗi tháng chị chỉ tiêu hết 10 triệu đồng.
"Thế mới biết, trong cuộc sống chúng ta tích lũy được nhiều hay ít không hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập lớn hay nhỏ mà phụ thuộc phần lớn vào cách chúng ta quản lý chi tiêu. Nếu ngay từ đầu chúng ta thiết lập ra 1 kế hoạch chi tiêu khoa học và có ý thức tiết kiệm thì dù thu nhập hạn hẹp chúng ta vẫn có thể để tiết kiệm được 1 khoản phòng thân", chị Hương kể.
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - ảnh: NVCC
Nhịp sống Việt