MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu nhập càng cao thì tỷ lệ cảm thấy hạnh phúc càng giảm: Không có tiêu chuẩn của hạnh phúc, nhưng nó phụ thuộc vào sự trọn vẹn trong tinh thần

05-02-2022 - 13:03 PM | Lifestyle

Thu nhập càng cao thì tỷ lệ cảm thấy hạnh phúc càng giảm: Không có tiêu chuẩn của hạnh phúc, nhưng nó phụ thuộc vào sự trọn vẹn trong tinh thần

Tìm kiếm ánh sáng giữa khó khăn và tìm kiếm vẻ đẹp trong những điều tầm thường là bí quyết để thu hút may mắn và chữa lành cũng như nâng cao khả năng tìm kiếm và cảm nhận hạnh phúc.

Có một chủ đề nhận được khá nhiều sự quan tâm như này: "Mỗi tối trước khi đi ngủ hay viết ra 3 điều tốt đẹp đã xảy ra trong ngày hôm đó."

Ở phần bình luận, những câu chuyện mà mọi người chia sẻ hầu hết đều là những chuyện rất nhỏ nhặt:

Kiền trì không để rác tới ngày hôm sau, tối nào cũng đi vứt rác, tiện thể đi dạo một lát, bắt gặp dong riềng đỏ nở, bỗng cảm thấy nó vô cùng đẹp.

Vô tình phát hiện ra một quán cà phê, rất thích phong cách trang trí, vị đồ uống cũng không tồi.

Mua được một trái dừa xiêm muốn uống từ lâu lắm rồi ở một cửa hàng tạp hóa gần nhà.

Ăn được vài món ăn mang đậm hương vị quê nhà ở nhà một người bạn.

Mỗi ngày đều viết một bức thư cho con trai, kiên trì đã được 12 ngày.

Thứ 6 rồi, đây vốn dĩ là một chuyện đáng để vui mừng….

Mỗi ngày viết ra 3 điều tốt đẹp sẽ tạo ra những thay đổi nào cho cuộc sống?

Một người kiên trì làm điều đó chia sẻ như này:

"Ghi chép lại những điều đẹp đẽ một cách có ý thức, khả năng cảm thụ vẻ đẹp cuộc sống của chúng ta sẽ được nâng cao, chúng ta sẽ có thể thấy được sự ấm áp mà trước đây từng bị bỏ qua.

Bạn sẽ trân trọng những người và đồ vật xung quanh mình hơn, đồng thời cũng nhìn thấy được mặt tốt của họ.

Bạn sẽ ngày càng biết đánh giá cao bản thân và biết ơn người khác.

Có thể không phải ngày nào cũng sẽ có những điều hạnh phúc, nhưng để ghi lại những điều đẹp đẽ và đáng được tri ân, tôi sẽ cố gắng hết sức để thay đổi suy nghĩ và thái độ của mình, đồng thời học cách tự làm cho mình hạnh phúc..."

Tác giả Martin Seligman trong cuốn "Flourish" nói rằng nếu kiên trì viết ra 3 điều tốt mỗi tối trước khi đi ngủ trong một tuần, trong sáu tháng tiếp theo bạn sẽ nhận thấy cảm giác hạnh phúc gia tăng và trầm cảm sẽ giảm xuống.

Vì hành động "ghi lại những điều tốt đẹp" nhỏ bé của chúng ta đã làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống.

 Thu nhập càng cao thì tỷ lệ cảm thấy hạnh phúc càng giảm: Không có tiêu chuẩn của hạnh phúc, nhưng nó phụ thuộc vào sự trọn vẹn trong tinh thần  - Ảnh 1.

01

Tôi từng đọc được một bức thư của một học sinh của trường Đại học Thanh Hoa (trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc).

Nhìn từ khía cạnh khách quan, cậu là một đứa trẻ bất hạnh.

Mặc dù đã đỗ vào Đại học Thanh Hoa với điểm số cao thứ 10 toàn tỉnh An Huy trong kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng gia đình lại không có đủ tiền cho cậu đi học.

Nắm nhất, sinh hoạt phí mỗi tháng rơi vào khoảng 400 tệ (khoảng 1,4 triệu đồng).

Trong thời gian huấn luyện quân sự, khi các sinh viên khác xếp hàng mua đồ uống và dưa hấu đá, cậu chỉ tự an ủi mình.

Mua được một suất thịt lợn chua ngọt, có thịt có rau, còn có nước xốt, đó là niềm hạnh phúc của cậu.

Từ trường đến nơi làm gia sư, đạp xe 6 cây số, qua một cây cầu khó đi nhưng cô bảo mẫu nấu ăn rất ngon và cũng xem như tiết kiệm được tiền ăn ngày hôm đó…

Trong suốt bốn năm đại học, cậu dựa vào học bổng, cùng nhiều khoản trợ cấp khác nhau từ trường, và công việc gia sư để học lên và tốt nghiệp thạc sỹ.

Cậu có một thói quen là thường xuyên viết thư cảm ơn cho những người quyên góp giúp cậu được tiếp tục đi học, gửi lời chúc phúc tới những giáo viên đã giúp cậu có được trợ cấp cho học sinh nghèo, và luôn biết ơn các bạn cùng lớp đã luôn bảo vệ lòng tự trọng của cậu.

Sau cùng, thoát khỏi gông cùm của đói nghèo, cậu đã có thể tự kiếm tiền, đồng thời mỗi học kỳ, cậu đều quyên góp 3.200 nhân dân tệ (khoảng 11 triệu đồng) để hỗ trợ 4 đứa nhỏ ở "Trường tiểu học Hi Vọng" ở quê nhà.

Điều cảm động nhất là trong bức thư dài của cậu đó là dù có rất nhiều tình tiết xót xa, nhưng ở trong đó lại không một lời than thở về cuộc sống hay sự đố kỵ với những bạn học có hoàn cảnh tốt hơn.

Cậu chỉ làm theo cấu hình mà cuộc sống ban tặng, và cố gắng hết sức để cuộc sống tốt đẹp hơn một chút.

Cậu nói: "Thực ra ông trời luôn ưu ái cho tôi, gia đình khỏe mạnh, chưa cần tôi chăm sóc, tôi cũng đã gặp được rất nhiều bạn học và giáo viên xuất sắc".

Đọc tới đây, tôi thực sự muốn nói với cậu ấy rằng không phải là cậu ấy may mắn khi gặp được những người bạn cùng lớp và những người thầy xuất sắc, mà bởi vì cậu ấy đủ xuất sắc và tốt đẹp để luôn nhìn thấy những mặt đẹp nhất của cuộc sống.

Có thể ông trời không cho cậu ấy một hạnh phúc tiêu chuẩn, nhưng cậu ấy vẫn luôn sống trong hạnh phúc.

 Thu nhập càng cao thì tỷ lệ cảm thấy hạnh phúc càng giảm: Không có tiêu chuẩn của hạnh phúc, nhưng nó phụ thuộc vào sự trọn vẹn trong tinh thần  - Ảnh 2.

02

Hạnh phúc là gì?

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Epicurus nói: "Hạnh phúc là không có đau đớn về thể xác và không có phiền muộn trong tâm hồn."

Ralph Waldo Emerson nói: "Khiến thời gian trở nên trọn vẹn, đó chính là hạnh phúc."

Martin Seligman, người được mệnh danh là cha đẻ của "tâm lý học tích cực", đã nói trong cuốn sách "Flourish" rằng: "Không có tiêu chuẩn thống nhất nào cho hạnh phúc, nhưng nó phụ thuộc vào sự trọn vẹn trong tinh thần".

Đầu năm 2021, CCTV Finance của trung Quốc đã công bố dữ liệu của "Khảo sát Cuộc sống Tốt đẹp ở Trung Quốc", báo cáo tập trung vào mối quan hệ giữa thu nhập và hạnh phúc.

Cuộc khảo sát cho thấy những người có thu nhập hàng năm từ 10.000 đến 30.000 nhân dân tệ có tỷ lệ hạnh phúc thấp nhất. (khoảng 36 – 107 triệu đồng)

Khi thu nhập tăng lên thì cảm giác hạnh phúc cũng vậy. Những người có thu nhập hàng năm từ 120.000 đến 200.000 có tỷ lệ hạnh phúc cao nhất. (khoảng 420 triệu tới 714 triệu đồng)

Nhưng khi thu nhập hàng năm của một cá nhân vượt quá 500.000 tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng), thu nhập càng cao thì tỷ lệ cảm thấy hạnh phúc càng giảm.

Có người nói, thu nhập càng cao, chi tiêu sẽ càng nhiều, áp lực càng lớn.

Thực tế, lý do sâu xa hơn là thu nhập càng cao thì ngưỡng hạnh phúc càng cao.

Với thu nhập hàng năm 100.000 tệ, bạn có thể chắt chiu vài ngày nghỉ phép và đi chơi ở nơi mình yêu thích, bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc;

Với thu nhập hàng năm 500.000 nhân dân tệ, bạn đi cùng một nơi, sống cùng một cuộc sống, vì vậy sẽ luôn cảm thấy không hài lòng.

Martin Seligman cho rằng trạng thái hạnh phúc cao song hành với sự hiện diện của những dấu hiệu mạnh mẽ của sự sống, bao gồm 5 yếu tố:

Cảm xúc tích cực.

Có "ý thức tham gia" cao vào những gì bạn làm và cả trong cuộc sống.

Có mối quan hệ tốt giữa các cá nhân, bao gồm gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xã hội.

Có ý nghĩa cuộc sống, cảm nhận được giá trị của cuộc sống, có mục tiêu phấn đấu.

Cảm giác thành tựu, cảm thấy rằng sự tồn tại của mình có giá trị đối với người khác và xã hội.

 Thu nhập càng cao thì tỷ lệ cảm thấy hạnh phúc càng giảm: Không có tiêu chuẩn của hạnh phúc, nhưng nó phụ thuộc vào sự trọn vẹn trong tinh thần  - Ảnh 3.

03
Làm thế nào để cải thiện hạnh phúc và đối mặt với cuộc sống một cách tích cực và lạc quan?

Martin Seligman đề xuất ba bài tập:

Một là học cách biết ơn.

Bạn có thể nhắm mắt lại và nghĩ về một người mà một lời nói hoặc hành động của người đó sưởi ấm trái tim bạn và làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, nhưng bạn chưa bao giờ cảm ơn họ về điều đó, và họ thậm chí cũng không biết rằng lòng tốt của mình đã giúp đỡ bạn rất nhiều.

Bạn có thể đến thăm họ trong tương lai gần và trực tiếp nói lời cảm ơn với họ.

Khi bạn biết ơn một số người và một số điều, bạn sẽ không ngừng nhớ lại những điều tốt đẹp đã xảy ra trong cuộc sống của bạn, và bạn sẽ trở nên hài lòng và hạnh phúc hơn.

Thứ hai là dành 10 phút mỗi tối trước khi đi ngủ để nhớ lại ba điều tốt đẹp đã xảy ra ngày hôm nay và ghi lại chúng.

Có thể đó là món ăn ngon mà bạn chưa được ăn trong một thời gian dài, có thể đó là một việc gì đó mà gia đình đã làm khiến bạn hạnh phúc, có thể là bạn đã mặc một bộ quần áo đẹp đi làm, có thể là bạn đã đọc được một cuốn sách hay…

Khi ghi lại mọi điều tốt đẹp, hãy dành thời gian để suy nghĩ về lý do tại sao điều đó lại xảy ra.

Bởi vì bạn nấu ăn bằng cả trái tim nên món ăn làm ra vô cùng ngon…

Vì đứa nhỏ rất quý bạn nên mới chia sẻ đồ ăn vặt của chúng với bạn…

 Thu nhập càng cao thì tỷ lệ cảm thấy hạnh phúc càng giảm: Không có tiêu chuẩn của hạnh phúc, nhưng nó phụ thuộc vào sự trọn vẹn trong tinh thần  - Ảnh 4.

Thứ ba là giao tiếp với mọi người và tuân theo "tỷ lệ Losada".

Thống kê tất cả các cuộc trò chuyện mà một công ty có trong một cuộc họp, kết quả cho thấy, công ty phát triển mạnh khi nội dung của các cuộc trò chuyện tích cực nhiều hơn 2,9 lần hoặc cao hơn so với các cuộc trò chuyện tiêu cực.

Nếu thấp hơn tỷ lệ này, công ty sẽ đối mặt với khủng hoảng phá sản.

Tỷ lệ này được gọi là tỷ lệ Losada.

Nó cũng áp dụng cho cuộc sống gia đình của chúng ta.

Khi bạn nói một điều tiêu cực với gia đình của bạn, bạn sẽ phải mất ít nhất năm điều tích cực để bù đắp lại cho nó.

Schopenhauer nói: "Hạnh phúc và bất hạnh trong cuộc sống không phụ thuộc quá nhiều vào việc chúng ta gặp phải những gì, nó phụ thuộc vào cách mà chúng ta gặp chúng."

Nếu bạn làm việc chăm chỉ mỗi ngày, nhưng bạn thường cảm thấy rằng bạn không biết mình đang chạy vì cái gì, hoặc nếu bạn làm việc chăm chỉ, có một gia đình hạnh phúc và cuộc sống vật chất tốt, nhưng bạn không thể cảm nhận được hạnh phúc bên trong của mình, vậy thì chắc chắn là năng lực cảm nhận hạnh phúc của bạn đang bị ốm.

Tìm kiếm ánh sáng giữa khó khăn và tìm kiếm vẻ đẹp trong những điều tầm thường là bí quyết để thu hút may mắn và chữa lành cũng như nâng cao khả năng tìm kiếm và cảm nhận hạnh phúc.

Theo Toutiao

https://cafebiz.vn/thu-nhap-cang-cao-thi-ty-le-cam-thay-hanh-phuc-cang-giam-khong-co-tieu-chuan-cua-hanh-phuc-nhung-no-phu-thuoc-vao-su-tron-ven-trong-tinh-than-20220122161208277.chn

Theo Như Nguyễn

Doanh nghiệp và Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên